.

Hồ Chí Minh, bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ

Trong những bài báo của mình, Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều phương thức biểu hiện khác nhau nhằm tạo ra sự sinh động muôn màu muôn sắc cho độc giả. Chúng ta bắt gặp ở Bác một lối hành văn giàu hình ảnh. Như khi nói về tội ác phân biệt chủng tộc ở Mỹ, Bác dùng một lối hành văn mạnh, đầy hình ảnh, khiến cho người đọc hình dung ra ngay một khung cảnh cuồng loạn đầy tội ác: “Các bạn hãy tưởng tượng một đám đông cuồng loạn.

Quả đấm nắm chặt, mắt đỏ ngầu, miệng sùi bọt, la ó, chửi bới, nguyền rủa… Giữa đám đông ấy là một đống thịt đen bị xô đẩy, đánh đập, giày xéo, rạch da, róc thịt, chửi rủa, bị đá đi đá lại, đẫm máu, bất động. Cái đám đông ấy chính là những kẻ tham gia hành hình. Cái xác người rách nát kia, đó là người da đen, là nạn nhân”. Bóc trần chuyến đi Pháp của Khải Định, Người viết bài “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, vẽ nên một cơn ác mộng của ông vua này: “Đêm tối quằn quại dưới là mưa nhỏ hạt dầm dề. Mảng trăng vàng vọt cố bíu trên những mái nhà tranh. Cây đẫm ướt đầm đìa nước mắt tuôn rơi. Gió thổi qua những cụm lá mệt mỏi va nhau thành tiếng kinh rợn.
 
Cành cây vặn vẹo như những cánh tay ma quái…”. Từ khung cảnh huyền hoặc đó, bóng ma Trưng Trắc “đường bệ và giận dữ” hiện ra kể lại công đức của các vị anh hùng dân tộc để rồi mắng nhiếc Khải Định: “Thật là nhục nhã thậm tệ, thật là chán ngán ghê gớm, thật là cay đắng ê chề xiết bao cho các vị, nếu từ những tầng mây, tổ tiên mi phải trông thấy dân tộc mà các vị đã giành được tự do nay chịu phận nô lệ, đất nước đã được các vị giải thoát nay lâm vào cảnh nô dịch, kẻ kế tục ngai vàng các vị nay sống trong ươn hèn”.

Trong một số bài báo, Bác sử dụng lối chơi chữ rất đắt, như gọi chệch tên của Bộ trưởng thuộc địa Pháp Lơtuốcnô thành Lơ nhuốc nhơ, hoặc viết “Trên trần ai, ai cũng ghét ai” để chế giễu việc Aixenhao bị mất ghế tổng thống năm 1961. Với viên đại tướng Taylo (Taylor), Bác viết: “Taylo thì chân cũng lo” vạch trần việc y cùng với Satlây (Xtaleiy) lên  kế hoạch đè bẹp cách mạng miền Nam nước ta trong vòng 18 tháng nhưng đã thất bại thảm hại, chỉ còn cách lo nhanh chân về nước.

Có khi Bác chỉ sửa một từ mà chuyển được một mệnh đề tiêu cực thành mệnh đề tích cực, như trong trường hợp sửa bài cho nhà báo Pháp Saclơ Phuốcniô, từ câu “Không có chủ nghĩa xã hội thì các dân tộc không thể đi đến độc lập hoàn toàn” thành “Chỉ có chủ nghĩa xã hội các dân tộc mới đi đến độc lập hoàn toàn”.

Ở một số trường hợp, Bác còn lẩy thơ vào trong bài viết, như lẩy Chinh phụ ngâm khi viết về thất bại của viên tướng Nava trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/Khiến Nava nhiều nỗi truân chuyên/Thua to ở trận Điện Biên/Vì ai kế hoạch mà nên nỗi này/Cút về Tây tấm lòng xấu hổ/Xấu hổ này biết đổ ai đây?...”. Khi kêu gọi thực hành tiết kiệm, Bác lẩy Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan/Mừng xuân mừng cả thế gian/Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân”.

Cũng có khi Bác dùng lối văn châm biếm rất thâm thúy trong các bài báo để mỉa mai, chế giễu kẻ thù của nhân dân ta. Bác đặt các đầu bài “Nền văn minh thượng đẳng”, “Hãy yêu mến nước Pháp, người bảo hộ các anh” nhưng nội dung lại hoàn toàn đối lập với tên bài. Với những tổng thống Mỹ gây chiến tranh xâm lược Việt Nam, Bác chỉ gọi “Tổng Ken” (Kennơđi), “Tổng Ai” (Aixenhao), “Tổng Giôn” (Giônxơn). Khi nói việc Giônxơn buộc phải đàm phán với Chính phủ ta, Bác viết bài “Đại bợm Giônxơn miệng nói “hòa bình”, tay vung “binh họa”.

Hoặc Bác dùng hình ảnh người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân công lý (hình ảnh trong đồng bạc Đông Dương của Pháp), một tay cầm thanh gươm, nhưng khi sang đến Đông Dương thì đĩa cân đã chảy lỏng biến thành những tẩu thuốc phiện và những chai rượu ty khiến cho “trên tay nữ thần tội nghiệp ấy chỉ còn độc cái kiếm để chém giết. Bà đã chém giết những người vô tội và cũng chỉ chém có họ mà thôi”.

Với đầu đề các bài báo có khi Bác dùng chỉ một chữ, như “Uỵch” để nói về Chính phủ Pháp đổ ngày 17-1-1952; hoặc chỉ một chữ “Ầm” nói về việc Liên Xô thử bom khinh khí thành công vào tháng 12-1955 được dư luận hoan nghênh là một thắng lợi của hòa bình thế giới. Lại có khi Bác dùng thành ngữ để đặt đầu bài như: “Treo đầu dê, bán thịt chó”, “Mềm thì nắn, rắn thì buông”…
 
Có khi Bác chơi chữ ngay ở đầu bài báo, như “Tatxinhi bị tát” nói về thất bại của tướng Pháp Tátxinhi trong trận Hòa Bình năm 1951, hoặc “Xa lăng xa lù” là cách ghép tên viên tướng Raun Xalăng với từ Salaud, nghĩa là hèn hạ, thô bỉ, nói theo âm tiếng Việt thành ra xa lù. Cũng có khi đầu bài báo là những con số biết nói, như “10 trường học, 1.500 đại lý rượu” để nói về sự đầu độc người dân thuộc địa của thực dân Pháp.

Từ những cách viết trên cho chúng ta thấy Hồ Chí Minh quả là một người thầy về nghệ thuật ngôn từ báo chí, bởi ở Bác hội tụ được vốn tri thức văn hóa Đông Tây, một sự trải nghiệm trong cuộc sống, một tinh thần chiến đấu cao cùng với một tâm hồn nghệ sĩ.

VĂN NHẬT NGUYỆT

;
.
.
.
.
.