(Đừng hỏi ở Bellingham là ở đâu –xa lắm, trong chiêm bao ấy mà)
Tháng tư. Anh đào nở hoa. Vườn nhà tôi có hai cây anh đào, một cây bên lối đi ở vườn trước trổ bông chậm, có khi vào giữa tháng tư. Hoa nở khắp cành lớn nhánh nhỏ, màu hồng hồng trắng trắng, hương dìu dịu. Nếu không bị sương giá bất tử, hoa đậu trái chi chít. Trái rất chua, khi chín thì đỏ mọng, đẹp đến nỗi chỉ cần ngắm không cần ăn.
Minh họa: TIẾN DŨNG |
Cây này được trồng có lẽ để thụ phấn cho cây anh đào ngọt ở vườn sau. Nhưng cây ở vườn sau lại ưa ra hoa sớm hơn một hai tuần. Cho nên thường chỉ những hoa nở muộn mới đậu trái. Ấy là tôi suy diễn theo quan sát của mình và những gì đọc trong sách. Cây cỏ chắc cũng có những niềm riêng, mà những bí mật riêng của từng cây làm sao mình biết được? Có năm hai cây gần như nở một lượt, hoa trái đề huề. Có năm, cây vườn sau nở rồi tàn trước khi cây vườn trước nở. Năm ấy mất mùa. Tiếc vậy thôi, chứ được mùa thì tôi cũng chẳng được hưởng, vì lũ chim lủm hết trái ngọt từ khi trái mới chín hườm hườm.
Hoa anh đào nở là lúc Bellingham thơ mộng nhất; không khí dường như dậy hương, bầu trời dường như xanh thẳm, nhiều thứ hoa khác cũng nở. Hoa táo nở, hoa mận nở. Chợ nông dân bắt đầu nhóm.
Bữa nay đi chợ nông dân, dịch đỡ cái gọi là Farmers’ Market, chứ cái chợ này theo mình ước chừng thì có đến tám chín chục phần trăm người bán và mua không phải nông dân mà là du khách và dân chợ. Còn 10-20% có thể là nông dân thì cũng là nông dân đặc biệt. Nhưng kệ họ. Mình đi chợ này cũng như những người khác, mua vui là chính. Trời bữa nay tự nhiên có nắng và ấm hẳn ra. Không thể đừng đi chơi.
Có đến nửa tá nhóm chơi nhạc hay hát rong trong cái chợ nhỏ, cho nên đi tới đi lui cứ như chơi cút bắt với các nhóm nhạc sĩ. Đi qua đây thì bị tiếng đàn ghi-ta đón đầu, đi qua kia thì gặp nhóm tứ tấu đàn dây, vô trong này gặp một băng hát nhạc cao bồi, hay nhạc đồng quê, ra ngoài kia có một cô bé một mình chơi vĩ cầm.
Chỗ đông vui xôm tụ nhứt là chỗ bán đồ ăn. Có “nghệ thuật ẩm thực” của Ấn, Thái, Ý, Hy Lạp, Phi, v.v… nói chung là “hương xa, vị lạ.” Chợ mở từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều ngày thứ bảy mỗi tuần mà thôi. Mình đến đúng ngọ, thấy thiên hạ ngồi lềnh khênh khắp nơi để ăn và nghe nhạc và ngắm thiên hạ. Cũng vui tai vui mắt và ngon miệng. Ăn xong đem ly dĩa giấy đi lia thùng rác. Bấy giờ mới phát hiện ở đằng sau các quầy hàng, tuốt ở một cái góc (hơi gần chỗ để thùng rác) có một chàng hề trẻ đang biểu diễn xiếc. Bèn ngồi bệt xuống đất như cha con ông hàng xóm mà coi. Hình như mình cười to nhất, vỗ tay nồng nhiệt nhất, thưởng thức trọn vẹn nhất những tiết mục xiếc “nhà quê” của anh hề trẻ này. Ảnh làm mình sống lại cái tuổi thơ ở nhà quê, lâu lâu được theo bà đi chợ, và chợ quê lâu lâu mới có gánh xiếc hay gánh Sơn Đông mãi võ đến biểu diễn “không lấy tiền”.
Hôm qua nắng ấm, khí xuân chan hòa khắp mảnh vườn con, hai vợ chồng mình loay hoay ở ngoài vườn trồng cây, dọn đất, làm khung gỗ cho vạt đất trồng đậu. Thằng nhỏ hàng xóm qua cắt cỏ mảnh sân trước, xén tỉa tươm tất đến nỗi ông chủ vườn kế bên phát ghen tỵ, và bà láng giềng nhà đối diện cửa trước quyết định nhờ thằng nhỏ chăm sóc luôn vạt cỏ trước nhà bà.
Hồi hè năm ngoái tụi này đi chơi xa 3 tuần lễ, nhờ thằng nhỏ hàng xóm ấy qua cắt cỏ tưới cây vườn của tụi này. Nó làm chu đáo lắm và được trả công hậu hỉ. Vì vậy nó cứ canh cỏ vườn này mọc lên là sang hỏi, và tụi này cũng muốn “tạo công ăn việc làm” cho nó, nên lũ cỏ cam tâm bị cắt xén hoài hoài. Ông hàng xóm nhà bên kia con hẻm sau vườn nhà mình thì tự cắt cỏ lấy. Cắt nửa chừng bỗng nhiên ông ngừng lại, hớt hơ hớt hải gào lên “Archie!” (mình nghe như vậy, không biết có phải viết vậy không). Ông đi lên đi xuống con hẻm, dáo dác tìm kiếm và kêu bằng một giọng tha thiết khẩn khoản vô cùng, khiến dân cư đổ ra hẻm coi chuyện gì. Gặp ai ông cũng hỏi “có thấy con chó của tui không?” Thì ra lúc nãy ông có mở cửa rào để ra ngoài đổ vụn cỏ, lát sau ông phát hiện cửa rào không được cài lại, và ông không thấy con chó của ông đâu nữa.
