.

“Cái mắt hay cười”

Ờ, “Cái mắt hay cười”.

“Cái mắt hay cười” là một trong những hình ảnh mở đầu bài thơ Tuân Nguyễn viết tặng Phương Thúy (con gái cụ ­­­Hoài Chân), người đàn bà đã không ngần ngại vứt bỏ tất cả, bất chấp tất cả, để đến với anh chàng thi sĩ ngu ngơ “chẳng lo đói bằng thơ không đủ ý” vừa ra khỏi trại giam, không chốn nương thân, sau hơn chín năm tù.

Người ta lấy của anh nhiều thứ
Chỉ còn hai tay và cái mắt hay cười

Bài “Em viết hoa” này, Tuân đọc cho tôi nghe trong căn nhà số 5b Ngõ Kiến Thiết, Khâm Thiên, cái căn nhà:

… nào khác ở ngoài sân
Dột ướt khắp nơi chẳng chỗ lần
Nghe sấm, vội vàng thu vén chiếu
Động mưa, hối hả dọn ôm chăn

                                   (Chỉ mơ gần)

Nơi anh công nhân trẻ Phan Ngân Giang đã hào hiệp mở lòng đón Tuân về chia sẻ tám mét vuông chật chội mà bao la tình người, ít lâu sau khi Tuân được tự do. “Cái mắt hay cười” bao giờ cũng là hình ảnh đầu tiên đến với tôi mỗi khi nhớ đến Tuân Nguyễn. Đó là nét điển hình nhất ở Tuân, chí ít theo cảm nhận của tôi.
 
“Cái mắt hay cười” ấy không chỉ là ấn tượng ngoại hình mà còn là phản ánh của một tâm hồn cực kỳ trong sáng, cực kỳ bao dung, của con người yêu thơ đến độ “thường đợi thơ như đợi người yêu”, đến độ “lúc đi chơi không muốn đóng cửa phòng”. Phải, “người ta lấy của anh nhiều thứ” nhưng không ai và không gì lấy đi được của anh “cái (ánh) mắt hay cười” ấy.

Kể cả những lúc xót xa nhận ra rằng:

Chúng ta sống bây giờ
Mỗi tiếng nói đều có phần câm lặng
Mỗi gương mặt đều có phần bí ẩn
Mỗi niềm tin đều bớt chút ngây thơ
              (Khóc thầy Dương Bạch Mai)

Kể cả khi những bất công cay cực trút xuống đầu đã khiến anh thốt lên:

Phật nào lấp được bể trầm luân
               (Kiều đi tu)

cũng không dập tắt được “cái (ánh) mắt hay cười” ấy.

Tôi đã đến chia vui với Tuân - Thúy ở căn phòng tám mét vuông ngõ Kiến Thiết sau khi nhận được tấm thiếp báo hỷ có một không hai:

Quá nghèo nên tạm thế này thôi
Đâu dám làm ra khác mọi người
Thiếu rượu thì say tình nghĩa bạn
Không hoa mong hiểu vợ chồng tôi
Thiếp báo là thơ giờ gửi đến
Xin chờ có dịp ghé nhà chơi

Tôi cũng đã qua nhiều giờ với vợ chồng anh, kể cả cái buổi chiều chia tay, ở căn buồng nhỏ số nhà 134 ngõ Hàng Cỏ, căn buồng đã được Phùng Quán ngợi ca bằng những câu thơ đầy tâm trạng:

Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ nhà thơ như ở đây?
Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi
Hai phải đứng vì không đủ chỗ
(…)

Vào những giờ phút hạnh phúc khó khăn ấy, “cái mắt hay cười” lại càng lung linh hơn bao giờ hết.
Vâng, “cái mắt hay cười” là ấn tượng sâu đậm nhất tôi còn lưu giữ về Tuân Nguyễn, người trong sáng nhất trong số bạn bè tôi. Thật kỳ lạ, hơn chín năm ngồi tù chẳng vì bất cứ cái gì không hề mảy may làm gợn nét trong sáng của “cái mắt hay cười” ấy. Một ngày cuối tháng 4-1983, tôi nhận được bức điện vẻn vẹn mấy chữ: “Anh Tuân Nguyễn mất vì tai nạn giao thông”, do Bùi Bích Ngọc, em gái Bùi Minh Quốc, gửi từ thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi nghe kể rằng lời cuối cùng của Tuân trước khi ra đi là: “Đừng bắt tội người lái xe. Xảy ra tai nạn là lỗi tại tôi”. Bạn tôi là thế đó: Bao dung đến độ mọi bất hạnh phải hứng chịu đều nhận lỗi về phần mình! Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày ấy, tôi vẫn tự hỏi, không biết trước khi khép lại vĩnh viễn, “cái mắt hay cười” kia có nhuốm chút gì nuối tiếc.

DƯƠNG TƯỜNG

;
.
.
.
.
.