Triển khai thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị (XDNSVHVMĐT) ở Đà Nẵng trong 2 năm qua, cùng với những biện pháp hành chính, nội dung của đề án đã được lồng ghép với các hoạt động của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, thì việc triển khai thực hiện đề án cũng còn gặp không ít khó khăn. Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Trưởng phòng Nghiệp vụ Nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (cơ quan Thường trực của đề án) cho biết:
Bà Nguyễn Thị Hồng. |
Qua 2 năm triển khai thực hiện đề án, đến nay chúng ta đã tạo được sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức người dân và trên các mặt của đời sống xã hội. Nhiều hành vi được định hướng trong đề án đã có những chuyển biến tích cực. Các địa phương đã xây dựng được một số mô hình, đoạn đường tự quản, “tuyến đường văn minh sạch-đẹp” nhằm thực hiện NSVHVMĐT ở khu dân cư, đường phố, hẻm, kiệt.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Trong đó, việc triển khai hiện nay chỉ mới dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động của các ngành và địa phương. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn luôn tồn tại. Trên đường phố không ít trường hợp người tham gia giao thông thản nhiên vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều. Các thùng rác được đặt ở mọi con đường, thế nhưng không phải ai cũng có ý thức tự giác bỏ rác vào thùng. Tình trạng in quảng cáo trên các cột đèn, cột điện và trên tường xuất hiện trên đường phố cũng ngày càng nhiều. Mặc dù Sở VH-TT và DL đã phối hợp với cơ quan chức năng đưa ra nhiều biện pháp như cắt số điện thoại, xử phạt hành chính đối với những người vi phạm, nhưng vẫn không có hiệu quả…
Giải thích về những tồn tại đó, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền quận, huyện, phường, xã về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Đề án xây dựng NSVHVMĐT có lúc, có nơi chưa kiên quyết, kịp thời; nhiều nơi chỉ thực hiện theo từng đợt, chiến dịch; còn thiếu các giải pháp khắc phục tồn tại mang tính tổng thể, đột phá trên địa bàn.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tiến hành chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết, không được các ngành, địa phương chú trọng đúng mức. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là ở cấp cơ sở còn mỏng, không đủ mạnh; một bộ phận chưa được đào tạo cơ bản, yếu về chuyên môn và cũng không được tập huấn nghiệp vụ về XDNSVHVMĐT, không có trang thiết bị hỗ trợ công việc. Lực lượng thanh tra các chuyên ngành cũng gặp nhiều khó khăn trong thủ tục xử phạt.
Trong thời gian tới, chúng ta cần phải làm quyết liệt và “trường kỳ, liên tục”. Việc triển khai thực hiện các nội dung của đề án không nên dàn trải mà tập trung theo từng đầu việc, giải quyết gọn, dứt điểm từng vấn đề. Thành phố cần phân công cụ thể cho từng địa phương quận, huyện nào sẽ đi đầu, hoặc làm thí điểm trong công tác XDNSVHVM nơi công cộng.
NGỌC HÂN (ghi)