.

Vẽ tranh... bằng một ngón tay

.

Vụ tai nạn bất ngờ xảy ra vào năm 2002 đã cắt đứt niềm hy vọng của chàng sinh viên Nguyễn Tấn Hiền, sinh năm 1978 (khoa Toán – Lý, Trường CĐSP Đăk Lăk), quê ở TP. Buôn Mê Thuột. Gần 5 năm nằm bất động trên giường bệnh, giọt nước mắt của anh đã cạn.

Để vượt qua số phận bất hạnh và vươn lên làm những việc có ích cho đời, dù chỉ còn một ngón tay duy nhất trên cơ thể cử động được, năm 2007, Hiền học vẽ và đã trở thành chàng họa sĩ đặc biệt: “vẽ tranh bằng 1 ngón tay”.

Rủi ro

Anh Nguyễn Tấn Hiền ngồi vẽ tranh tại bệnh viện.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông anh em, Hiền đã chịu biết bao khổ cực của cuộc sống. Sau khi học hết cấp 3, Nguyễn Tấn Hiền đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Rời khỏi quân ngũ sau gần 4 năm phục vụ, Hiền đã thực hiện ước mơ sự nghiệp của chính mình. Tương lai của anh đã mở ra khi anh là sinh viên của Trường CĐSP Đắk Lắk. Với cuộc sống sinh viên, chàng trai nghèo phải bôn ba kiếm tiền lo việc học nhưng số phận đã không đem lại sự may mắn cho anh.

Vụ tai nạn xảy ra khi xe đạp của anh rơi xuống hố ga trên đường đi dạy kèm về, làm Hiền gãy xương cổ, dẫn đến liệt toàn thân. Gần 3 năm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh nhưng không đạt được kết quả. Năm 2005, anh được chuyển về Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng TP. Đà Nẵng. Tại đây, anh được sự tận tình giúp đỡ của các y, bác sĩ, nhưng mọi cố gắng cũng không đem lại kết quả khả quan. Hai năm tại Bệnh viện điều dưỡng là quãng thời gian dài đối với Hiền. Biết không thể lành trở lại, Hiền gạt qua mọi đau buồn và cố gắng tìm một con đường riêng cho mình để đỡ bớt gánh nặng cho người thân, bạn bè.

Vượt qua bất hạnh

Không chịu khuất phục trước số phận, anh đã quyết định vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân mình. Dù đôi bàn tay chỉ còn duy nhất ngón cái cử động được, Hiền vẫn quyết tâm học vẽ. Thời gian đầu, anh đã nhờ nhân viên bệnh viện thuê taxi đi tìm thầy dạy vẽ khắp thành phố Đà Nẵng nhưng không có nơi nào nhận dạy. Cũng có họa sĩ thấy niềm khát khao học vẽ của Hiền đã hứa giúp đỡ, nhưng rồi họ cũng bỏ cuộc vì nhiều lý do. Không nản chí, Hiền gọi điện nhờ bạn bè ở Đắk Lắk, Sài Gòn mua sách, nhờ nhân viên bệnh viện mua giấy bút. Thương người bệnh dù sống trên chiếc xe lăn nhưng vẫn say mê học vẽ, các y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện đã nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ anh. Ngày đầu cầm bút, Hiền gặp rất nhiều khó khăn. Ngòi bút còn ngập ngừng chưa thành nét. Nhưng với lòng ham mê, tinh thần lạc quan, anh đã vượt qua tất cả. Từ những bức tranh đầu tiên vẽ bằng bút chì, đến nay Hiền đã có thể vẽ được tranh màu.

Chủ đề tác phẩm của anh, hầu hết hướng về những vùng quê nghèo. Mảng còn lại, anh dựa theo tư liệu của các bưu ảnh đã được bạn bè mua giúp. Những người “có nghề” sau khi xem tranh của Hiền đều nhận xét, tuy chưa sắc sảo về đường nét nhưng hầu hết các bức tranh đều rất có hồn. Biết “tài năng” của anh “họa sĩ” đặc biệt này, nhiều sinh viên của Trường Văn hóa-nghệ thuật Đà Nẵng đã tìm đến để “tầm sư học đạo”.

Bà Virgnia Lockett - quốc tịch Mỹ - một chuyên gia tình nguyện đang cộng tác tại bệnh viện, cảm phục trước sự kiên trì và lòng say mê hội họa của bệnh nhân Nguyễn Tấn Hiền nên đã giới thiệu tranh của anh lên mạng Internet (wwww.tamspub.com). Đến nay, đã có nhiều người biết đến “họa sĩ nghiệp dư Nguyễn Tấn Hiền” và mua tranh của anh. Điều đặc biệt, Hiền không bao giờ đặt giá cho tác phẩm của mình mà tùy vào tấm lòng và niềm say mê của người mua. Tranh của anh hiện có mặt ở thị trường Hội An.

Không phải ngẫu nhiên mà các y, bác sĩ Bệnh viện điều dưỡng đã cho anh đi học lớp tâm lý ở Nha Trang. Khi trở về, Hiền xin làm tình nguyện viên, nhân viên đồng đẳng ở bệnh viện. Nhiệm vụ của anh là tư vấn tâm lý cho những người bệnh có hoàn cảnh bất hạnh vượt lên số phận.

Khi tiếp xúc với Hiền, chúng tôi không thấy sự mệt mỏi, chán chường nào trên khuôn mặt gầy ốm vì thương tật. Trái lại, ở anh toát lên sự lạc quan, vui vẻ và nghị lực của con người biết gạt nước mắt khổ đau để phấn đấu tìm một lối thoát cho bản thân, để không phí hoài cuộc sống…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

 

;
.
.
.
.
.