.

Nghệ thuật: Gieo gì gặt nấy

.

Từ những bộ phim đầu tiên: “Đáng đời thằng cáo”, “Dế mèn phiêu lưu ký”…, 50 năm qua, hoạt hình Việt Nam đã trở thành người bạn thân thiết của các em nhỏ, giúp các em nâng cao óc thẩm mỹ và cảm xúc nghệ thuật, góp sức vun trồng thế hệ tương lai.

Tuy nhiên nhiều năm gần đây, hoạt hình Việt Nam không có nhiều phim hay, không còn thật sự thu hút và chinh phục khán giả nhỏ tuổi. Làm gì để có thể đem lại diện mạo mới cho hoạt hình Việt Nam?

Gửi câu hỏi này tới Đạo diễn, NSND Trương Qua (ảnh), một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho hoạt hình Việt Nam, chúng tôi  nhận được những trăn trở đầy tâm huyết của người nghệ sĩ đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” này.

* Thưa NSND Trương Qua,  ông có nhận xét gì về phim hoạt hình Việt Nam những năm gần đây?

- Chúng tôi thuộc thế hệ những người đi trước và rất mừng khi chứng kiến sự tiến bộ của lớp nghệ sĩ hiện nay như Phương Hoa, Minh Trí, Hà Bắc…, lớp nghệ sĩ này rất nhạy cảm với cái mới, nhiệt tình với nghề và đã gặt hái được những thành quả đáng kể. Tuy nhiên, những tác giả và những tác phẩm ấy không nhiều. Chúng tôi, thế hệ nghệ sĩ già có rất nhiều tâm tư, lo lắng cho hoạt hình Việt Nam, bởi thật sự nó đang có rất ít sự “thăng hoa”.

Cụ thể thì rất khó nói, và cũng rất tế nhị…, song có thể thấy, trước đây chúng ta đã có rất nhiều Bông sen Vàng, Bông sen Bạc… cho hoạt hình, thậm chí có nhiều giải quốc tế, thu hút trẻ nhỏ và cả người lớn cũng yêu thích. Vậy mà nhiều năm gần đây, chúng ta không đi dự giải quốc tế được nữa, và cũng rất nhiều năm mới có Xe đạp của Phương Hoa, Sự tích cái nhà sàn của Hà Bắc…, còn lại rất nhiều phim chưa đều tay, ít cảnh gây ấn tượng, không đem lại sự rung động cho người xem.

* Nguyên nhân vì sao, thưa nghệ sĩ?

- Có rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân nhận định được, có nguyên nhân do hoàn cảnh tuổi tác mà thế hệ chúng tôi không có điều kiện đánh giá. Nhìn lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay làm nghề, đôi khi chúng tôi giật mình bởi các em làm nhanh quá. Ngày xưa, có những bộ phim hoạt hình 10 phút, chúng tôi làm tới 3 năm, như bộ phim Đam San, với rất nhiều lần đi thực tế tận vùng sâu, vùng xa.
 
Cũng những bộ phim tương tự như vậy, bây giờ các em chỉ làm trong 2, 3 tháng. Có thể do hiện nay các em có đủ điều kiện, đủ phương tiện để rút ngắn thời gian, nhưng vẫn có điều gì đó khiến chúng tôi băn khoăn… Ngày xưa, chúng tôi làm phim với tất cả rung cảm của người nghệ sĩ, làm với tất cả nhiệt tình, tới mức dành tất cả cho công việc chung, cho sự nghiệp, không tính toán riêng tư, tiền bạc. Còn bây giờ, hình như dù có làm nghệ sĩ, làm nghệ thuật thì người ta vẫn phải tính toán, kế hoạch, lỗ lãi, lợi nhuận… Có những cái đó chi phối, thì làm sao rung cảm được? 

