.

Về quê...

.

Truyện và tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư đi vào lòng người, khiến người ta nhớ và buột miệng khen hay không phải vì cốt truyện ly kỳ, tình huống éo le, bi kịch của thế thái nhân tình mà chính vì cái tâm hồn người Việt, lời ăn tiếng nói, cách nghĩ, cái vui cái buồn của người Việt cứ bàng bạc trong từng câu chữ. Hay nói cách khác chị rất nhạy cảm với chữ nghĩa.

Một sự nhạy cảm rất bẩm sinh. Chị biết mỗi chữ, mỗi từ nó nặng nhẹ bao nhiêu và đặt vào đâu thì lấp lánh nhất. Chính vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi đọc thơ của chị. Đây là những bài thơ đầu tiên chị dành riêng cho Báo Đà Nẵng, và chị nói “biết có phải là thơ không nữa”.

Về quê...

Thằng bạn tôi, thằng bạn bụi bậm, thằng bạn
                                         giang hồ của tôi về nhà.
Tôi không biết nhà nó ở đâu, nghe nói có một
ngọn đèo, có cây, có cỏ, có khói tỏa lên từ những
                                            mái nhà dưới thung.
Đứa tinh quái, nhiều ý tưởng mới lạ, nhưng nói về quê mình thì cũng chỉ ba từ “đẹp mà buồn”.
Giống cái cách người đời khi kể về quê của họ.
Ở quê nó có một bầy em nhỏ.
Đứa ngoan đứa không ngoan. Về quê là nghe mẹ trách ba, ba trách mẹ, em này méc em kia. Ngơ ngác xử phân mà đằng nào đúng cũng xốn xang.
Về quê thấy có bầy dê mới, góc cột thêm một ổ mối, cây ổi vườn sau bị gãy mất nhánh rồi. Không            có vẻ gì chờ đợi người lang bạt.
Chái sau nhà đã lợp thêm mà không đợi.
Cỏ trên đồi không đợi, mịt mùng xanh.
Hoa bên rào không đợi, đã nở, cũng vừa xong           nát rữa
Láng giềng không đợi, đi mua rượu cho chồng, chân rối vào chân. Tay níu chặt cái chai và chiếc nón loay hoay nửa như giấu đôi má rám nửa muốn che vồng ngực chảy não nề. Bên xóm có người về…
Trẻ con không đợi, cứ lũ lượt ra đời, khóc rạn
                                       cả một vạt chiều lơi nắng.
Chỉ mẹ đợi bạn về để nói: “Ba mầy lúc này suốt
                                                            ngày say…”
Chỉ ba đợi bạn về để nói: “Mẹ mầy đã cạn
                                                          tình yêu…”
Chỉ những đứa em đợi bạn về để khoe vết
        chém còn mới trên vai, “Thù này quyết trả...”
Đứa em gái níu tay anh thầm thì, “anh ơi, môi
                        chạm vào môi thì có con không ?”
Bạn tôi mỉm cười.
Cỏ trên đồi đã từng qua mùa cháy.
Xanh xanh.


Trước giờ bay

Bạn say, bước rối vào bước, lời rối vào lời,
                  hành lý cũng rối bời túi to túi nhỏ,
cùng với vết thương còn đang rướm máu sau
                                                 cú ngã trên đường
Tạm biệt nhau, tôi hôn vào chỗ đau
Ôm choàng lấy bạn một lần, rồi lần nữa

Miệng bảo sẽ còn gặp và sẽ gặp,
Hy vọng ngăn dòng nước mắt,
Lời hẹn chát trên môi như nhai bã chuối non, rịt lại nỗi buồn đành vậy, bạn đi
Sài Gòn mưa cơn mưa cuối,
Gió thổi ướt trò đùa le lói,
vừa mới cháy lên kịp tắt mau,
dại dột lời yêu và một nụ hôn đầu
(đã từng được chôn sâu. Giờ thì sâu hơn nữa)
Hành trang bạn đã trĩu lắm rồi, chân bạn liêu  xiêu
Tôi không nỡ nào…
Đành vậy, bạn đi                            


Hỏi đường

Những ngày lang thang trên đất lạ, với tấm bản đồ rách rã, đôi khi tôi phải dừng lại hỏi đường.
Ông ơi, lối đi này dẫn tới đâu, cháu muốn tới những thung sâu
những bãi cỏ buổi sáng từng là chợ, ông già im lặng và ngón tay gầy quắt, vẽ cho tôi một con đường
Những ngày hoang mang trên đất lạ, một mình, tôi hỏi những em bé gầy gò, lem luốc
em ơi, đi lối nào tôi sẽ đến đỉnh ngọn núi kia, để nhìn dòng sông kẽ một chân mày nơi đáy vực. Những em bé ngó nhau, lời ngọng nghịu trên môi vạch cho tôi một con đường.

Những ngày phiêu lưu trên đất lạ, với mình, tôi hỏi những cô gái tỉa bắp bên đường, chị ơi ngã nào thì tới cánh đồng, bầy dê nhỏ vùi mặt vào cỏ rối, bên lối đi nhiều hoa dại, lúa xỏ mầm qua đất, xanh non. Những cô gái gạt mồ hôi, ánh mắt cười lung linh trao cho tôi một con đường.

Những ngày rong ruổi trên đất lạ, chỉ mình, tôi một lần dừng chân lại hỏi con đường, lối nào sẽ dẫn đến người, tôi đang thèm người lắm. Đường im lặng đi lên đồi mải miết, người ngốc ơi, chỉ cần dừng chân lại, sẽ thấy người.

NGUYỄN NGỌC TƯ 

;
.
.
.
.
.