.

Hiệu sách Việt Quảng

.

Hiệu sách Việt Quảng (VQ) là cơ sở hoạt động công khai của Xứ ủy Trung Kỳ tại thành phố nhượng địa Đà Nẵng trong những năm 1936-1940 và đã có tiếng vang lớn trong cả nước thời đó.

Hiệu sách VQ trở thành tụ điểm liên kết các đảng viên Cộng sản ở địa phương và trong vùng, thu hút ngày một đông giới trí thức yêu nước, công nhân khuân vác ở các bến tàu, nhà máy đèn, cả binh lính ở các đồn đến đọc và mua báo. Người sáng lập ra hiệu sách VQ là các ông, bà Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi, Nguyễn Sơn Trà.

Bên cạnh đó, nhờ kinh doanh một số mặt hàng nông sản (gạo, bắp, trứng vịt…), hàng thủ công nghiệp (chén bát, đồ gỗ gia dụng) nên VQ ngày một thịnh vượng, nhiều nơi biết tiếng. Nhưng một thời gian sau, do một số đồng chí ở Quảng Nam, Quảng Ngãi mượn tiền của VQ gặp phải trở ngại, không chuyển kịp hàng để thanh toán hợp đồng đã ký nên VQ bị vỡ nợ, Lê Văn Hiến phải ra tòa và bị kêu án 6 tháng tù giam.

Biển di tích tại địa chỉ 114 Bạch Đằng, Đà Nẵng.  (Ảnh: V.T.L)          

Trước tình hình khó khăn này, VQ không đủ tiền thuê nhà ở đường Quai Courbet (nay là Bạch Đằng), chuyển đến ngôi nhà nhỏ ở Ngã Năm, thu hẹp hoạt động chỉ còn là một hiệu sách nhỏ; rồi lại chuyển cửa hiệu đến đường Avenue du Musée (Trần Phú). Sau khi mượn được tiền của doanh nhân Nguyễn Tấn Hà, chủ hãng sơn Résistanco, Nguyễn Sơn Trà lại chuyển đến ngôi nhà rộng hơn ở đường Verdun (Trần Hưng Đạo) và đổi tên hiệu sách thành Việt Quang.

Việt Quang là giai đoạn hai của VQ với chủ hiệu là Nguyễn Sơn Trà, thư ký là Đoàn Bá Từ (hiện nay là nhà báo nghỉ hưu ở Đà Nẵng), thủ quỹ là Lê Thị Truyền. Lúc này, chiến tranh thế giới lần thứ II đang lan rộng ở châu Âu và châu Á nên Việt Quang bán báo rất chạy, trong đó có báo Dân chúng, Công luận…, người đọc báo, mua báo rất đông. Sở mật thám Đà Nẵng cử mật thám theo dõi hoạt động của Việt Quang và việc đi lại của các thành viên hiệu sách từ trong tỉnh đến ngoài tỉnh.

Hiệu sách Việt Quang xin thành lập Nhà Xuất bản Tư tưởng mới và in cuốn Ngục Kon Tum của Lê Văn Hiến, Giai cấp là gì?, Mặt trận Bình dân Pháp đi tới đâu? của Nguyễn Sơn Trà, tiêu thụ rất nhanh.
Khi Phan Thanh mất (ngày 4-5-1939) tại Hà Nội, Nguyễn Sơn Trà thay mặt đồng chí, bạn bè Quảng Nam ra đọc diễn văn tiễn đưa, thương tiếc. Ông Trà mang về nhiều bức ảnh của Phan Thanh, treo ở hiệu sách để giới thiệu với bạn đọc. Trịnh Quang Xuân sáng tác Bài vè Phan Thanh, được Việt Quang cho in và phổ biến rộng rãi.

Dưới sự hướng dẫn của Việt Quang, công nhân khuân vác Đà Nẵng làm đơn gửi lên Đốc lý Đà Nẵng xin thành lập Hội Ái hữu công nhân khuân vác nhưng không được phép vì Pháp cho rằng hội này mang tính chất lật đổ. Dù vậy hội vẫn họp, nên Tòa án Đà Nẵng phán quyết: “Giải thể Đảng Cộng sản - Hội Ái hữu công nhân khuân vác Đà Nẵng bất hợp pháp” và bắt giam Chủ tịch hội Nguyễn Văn Sanh cùng một số ủy viên của hội.

Vào đầu năm 1940, Sở mật thám khám xét Việt Quang, nhưng nhờ phân tán tài liệu kịp thời nên Pháp không phát hiện được gì. Tháng 5-1940, thực dân Pháp ở Đà Nẵng bắt Lê Văn Hiến và Nguyễn Sơn Trà, tháng sau bắt nốt Đoàn Bá Từ đày đi Kon Tum, ra lệnh đóng cửa hiệu sách Việt Quang.

Ngày nay, trên bức tường phía trước ngôi nhà số 114 Bạch Đằng, thành phố Đà Nẵng có gắn Biển di tích trên đó ghi: “Tại đây từ năm 1936-1940, Đảng Cộng sản Đông Dương đã mở hiệu sách Việt Quảng làm nơi trung tâm hoạt động cách mạng. Trong thời gian trên, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh và nhiều đồng chí khác đã từng đến hiệu sách này”.

NGUYỄN PHƯỚC TƯƠNG

;
.
.
.
.
.