Một nguyên nhân nữa tôi cho là hết sức quan trọng, là do công tác đào tạo còn nhiều điều bất cập. Chúng tôi đã từng theo học ở Liên Xô nhiều năm, tiếp thu rất nhiều kiến thức cũng như thực tế mới có thể có những tác phẩm đầu tiên cho hoạt hình Việt Nam, và dù là những tác phẩm đầu tiên thì cho tới nay, thật tự hào đó vẫn là những tác phẩm có chỗ đứng trong công chúng.
 
Có ai biết để thành công như đạo diễn trẻ Phương Hoa, cô ấy đã phải  miệt mài 6 năm học ở Nga. Như vậy có nghĩa là phải xem lại công tác đào tạo của chúng ta như thế nào? Chất lượng đào tạo ở các trường nghệ thuật ra sao, có phải nó có rất nhiều vấn đề, từ chất lượng đầu vào, giảng dạy, chất lượng đầu ra? Tại sao ngày xưa bao cấp khổ thế mà chúng ta vẫn đưa nghệ sĩ ra nước ngoài học, hoặc mời chuyên gia giỏi từ nước ngoài về dạy cho sinh viên ngành nghệ thuật? Sao bây giờ không thể như vậy? Nếu không đầu tư cho đào tạo, nghệ thuật của chúng ta sẽ có những gì?
* Vậy theo ông, thời gian tới chúng ta phải tập trung vào công tác đào tạo?

- Đúng, và công tác quản lý văn hóa, văn nghệ. Có thể nói, đối với anh em nghệ sĩ, nhu cầu mưu sinh dù rất bức xúc nhưng cũng chưa phải là tất cả. Đôi khi ở một cơ quan văn nghệ còn nghèo, nhưng anh em vẫn gắn bó và hết lòng vì nghệ thuật, vì ở nơi đó có người lãnh đạo am hiểu văn hóa, văn nghệ, biết tôn trọng nghệ sĩ, giỏi tập hợp và quy tụ người tài, tạo điều kiện cho anh em phát huy tài năng…

Rất nhiều việc cần phải làm nữa. Làm sao để khơi dậy được ngọn lửa đam mê nghề nghiệp như các thế hệ đi trước, từng miệt mài quên ăn quên ngủ, in tráng phim trong hầm tránh bom; xem một bộ phim nước ngoài xong suốt đêm không ngủ, đau đáu nghĩ vì sao người ta giỏi thế, bao giờ chúng ta sẽ làm được như họ. Làm sao để thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay tin tưởng nghệ thuật phải là sự sáng tạo, sự rung cảm. Chúng ta phải sáng tạo ra nghệ thuật, không phải là sản xuất ra nghệ thuật…

* Ông mong muốn gì ở những người kế nhiệm Giám đốc Xưởng phim hoạt hình mà  ông đã từng đảm trách rất lâu?

- Tới năm 2009, hoạt hình Việt Nam sẽ tròn 50 tuổi, nhưng cho tới nay vẫn chưa xây dựng được kho tư liệu về hoạt hình Việt Nam. Tôi và các anh chị em thế hệ cũ mong mỏi có một kho lưu trữ tác phẩm, tư liệu về tác giả. Thời gian còn lại của cuộc đời, tôi cũng cố gắng sưu tầm tư liệu về hoạt hình Việt Nam, lưu tại nhà riêng. Chị thấy đấy, gia tài trong nhà tôi cũng chỉ có những thứ này là đáng giá. Nhưng tôi rất buồn khi nghĩ, tôi chết đi, ai sẽ gìn giữ những tư liệu này?
Còn điều cuối cùng tôi muốn tâm sự với những nghệ sĩ trẻ của hoạt hình Việt Nam thân yêu, từ anh em đạo diễn, kịch bản, họa sĩ, quay phim, ánh sáng… rằng làm nghệ thuật, chúng ta gieo gì thì sẽ gặt nấy. Hãy dành tình yêu cho nghệ thuật, hãy say mê, rung động, tìm tòi, sáng tạo, nghệ thuật sẽ cho chúng ta những mùa trái ngọt!
* Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Thu Hiên  (thực hiện)

;
.
.
.
.
.