.

Cần bảo tồn văn hóa dân tộc Cơtu

.

Từ nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, nhà Gươl của người Cơtu ở huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng từng bước được khôi phục. Đây là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc khôi phục nhà làng của đồng bào dân tộc Cơtu đã không còn giữ được nét văn hóa  truyền thống.

Nhà Gươl - linh hồn của người Cơtu

Nhà Gươl được xây dựng tại thôn Phú Túc (Hòa Phú - Hòa Vang) chỉ na ná với nhà Gươl truyền thống của đồng bào Cơtu về hình dáng…

Người Cơtu xem nhà Gươl là loại hình kiến trúc truyền thống lâu đời, Gươl “linh hồn làng” - một biểu tượng văn hóa cao nhất của cộng đồng. Nhà Gươl là nơi để Hội đồng già làng (Tacooh pươl) họp bàn và phán quyết những vấn đề hệ trọng có tính sống còn của cộng đồng..., nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơ-ngoót); Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối aví)... Ông Đinh Văn Nham, Trưởng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) và những người già Cơtu trong thôn kể rằng, tất cả các buôn, làng người Cơtu sinh sống dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl.

Theo quan niệm của người Cơtu, nhà Gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, tổ tiên và ông bà họ. Trong nhà Gươl mọi người không được ẩu đả, không được cãi vã nhau..., mà luôn đoàn kết, đùm bọc, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau để cộng đồng Cơtu tồn tại và phát triển.

Dù có nhiều loại nhà Gươl, nhưng nét độc đáo của các loại này là cây cột cái ở giữa có hình khắc giống với hình trên cột đâm trâu (xờnuh), biểu tượng cái trục của làng. Nhìn vào cây cột cái của nhà Gươl (cây cột to hoặc nhỏ), chúng ta có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó.
 
Chung quanh cũng như những tấm ván làm vách... đều được điêu khắc, chạm trổ hình ảnh các con vật gắn bó với người Cơtu trông giống như thật: trâu, tắc kè, trăn, kỳ đà, thằn lằn..., và một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng cũng được thể hiện như: người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con...

Nguy cơ mai một và nhu cầu bảo tồn

… còn toàn bộ các trụ cột chính đã được thay thế bằng bê-tông, cốt thép.

Việc khôi phục lại nhà Gươl luôn đồng nghĩa với việc khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống, để khơi dậy trong hồn của tộc người Cơtu. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã đầu tư, hỗ trợ nhiều cho nhà Gươl, song hiệu quả từ việc khôi phục nhà làng truyền thống này thiếu sự nghiên cứu bài bản, cặn kẽ nên dù đã làm đi làm lại nhiều lần nhưng vẫn không còn giữ được cái “hồn” của nhà Gươl.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay nhiều nhà Gươl của đồng bào Cơtu thuộc huyện Hòa Vang đã được khôi phục nhưng không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc truyền thống mà đã có sự pha trộn với kiểu kiến trúc mới có tính hiện đại như kết cấu khung, sườn bằng bê-tông, cốt thép, ốc vít bằng sắt thép; không còn những họa tiết, đục đẽo… đại diện cho quan niệm thẩm mỹ, trình độ nhận thức cũng như nét văn hóa bản địa của tộc người Cơtu.

Vẫn biết rằng, việc khôi phục lại nhà làng truyền thống của người Cơtu là việc làm không dễ. Bởi hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơtu cũng đang bị mai một dần và có xu hướng hiện đại hóa theo kiểu của người Kinh.

Bên cạnh đó, ngày xưa làng người Cơtu nào cũng có nhiều nghệ nhân đảm nhận việc thiết kế, dựng nhà và thực hiện các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, trang trí..., nhưng bây giờ số đó cũng ít dần đi. Nếu như không có những giải pháp toàn diện và kịp thời thì việc khôi phục nhà Gươl như hiện nay sẽ dẫn đến nguy cơ mai một những nét văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người Cơtu.
                              
Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.