.

Thầy nào trò nấy

.

Nguyễn Duy Hiệu sinh năm Đinh Mùi 1847 tại làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; nay thuộc phường Cẩm Hà, thành phố Hội An. Năm Kỷ Mão 1879, ông đỗ Phó bảng; năm 1882 ông được vua Tự Đức bổ dụng làm giảng tập ở Dưỡng Thiện Đường để dạy các Hoàng tử, trong số đó có ba người về sau làm vua là Ưng Kỷ (Đồng Khánh), Ưng Đăng (Kiến Phúc) và Ưng Lịch (Hàm Nghi).

Mộ cụ Lê Tấn Toán nay thuộc xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.   Ảnh: V.T. LÊ

Từ nhỏ Nguyễn Duy Hiệu theo học với cụ Cử nhân Lê Tấn Toán (người làng Hà Lộc, phủ Điện Bàn) những bài học vỡ lòng không những về kiến thức mà lại còn cả về tiết tháo, đạo đức của một kẻ sĩ, về lòng yêu nước thương dân. Còn cụ Cử Toán đã gửi cả hoài bão lớn lao không thành của mình vào cậu học trò nhỏ, thông minh tuấn tú, giàu lòng yêu nước và hết sức nghĩa khí là Nguyễn Duy Hiệu. Tình thầy trò vì thế đã trở thành tri kỷ.

Sau khi vua Tự Đức mất (1883), triều đình Huế bắt đầu rối ren. Nguyễn Duy Hiệu mượn cớ phải phụng dưỡng mẹ già trên 80 tuổi, từ quan về ẩn dật ở quê nhà mặc dù lúc đó ông chỉ mới 36 tuổi. Triều đình ban cho ông tước Hồng Lô Tự Khanh, vì thế người đương thời thường gọi ông là “Hường Hiệu” hoặc “Hường Thanh Hà”.

Khi Phong trào Cần vương ở Quảng Nam (thường được gọi là Nghĩa hội Quảng Nam) gặp khó khăn, Trần Văn Dư (1839 - 1885) bị sát hại, Nguyễn Duy Hiệu trở thành lãnh tụ phong trào để tiếp tục chống Pháp. Phong trào từ đó trở nên rất mạnh, uy thế của ông lan rộng khắp nước. Triều đình Huế và thực dân Pháp tìm mọi cách lôi kéo ông về hàng và tiêu diệt phong trào.

Tuần phủ Quảng Nam lúc bấy giờ là Châu Đình Kế bèn tổ chức một bữa tiệc rượu và cho mời cụ Cử Toán đến với mưu đồ ép buộc thầy viết thư gọi học trò ra hàng. (Vào thời đó, học trò mà không nghe lời thầy, để thầy bị vạ lây sẽ bị mang tiếng là bất nghĩa).

Giữa tiệc rượu, sau khi hết lời ca ngợi tài đức của cụ Cử, Châu Đình Kế nói khích: “Thiên hạ khen thầy là người đức độ. Triều đình mong thầy đào luyện học trò thành tài để giúp nước. Ngờ đâu thầy lại có một thằng học trò như Hường Hiệu, thật là thằng giặc”.Đang cầm chén rượu trên tay, không dằn được nộ khí, cụ Cử Toán liền đứng dậy ném ly rượu xuống nền nhà và mắng vào mặt Châu Đình Kế: “Thời thế nầy biết ai là giặc, ai là vua. Quan Tuần nên cẩn thận lời nói”. Mắng xong, cụ đùng đùng bỏ về. Châu Đình Kế bị một phen mất mặt.

Hành động nghĩa khí của người thầy khả kính đã làm cho học trò càng thêm quyết chí dốc lòng vì Nghĩa hội.Đến cuối năm 1887, cả gia đình bị giặc bắt, thế cùng lực kiệt, Hường Hiệu bàn bạc với các thủ lĩnh của Nghĩa hội để Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự vận mang theo tất cả bí mật của phong trào, còn mình thì về ngồi trong một ngôi miếu ở gần quê nhà cho giặc bắt, hòng có điều kiện nhận hết trách nhiệm về mình, tránh cho các đồng chí khỏi bị bọn chúng sát hại.

Nguyễn Duy Hiệu bị xử chém vào khoảng tháng 10 năm 1887, khi ông mới tròn 40 tuổi. Cụ Cử Toán cũng chịu vạ lây, bị buộc tự xử bằng hình phạt “Tam ban triều điển”: chén thuốc độc, thanh gươm hoặc dải lụa. Cụ đã ung dung nhận chén thuốc độc để đi theo người học trò ưu tú của mình.Nghe tin thầy mất, các học trò của thầy Lê Tấn Toán đã tụ tập trước tỉnh đường Quảng Nam, lấy khăn điều bịt đầu kết lại thành võng đưa xác thầy về quê mai táng.

Thầy giáo Lê Tấn Toán và học trò Nguyễn Duy Hiệu được người đời khen ngợi, thật xứng đáng “Thầy ra thầy, trò ra trò”, “Thầy nào, trò nấy”.

LÊ BÌNH TRỊ

 

;
.
.
.
.
.