LTS: Tác phẩm Phùng Quán, Ba phút sự thật (Nxb Văn Nghệ, 2006) là một tập ký được ra mắt công chúng nhờ công lao của bà Vũ Thị Bội Trâm (vợ nhà thơ) sau 11 năm “lục tìm, đọc và chép lại” những di cảo, cùng nhà thơ Ngô Minh. Sách được xuất bản sau hơn 10 năm ông mất. Ba phút sự thật là một đoản văn có trong tập ký viết ngày 13 tháng 2 năm 1993 tại Sài Gòn, có thể được coi là Lời tựa của tác giả. Qua câu chuyện về Măngdana, ông viết: Cả những đề tài lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ, với điều kiện tác giả phải sẵn sàng đem mạng sống trả giá cho những giây đồng hồ quý báu đó. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Đà Nẵng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc, cùng người làm báo Ba phút sự thật, như một bài học lớn về nghệ thuật ngôn từ.
Trong cuộc đời làm văn của tôi, tôi mắc phải một khuyết điểm trầm trọng: Diễn đạt dài dòng. Người đầu tiên dạy cho tôi sự hàm súc, cô đọng trong nghệ thuật ngôn từ là một thanh niên Cuba. Anh tên là Angtôniô Ếchxêvania, biệt danh là Măngdana (Quả táo). Anh mới 22 tuổi, sinh viên khoa ngữ văn. Ngày đó đất nước Cuba còn sống dưới chế độ độc tài Batitsta. Thói dối trá, đạo đức giả, lừa bịp được bọn Batitsta chọn làm quốc sách cai trị dân.
Quốc sách này được lũ khuyển ưng văn hóa, văn nghệ tô vẽ, dệt gấm thêu hoa, nên ngày càng trở nên độc hại, ru ngủ không ít người Cuba vốn hào hiệp, cả tin, nhiệt tâm và lương thiện. Măngdana tham gia tổ chức bí mật nhằm lật đổ chế độ Batitsta. Anh cùng với mấy người bạn thân tín trong tổ chức hoạch định một kế hoạch xé toạc bức màn quốc sách lừa mỵ của bọn độc tài và nói rõ sự thật với nhân dân. Kế hoạch khá mạo hiểm: Đánh chiếm Đài phát thanh quốc gia vào giờ phát thanh ca nhạc, giờ mà không một người dân Cuba nào không ngồi bên máy thu thanh.
Sau khi đã dự liệu tính toán kỹ lưỡng đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong kế hoạch đánh chiếm, Măngdana cùng với bạn anh biết chắc rằng chỉ chiếm nổi đài phát thanh trong vòng 3 phút, có nghĩa là 180 giây đồng hồ, sau đó bọn bảo vệ đài sẽ tiêu diệt anh… Vậy là bài nói chuyện của anh sẽ phải chấm hết ở giây đồng hồ thứ 181. Anh đặt tên cho kế hoạch mạo hiểm này là “Ba phút sự thật”.
Điều làm Măngdana lo lắng nhất không phải là việc đánh chiếm Đài phát thanh, cũng không phải là cái chết. Cái khó là anh phải nói được sự thật với nhân dân chỉ trong vòng ba phút! Kết quả, Măngdana cùng các bạn anh, với lòng dũng cảm siêu phàm và trí thông minh tuyệt vời của tuổi trẻ, đã thực hiện chiến công thần kỳ này một cách toàn vẹn đúng như kế hoạch đã định: Bài nói của anh chấm hết vào đúng lúc những loạt đạn tiểu liên bắn thẳng vào ngực anh, vào tim anh ở giây thứ 181.
Sau ngày Cách mạng Cuba thành công, Ăngtôniô Ếchxêvania được Nhà nước xã hội chủ nghĩa Cuba truy tặng danh hiệu Anh hùng dân tộc. Chiến công của anh được nhà thơ Nga Xô-viết Éptusenkô viết thành bản tráng ca nổi tiếng “Ba phút sự thật”.
Câu chuyện về Măngdana dạy tôi một bài học lớn về nghệ thuật ngôn từ. Cả những đề tài lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ với điều kiện tác giả phải sẵn sàng đem mạng sống trả giá cho những giây đồng hồ quý báu đó.
Sài Gòn, 13-2-1993
PHÙNG QUÁN
.
.
Ba phút sự thật
Thứ Sáu, 20/06/2008, 08:45 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.