.

Nghĩa trủng Hòa Vang hay Nghĩa trủng Khuê Trung?

.

* Về nơi quy tập hài cốt của các nghĩa sĩ trong trận chiến quân và dân Đà Nẵng chống Pháp năm 1858, có người gọi là Nghĩa trủng Khuê Trung, có người gọi là Nghĩa trủng Hòa Vang. Có người viết trủng (dấu ’), có người viết trũng (dấu ~). Xin cho biết như thế nào mới đúng? (Nguyễn Văn Trung, Hải Châu, Đà Nẵng).

* Trong bài “Một di sản quý giá của cả nước!” (Đà Nẵng cuối tuần ngày 20-4-2008), tác giả ghi nội dung tấm bia đặt ở ngôi mộ chính tại Nghĩa trủng Hòa Vang là “Đại tướng triều đình quý công chi mộ”. Nhưng sao trên thực tế, tôi thấy trên tấm bia chỉ có 7 chữ Hán? (Trần Ngọc Quang, Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Nghĩa trủng Hòa Vang là ngôi mộ lớn của nghĩa sĩ được lập tại Hòa Vang theo sắc tứ vua ban để quy tụ hài cốt các tướng sĩ vì nước quên thân trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược năm 1858. Ban đầu nghĩa trủng được lập ở Trũng Bò làng Nghi An, nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ.

Khoảng năm 1920, Pháp mở Sân bay Đà Nẵng, phải dời nghĩa trủng về vườn Bá làng Khuê Trung. Đến 1962, quân đội Mỹ mở rộng sân bay về phía Nam, lại phải dời nghĩa trủng đến chỗ hiện nay, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Phía trước nghĩa trủng hiện còn một tấm bia sa thạch được lập từ năm Tự Đức thứ 19 (1866) với 4 chữ Hán đại tự “Hòa Vinh nghĩa trủng” (xem ảnh bên), cho thấy lúc lập bia (1866) nơi đây còn gọi là Hòa Vinh, về sau mới đọc trại thành Hòa Vang. Như thế, phải gọi là Nghĩa trủng Hòa Vang mới đúng với lịch sử.

Về từ trủng (dấu ’ ), Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng là cái mồ xây cao (danh từ) và giải thích một số mục từ liên quan như “Trủng trung khô cốt” là xương khô trong mồ; “Trủng lý tàng thư” là cất sách trong mồ.

Còn trũng (dấu ~) là từ thuần Việt, có nghĩa là thấp (tính từ). Viết nghĩa trũng sẽ cho ra một từ không có trong tự điển, không có nghĩa.

Hiện nay, có không ít bài báo, tư liệu đều viết sai thành “nghĩa trũng”. Một số trang web như www.danang.gov.vn, www.danangpt.vnn.vn, trong bài giới thiệu về “Nghĩa trũng Khuê Trung” có ghi: “Nghĩa trũng Khuê Trung” (còn gọi là Nghĩa trũng Hòa Vang)” là vừa sai lỗi chính tả dẫn đến sai từ, vừa không phản ánh đúng lịch sử. Lẽ ra phải ghi ngược lại “Nghĩa trủng Hòa Vang (còn gọi là Nghĩa trủng Khuê Trung” mới đúng.

Đó là chưa nói đến một số địa danh nêu trong bài chưa được cập nhật, từ khi phường Khuê Trung được tách ra từ quận Hải Châu để nhập về quận mới Cẩm Lệ vào ngày 29-8-2005.

Trung tâm Nghĩa trủng Hòa Vang có một ngôi mộ lớn, trên bia có một hàng 7 chữ Hán: “Tiền triều đại tướng quý công mộ” (xem ảnh bên).

Viết “Đại tướng triều đình quý công chi mộ” sẽ làm lệch hướng lịch sử, gây khó khăn cho việc đi tìm danh tánh vị tướng nằm dưới mộ, bởi “triều đình” và “tiền triều” là hai từ không đồng nghĩa, một bên là triều đương đại, một bên là triều trước đó.

Tháng 9 này, thành phố Đà Nẵng kỷ kiệm 150 năm trận đầu đánh Pháp. Thiết nghĩ, điều chỉnh lại những gì chưa sát với lịch sử cũng là một cách tri ân công đức người xưa.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.