Tọa lạc ở vị trí “đắc địa”, với một không gian có thể là đẹp nhất Đà Nẵng - trên một khu đất cao rợp bóng cây xanh, nhìn ra sông Hàn thơ mộng, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng (gọi tắt là Thư viện Đà Nẵng) mỗi năm đón hàng nghìn bạn đọc đến học tập, nghiên cứu. Nhưng mang chức năng là nơi phục vụ cho sự đọc (học) - trong khi văn hóa đọc đang có chiều hướng sụt giảm trước các loại hình giải trí khác - thì nơi đây vẫn chưa xứng tầm với một thành phố đô thị loại 1 - trung tâm kinh tế - văn hóa của khu vực.
Nơi nuôi dưỡng, phát triển văn hóa đọc
Sân thư viện Đà Nẵng - một không gian lý tưởng cho người đọc. |
Năm 2007, Thư viện Đà Nẵng phục vụ cho trên 148.000 lượt người đến đọc và mượn sách, và hiện nay có trên 4.000 bạn đọc có thẻ đăng ký tại thư viện. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, mỗi năm số người làm thẻ tăng thêm khoảng 800-900 người (tương ứng số lượng thẻ rút ra khoảng 400-500 thẻ - là những sinh viên tốt nghiệp ĐH hoặc học sinh đỗ ĐH nhập học ở nơi khác). Ông Hà Xuân Đào, Giám đốc Thư viện nhận định rằng, thư viện vẫn là nơi hấp dẫn bạn đọc ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là thiếu nhi, sinh viên và cán bộ hưu trí.
Lớp trẻ, có một “thế hệ ngón cái” chỉ quen với điện thoại di động, với máy tính và dùng máy tính để tra cứu thông tin, tải liệu cũng như có nhiều loại hình giải trí để lựa chọn, nhưng nhiều bạn vẫn đến thư viện thường xuyên để học tập hay mượn sách, tự bổ sung kiến thức cho mình. Đây là niềm vui cho những người làm công tác thư viện, trước xu hướng niềm đam mê đọc sách (đặc biệt là sách văn chương) chỉ còn tồn tại trong số ít người.
Cô Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Thư viện, một người đã có 33 năm gắn bó với nơi chốn này khẳng định, Thư viện Đà Nẵng (địa điểm, không gian đọc) là nơi lý tưởng để mỗi bạn đọc có thể tìm niềm vui với sách và lưu giữ nó như một kỷ niệm của cuộc đời.
Đà Nẵng với dân số trên 800 nghìn người, trong số ấy có bao nhiêu người thích đọc sách? Đây vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ với những người làm công tác phục vụ bạn đọc và cả những công ty, chi nhánh văn hóa phẩm có mặt trên địa bàn.
Từ trước đến nay, chưa có một Hội chợ sách, ngày hội đọc sách nào được tổ chức cho bạn đọc; cũng như thư viện chưa thể tổ chức nói chuyện chuyên đề với bạn đọc về tác giả, tác phẩm. Những người như cô Xuân xem nghề thư viện như cái nghiệp, luôn ám ảnh với sách, cứ băn khoăn không biết mình phục vụ có bị sót ai không; và đang trong giai đoạn sách, báo bị nhiều loại hình văn hóa khác “lấn át” thì bạn đọc có còn quan tâm đến văn hóa đọc nữa không?
Công viên văn hóa đọc
|
Sau ngày thành phố được giải phóng đến những năm cuối của thế kỷ 20, các thư viện đón rất đông bạn đọc. Bây giờ người đọc bắt đầu thưa thớt. Công việc đòi hỏi mỗi cán bộ thư viện phải biết bạn đọc là ai, phải biết cách cho bạn đọc biết ở Đà Nẵng tồn tại một không gian lý tưởng rợp bóng cây xanh và cả một kho kiến thức đáp ứng tất cả những mong muốn của bạn. Vì khi các loại hình văn hóa khác đã trở nên nhàm chán, không còn thỏa mãn được nhu cầu của mọi người, thì thư viện phải là nơi không thể bỏ qua.
Cô Nguyễn Thị Xuân còn đưa cho chúng tôi một câu như là quan điểm sống của cô và có thể là lời khuyên với bạn- “đọc và học gắn liền nhau, không bao giờ thừa, không bao giờ già”.Có một điều may mắn là rất nhiều thanh - thiếu nhi hiện nay rất đam mê đọc sách. Phòng đọc Thiếu nhi mới ra đời 4 năm nay được xem là phát triển nhất trong số các phòng chức năng khác. Hiện nay phòng có 9.924 đầu sách, quản lý 870 thẻ mượn, đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải, nhất là khi sắp vào hè. Mùa hè năm 2007, thư viện đã tổ chức Lễ phát động phong trào đọc sách thu hút gần 400 em tham gia (dù lễ trao thưởng cho những em đến thường xuyên, đọc nhiều nhất để kích thích niềm đam mê đọc sách của các em chỉ trao cho 3 em!).
