.

Đâu rồi sân chơi cho trẻ em?

.

Trong quá trình đô thị hóa, thành phố luôn dành một phần quỹ đất để  xây dựng khu vui chơi giải trí (KVC-GT) cho trẻ em. Thế nhưng, thực tế cho thấy, lâu nay các em vẫn “khát” sân chơi. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Những KVC-GT nhếch nhác như thế này...  
Ảnh: VĂN NỞ


Hiện nay, hầu hết ở các xã, phường trên địa bàn thành phố đều đã có quỹ đất để xây dựng KVC-GT trẻ em, nhưng chỉ một phần ba trong số đó có trang thiết bị. Một con số quá ít so với nhu cầu vui chơi của trẻ em ở các khu vực dân cư. Hơn nữa, phần lớn các điểm vui chơi này chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, sau đó hoặc xuống cấp, hoặc không còn hấp dẫn trẻ em nữa do những hoạt động ở đây quá nghèo nàn, đơn điệu. Từ đó, nhiều KVC-GT trẻ em bị bỏ ngỏ, gây lãng phí lớn.

Đưa các em đến chơi ở các KVC-GT ở khu dân cư vẫn là lựa chọn duy nhất của hầu hết các gia đình nghèo có trẻ nhỏ. Vậy mà, ở những khu dân cư có đông trẻ em, diện tích đất xây dựng KVC-GT trẻ em lại quá chật hẹp, hạn chế rất nhiều các hoạt động vui chơi của các em. Ngược lại, có những KVC-GT trẻ em có diện tích rộng, nhưng lại ở xa khu dân cư, ít có trẻ em đến vui chơi, trở thành hoang vắng trong lúc kinh phí đầu tư vào đó lên tới hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 10/11 xã đã có KVC-GT trẻ em, thế nhưng chỉ có một phần ba trong số đó hoạt động có hiệu quả, mà nguyên nhân chủ yếu là do các KVC-GT được xây dựng ở những khu vực quá xa dân cư, có nơi KVC-GT lại nằm sát nghĩa trang hoặc bên mái đình, miếu thờ nên các gia đình cũng ngại cho trẻ em lui tới những nơi này.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các KVC-GT tại các xã, phường hiện nay rất ít được các địa phương quan tâm, nhiều KVC-GT không hề có bóng mát cây xanh, không có hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, không có nhà vệ sinh công cộng… Nhiều địa phương cho rằng, trước đây hằng tháng thành phố đều hỗ trợ tiền để thuê người trông coi, bảo quản, nhưng những năm gần đây thành phố cắt khoản kinh phí này nên địa phương không “kham” nổi. Chính vì vậy, nhiều KVC-GT hiện nay đã trở thành hoang phế.

Thiếu chỗ chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích nên các quán trò chơi điện tử trở thành điểm đến “lý tưởng” của các em. Vào hè, số lượng trẻ em đến với các điểm kinh doanh Internet nhiều hơn mà trong đó phần đông các em chơi game và “chát”. Đồng hành với cơn nghiện “game online”, nhiều em phải đeo kính do thị lực giảm sút. Nguy hiểm hơn, nhiều ngõ hẻm của khu phố là điểm tụ tập ồn ào của các em nhỏ trong ngày hè không có sự trông coi, quản lý của người lớn nên rất dễ xảy ra các loại tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng các em.

Thậm chí, có những gia đình đã tạo sân chơi cho con em mình ngay trên vỉa hè, hay những bãi cỏ ven đường bên cạnh dòng xe cộ ồn ào xuôi ngược. Thời điểm này, các quận, huyện đều tổ chức các hoạt động hè cho trẻ em, nhưng sau các hoạt động đó, thời gian còn lại của kỳ nghỉ hè các em sẽ làm gì và chơi ở đâu? Câu trả lời đang dành cho các cấp chính quyền và các ngành chức năng.
            
NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.