.

5 vòng tròn trên lá cờ Olympic

.

* Xin cho biết lá cờ Olympic do ai thiết kế? Ý nghĩa của 5 vòng tròn trên cờ? (Nguyễn Nghĩa Trung, Hội An, Quảng Nam).

- Lá cờ Thế vận hội (TVH) Olympic được thiết kế năm 1913, theo ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), ông Pierre de Coubertin. Năm 1914, nó đã được sử dụng lần đầu tiên tại Đại hội Đại biểu Olympic ở Paris (Pháp).

Cờ TVH Olympic.
Lá cờ Olympic làm bằng vải màu trắng không viền, thêu 5 vòng tròn với 3 vòng bên trên màu xanh, đen, đỏ, còn 2 vòng bên dưới màu vàng và lục, lần lượt xếp từ trái sang phải. 5 màu này là màu quốc kỳ của các nước tham gia cuộc vận động Olympic thời bấy giờ. Về sau, có một cách giải thích khác: 5 vòng tròn này tượng trưng cho 5 lục địa trên thế giới:  Màu xanh - châu Âu, màu vàng - châu Á, màu đen - châu Phi, màu lục - châu Đại Dương, màu đỏ - châu Mỹ.

Năm 1979, IOC đã chính thức nêu rõ trên Tạp chí Olympic rằng, theo Hiến chương Olympic, 5 vòng tròn này tượng trưng cho sự đoàn kết giữa 5 lục địa, đồng thời tượng trưng cho tinh thần thi đua công bằng thẳng thắn và hữu nghị giữa các vận động viên toàn thế giới đến tập trung tại TVH Olympic.

* Em đọc một số tác phẩm cổ văn, thường “bí” mỗi khi gặp các thành ngữ như “cửa Khổng sân Trình”, hoặc các từ như “cửa Trình”… Xin quý Báo giải thích giùm. (Nguyễn Hồng Ngọc, Đại học Bách khoa Đà Nẵng).

Chân dung Khổng Tử trên một bản khắc gỗ xưa.
- Trong tiếng Việt, thành ngữ “Cửa Khổng sân Trình” được dùng để chỉ trường dạy nho học. Hai nhân vật tiêu biểu của đạo Nho được nhắc đến ở đây là Khổng (Khổng Tử) và Trình (Trình Tử). Khổng Tử (Khổng Phu Tử; 551 – 479 TCN) là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Quốc, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đến cuộc sống và tư tưởng Đông Á, đã được phát triển thành một hệ thống triết học được gọi là Khổng giáo.

Đạo của Khổng Tử gồm 8 tôn chỉ: hiếu, đễ, trung, thứ, tu, tề, trị, bình. Học trò của ông rất nhiều. Về sau, chính họ đã chép những bài giảng của ông vào cuốn Luận Ngữ, một tập hợp những “mẩu chuyện cách ngôn ngắn”, được biên soạn nhiều năm sau khi ông qua đời.

Còn Trình Tử, tức là Trình Điều, một danh nho thời Tống, cũng có nhiều học trò theo học. Tương truyền, Trình Tử có hai cái lọ, mỗi khi trong bụng nghĩ một điều gì thiện, thì ông bỏ một hạt đậu trắng vào lọ; mỗi khi nghĩ một điều gì ác thì ông bỏ một hạt đậu đen vào lọ kia.
 
Lúc đầu, đậu đen nhiều, đậu trắng ít. Sau thì ngược lại, và cuối cùng, không còn một hạt đậu đen nào nữa. Tâm tính ông lúc đó trở nên toàn thiện. Ông Trình Tử trở thành một người hiền tiếng tăm còn đến tận bây giờ. Như vậy, nói người qua “cửa Khổng sân Trình”, “cửa Trình”... là nói đến người thâm uyên về kiến văn và mẫu mực về đạo hạnh. 
                                                  
Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.