Nhưng sau đó, có gần 1.000 bạn đọc nhỏ tuổi đã đến với thế giới sách mà phòng chứa rộng chưa đầy 100m2 này. Chị Mai Đình Phố Châu, nhân viên Phòng đọc Thiếu nhi, người suốt những năm tuổi thơ và cả quãng thời gian làm sinh viên xem Thư viện Đà Nẵng là nơi chốn đi về của mình, đã quyết định gắn bó với nghề thư viện, dù ngành học tiếng Pháp của chị có thể là cơ hội để có thu nhập lớn hơn. Đủ biết trẻ con, có yêu sách hay không, cũng cần có nền tảng, có người dẫn dắt, vì sau này các em có đam mê sách hay không hình thành ở lứa tuổi trắng như tờ giấy ấy.
Phải mở cửa thật nhiều giờ trong ngày để phục vụ tất cả mọi người, nhưng trên thực tế, Thư viện Đà Nẵng (cũng như nhiều thư viện khác trên cả nước) lại phục vụ theo giờ hành chính, nên việc chỉ có một bộ phận bạn đọc đến đây cũng là điều hiển nhiên.
Ban giám đốc Thư viện đã có ý định phân ca ngoài giờ mở cửa quy định, mở cửa cả ban đêm, trong ngày lễ, ngày nghỉ. 4 năm nay, những ý kiến trên đều có trong tờ trình gửi cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), nhưng chưa được chấp nhận.
Phòng đọc sách thiếu nhi - nơi nuôi dưỡng niềm đam mê sách cho các thế hệ tương lai. |
Không “bó gối” vì tờ trình đó (đề nghị đi kèm là tăng thêm kinh phí, con người), Thư viện quyết định mở cửa ngày thứ 7 (nhân viên không có thêm phụ cấp) để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Sự đổi mới này đã nhận được hưởng ứng của rất nhiều người.
Ngoài đọc sách, mỗi người có thể xem thư viện là một công viên - công viên văn hóa đọc. Có tri thức thì không bao giờ thừa, ai cũng sẽ trở nên giàu có hơn về tâm hồn, trí tuệ. Nhưng. Giá như không có chữ “nhưng” đầy khúc mắc ấy, mảnh đất “đắc địa” cho sự học, sự phát triển trí tuệ và tài năng của người dân thành phố có cơ hội tiến xa hơn.
Quy hoạch “treo” Thư viện thành phố?
Tổng diện tích xây dựng của Thư viện Đà Nẵng là 1.300 m2, trong đó 245m2 là diện tích làm việc, 1.092m2 còn lại vừa là phòng đọc và kho sách (từ năm 2003 đến nay tăng thêm khoảng 100m2 phòng đọc sách thiếu nhi). Phòng ốc không tăng, trong khi mỗi năm bổ sung một lượng sách, báo rất lớn, từ 4.000-6.000 đầu sách, 260 loại báo và tạp chí (con số quản lý của thư viện hiện nay là 160 nghìn đầu sách và 300 loại báo, tạp chí lưu kho). Trong điều kiện đó, phòng đọc đã phải bó lại đến 20 nghìn bản sách, không phục vụ cho bạn đọc; phòng mượn cũng phải bó những sách ít luân chuyển (ít hơn 5 năm); phòng đọc báo cũng phải bó báo dù ở đây bạn đọc rất đông và có nhu cầu với những tờ báo, tạp chí đã cũ, điều này khiến thư viện rất khó xử, nhưng cũng phải chấp nhận thực tế này.
Chính quyền thành phố đã có chủ trương di dời Thư viện Đà Nẵng để xây dựng một Trung tâm thương mại cao ốc văn phòng - khách sạn cao cấp, và đã có nhiều ý kiến phản đối từ người dân, từ những kiến trúc sư, từ những người yêu mến và tâm huyết với công trình kiến trúc này. Chủ trương được “để đó” đã 4 năm nay. Năm 2007, thành phố tổ chức cuộc thi thiết kế thư viện mới và công bố số vốn đầu tư lên đến 70 tỷ đồng. Nhưng đến nay câu hỏi đi hay ở, bao giờ đi vẫn chưa được trả lời xác đáng. Thư viện Đà Nẵng như đang trong tình trạng quy hoạch “treo”!
Với diện tích nhỏ hẹp như hiện nay, một thư viện mới đúng tầm phải là điều hiển nhiên, nhưng vẫn gặp ý kiến không đồng tình từ nhiều phía. Về nguồn gốc, Thư viện Đà Nẵng vốn do người Pháp xây dựng, nằm trong quần thể kiến trúc Pháp. Trước năm 1975, nơi đây là Trung tâm văn hóa Pháp, chung quanh lại có nhiều công trình văn hóa khác như bảo tàng, trường học... Xét về mặt tổng thể, địa điểm này đúng tầm văn hóa của một đô thị. Mong rằng tình trạng quy hoạch “treo” này sẽ sớm được giải quyết.
|
HOÀNG NHUNG