* Địa điểm Trung tâm Thể thao Nguyễn Tri Phương hiện nay có phải từng là một nghĩa trủng, nơi an táng trên 3.000 người Việt Nam hy sinh vì Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Đà Nẵng? Hiện còn mấy ngôi mộ của những người lãnh đạo cuộc kháng chiến năm xưa? Thông tin này có chính xác không và nghĩa trủng này có khác gì Nghĩa trủng Hòa Vang? (Phạm Ngọc Cừ, Đà Nẵng).
Bia di tích gắn trên tường Trung tâm Thể thao Nguyễn Tri Phương. |
- Sau gần hai năm kháng chiến chống ngoại xâm (9-1858 – 2-1860), quân dân ta đã phải chịu nhiều mất mát hy sinh, thi hài các tướng sĩ, đồng bào vì nước quên thân lúc đầu chỉ được mai táng tạm thời, qua loa. Về sau, hài cốt các vị mới được quy tập vào Nghĩa trủng Hòa Vang và Nghĩa trủng Phước Ninh.
Nghĩa trủng Phước Ninh do ông Nguyễn Quý Linh, làm chức Sung Chánh Thương biện Hải Phòng khởi xướng lập nên với sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương. Nghĩa trủng có thành đất bao bọc, bên trong quy tập được hơn 1.500 nấm mộ.
Nhưng đến nay, Nghĩa trủng Phước Ninh chỉ còn một nhà bia (tấm bia bằng đá granit, cao 1,20m, rộng 0,8m ghi công ơn của các anh hùng liệt sĩ) nằm phía sau và hai ngôi mộ của hai vị tướng nằm phía trước, bên phải Trung tâm Thể thao Nguyễn Tri Phương. Di tích này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận ngày 16-11-1988 và gắn bia di tích ngày 25-8-1998. Còn Nghĩa trủng Hòa Vang thì mãi đến 11 năm sau đó mới được công nhận là di tích quốc gia, ngày 4-1-1999.
Nhà bia di tích Nghĩa trủng Phước Ninh. Ảnh: V.T.L |
Xin nói thêm, trong bản tin nói trên của báo Tuổi Trẻ, ở đoạn: “Năm 1862, vua Tự Đức ra chỉ dụ xây dựng Nghĩa trủng Hòa Vang và quy tụ hơn 1.400 hài cốt các vị tướng sĩ, dân binh vị quốc vong thân về đây để hương khói và lấy ngày 16-3 âm lịch hằng năm làm ngày tế lễ” có một số chi tiết sai. Trong đó, cái sai trầm trọng nhất là việc phóng viên áp đặt rằng chính vua Tự Đức “lấy ngày 16-3 âm lịch hằng năm làm ngày tế lễ”.
16-3 âm lịch đơn thuần chỉ là ngày Giỗ Tiền hiền làng Khuê Trung, nơi Nghĩa trủng Hòa Vang tọa lạc hiện nay. Trong một thời gian dài thấy nghĩa trủng không người hương khói nên các họ tộc Khuê Trung đã kết hợp lễ Giỗ Tiền hiền làng mình với Lễ tế Nghĩa sĩ. Rất tiếc, hàng loạt các trang báo điện tử khác đã đăng lại tin của báo Tuổi Trẻ, vô hình trung tạo thành một dây chuyền “bắn súng lục vào quá khứ”!
ĐNCT