Ổng sống một mình, mỗi ngày đi làm về mở cửa ra chỉ có con chó nhảy chồm lên mừng rỡ rồi quấn quýt ổng suốt. Bây giờ để cửa rào hở, tưởng con chó bỏ đi rồi, ông thất thần đi khắp xóm kiếm con chó, thấy phát tội, nên nhiều người cũng túa ra các ngã đi kiếm con chó. Cuối cùng, ông hàng xóm thất thểu bước về nhà, mặt mày lo lắng, buồn bã, dằn vặt tự trách mình, thì từ cái xó nào không biết, con chó phóng ra, nhảy chồm lên ổng, khiến ổng la lên “Archie!” nghe như bật khóc vì mừng. Thiệt tình cái giọng của ổng nghe rất cảm động “Nãy giờ mày ở đâu? Mày đừng bỏ đi nữa nghe hông!”. Lúc ăn cơm chiều, chồng nói “Con chó mới bỏ đi hai mươi phút mà ổng đã xất bất xang bang...”. Vợ trợn mắt chặn đầu “Đừng có ví von tui với con chó à nghen!”. Người ta về đây cả hai tuần rồi còn gì! Dù sao cũng là một ngày vui.
Cuối tuần nhà có khách, mình trổ tài nấu ăn chay, làm món cà-ri tàu hủ, nấm xào rau cải, gỏi cuốn - khách ăn chay vì lý do sức khỏe và môi trường. Khách ăn khen ngon nên phải khoe cho thiên hạ biết lúc này tui nấu ăn giỏi rồi à nghen!
Vì bận khách nên không xuống phố coi vụ đua từ núi xuống biển. Xứ này cả năm chỉ có mỗi trận đua này là nổi đình đám. Bắt đầu đường đua trên núi Baker tuyết phủ quanh năm, vận động viên trượt tuyết xuống núi, rồi cưỡi xe đạp rồi chạy bộ tới cảng Fairhaven, rồi xuống thuyền độc mộc bơi ra đảo. Cuộc đua kéo dài từ sáng đến chiều. Lần đầu tiên mình đi coi, năm đầu tiên mình ở đây, thấy thiên hạ lềnh khênh dưới phố, hàng quán tấp nập, lều chỏng lủ khủ, không có chỗ đậu xe, xe bus không chạy, phải đi bộ xa thiệt xa, tróc cả da chân.
Cái hay duy nhất mà mình khoái là có những vận động viên lì vô cùng, cứ tà tà chạy, đường dài mà, ai tới trước, đoạt giải thưởng, ăn mừng, rồi kéo đi ăn nhậu, kệ họ, mình chưa tới nơi thì mình cứ chạy, mình chạy mệt thì mình chạy từ từ, mặt trời bây giờ 9 giờ tối vẫn còn trên mép biển, không việc gì vội, mà vội chi cho chóng hết ngày vui? Ngày hôm sau là lều trại dẹp hết, hàng quán đìu hiu, bến cảng vắng teo vắng ngắt, chỉ còn mấy cụ ông cụ bà dìu nhau đi dạo ba bước lại ngồi nghỉ nửa giờ trên băng ghế.
Tiễn khách rồi mình nhớ biển, tà tà ra biển ngắm cụ bà ngồi ngắm cánh buồm ngoài khơi.
Ai đó đã xếp đá thành lâu đài bên mép sóng. Lát nữa thủy triều lên, sóng sẽ đánh tan lâu đài đá - ừ đá, chứ không phải cát, nhưng đá hay cát thì cũng vậy thôi. Rồi mình cũng kiếm một cái băng ghế ngồi nhìn biển, nhứt định không nghĩ ngợi gì cả, chỉ hít thở và nghe sóng vỗ. Rồi theo con đường nhỏ men bờ biển mà về, đôi khi ngoái nhìn lại biển, vẫn còn đó nước biếc mênh mông, cánh buồm trắng phía chân trời như trong giấc mơ thời xưa lắm.
Mấy bữa buồn bực, bèn vứt hết sách vở, bỏ đi chơi. Đi ngược hướng biển, càng đi dốc càng cao vì đường mòn dẫn lên núi, cái xe đạp của mình chịu chơi, nhưng mình lè lưỡi đứt hơi, nhảy xuống xe dắt bộ đỡ mệt hơn. Môi trường giống như cái vại đựng văn hóa, hay ít ra là cái vại đựng thói quen của mình. Hồi xưa ở Sài Gòn mà buồn bực, mình đi ra chợ, chen chúc vô đám đông, kiếm chuyện giải tỏa ức chế, buồn lắm mới kiếm cái quán nào đó ngồi uống nước dừa xiêm, ngắm thiên hạ, viết chuyện ghẹo họ cho đỡ buồn. Ở đây mình đi ra công viên, kiếm con đường xuyên rừng cây, tìm tới cái băng ghế trống ven biển hay bên giòng suối trong núi, ngồi nghe sóng vỗ, ngồi nghe thác đổ, ngồi nghe cây cỏ rì rào, ngồi nghe chim chóc líu lo, khi lòng bình yên thanh thản thì thấy chẳng có gì đáng viết nữa. Không biết đằng nào thì tốt hơn.
LÝ LAN