* Bàn tính của dân tộc Trung Hoa đã được phát minh từ thời nào? (Trương Quang Thành, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Có 3 ý kiến chủ yếu về nguồn gốc bàn tính của người Trung Hoa.
1- Bàn tính xuất hiện vào giữa triều Nguyên (1271-1368), đến cuối Nguyên đầu Minh đã được sử dụng phổ biến. Cảnh Chu quyển thứ 29 trong sách “Nam thôn chuyết canh hụ” của Tống Nghĩa đời Nguyên, dẫn câu ngạn ngữ miêu tả nô tì, đem nô tì có tư cách lâu năm so sánh với bàn tính, tự động chọn việc tự động làm, chứng minh rằng vào thời đó bàn tính đã hết sức phổ cập.
Triều Minh, sách “Lỗ Ban mộc kinh” được viết vào thời Vĩnh Lạc (1402-1424) có mô tả quy cách, thước đo chế tạo bàn tính. Ngoài ra, người ta thấy cũng thời này xuất hiện các quyển hướng dẫn sử dụng bàn tính như “Toán chân toán pháp” của Từ Tân Lỗ, “Trực chỉ toán pháp thống tổng” của Trình Đại Vệ. Như vậy, ở triều Minh bàn tính đã được ứng dụng rộng rãi.
2- Bàn tính xuất hiện vào thời Đông Hán (25-220) - theo ý kiến của Mai Khả Chiến, nhà đại số học đời Thanh, căn cứ vào ghi chép về 14 cách tính gọi là “Cách tính bàn tính” trong cuốn “Số thuật ký dị” của nhà toán học thời Đông Hán là Từ Nhạc.
Nhưng một số học giả cho rằng, cách tính toán bằng bàn tính được mô tả trong cuốn sách này chẳng qua cũng chỉ là một công cụ để đếm hoặc là bảng tính toán những phép tính cộng trừ đơn giản. So với bàn tính xuất hiện sau này, không thể là một.
3- Bàn tính có từ đời Đường (705-907, tái lập) và phổ biến vào đời Tống (960-1279) - theo phát hiện của những tư liệu lịch sử mới nhất. Bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ” nổi tiếng thời Tống có vẽ một hiệu thuốc, ngay chính giữa quầy có đặt một bàn tính. Các chuyên gia Trung - Nhật đem bức tranh chụp lại và phóng to lên, nhận thấy rằng vật trong tranh là một bàn tính hiện đại ngày nay.
Năm 1921, các nhà khảo cổ đã đào được ở Hà Bắc (Trung Quốc) một bàn tính bằng gỗ tại nơi ở của người đời Tống. Tuy bị đất cát vùi lấp gần 800 năm nhưng nó vẫn còn hình trống ở giữa có lỗ thủng không khác là mấy so với bàn tính bi ngày nay.
Bàn tính được mô tả trong cuốn “Tâm biên tương đối tứ ngôn”, sách học vỡ lòng thời Nguyên (1271-1368). Đã là nội dung dạy vỡ lòng thì rất có thể bàn tính đã trở thành một vật bình thường và sự xuất hiện của nó ít nhất phải vào đời Tống. Ngoài ra, bàn tính thời Tống hình thức bên ngoài đã tương đối hoàn thiện, không còn dáng vẻ của một vật mới lạ có hình thức vụng về hoặc thô ráp.
Trước nhà Tống là thời kỳ chiến tranh loạn lạc, năm nhà mười nước, sự phát triển văn hóa, kỹ thuật mới bị ngưng trệ, khả năng ra đời của bàn tính vào thời đó là rất nhỏ.
Đời Đường là thời kỳ hưng thịnh trong lịch sử Trung Quốc, kinh tế, văn hóa đều phát triển, người đời Đường cần có những công cụ tính toán mới. Những que tính đã sử dụng suốt 2 nghìn năm trong thời kỳ này đã chuyển hóa thành bàn tính. Vì vậy, các nhà toán học cho rằng sự ra đời của bàn tính có thể vào đời Đường.
Đ.N.C.T