.

“Hoa sa mạc”

.

Cùng với cổ thụ, kiểng thế, bonsai, tiểu cảnh..., chưng xương rồng kiểng đã trở thành thú chơi được nhiều người yêu thích. Nó xuất hiện trong mọi ngày thường của những người yêu nó và được chưng, được chăm, được ngắm, được tỉa tót và chăm sóc... Và, sau khi rời xa những vựa cát bỏng rát với vòng quay của nắng gió khắc nghiệt, nhiều loài xương rồng đã biết nhún mình để biếc, với tua tủa gai nhọn, với lấm tấm sắc hoa...


Không kén đất, cũng không nũng nịu đòi chăm bón, xương rồng khiêm nhường, cam chịu để lặng thầm xanh và khoe sắc hoa. Nếu kiểng cổ thụ choán hết cả một khoảnh sân thì xương rồng chỉ cần một góc nhỏ để hồn nhiên sống. Nếu những cúc, những hồng đòi cả sọt đất lớn thì xương rồng chỉ cần một nhúm vừa đủ một chiếc chén nhỏ để sinh sôi. Nếu tiểu cảnh, bonsai người chơi phải đắn đo chọn thế thì với xương rồng, những chiếc gai hoặc mướt mịn dịu dàng hoặc cứng cáp sắc lẹm... chính là lời trần tình về một khát vọng, một sức sống...
 
Chính vì sự gọn gàng,  nhỏ xinh và không câu nệ ấy, xương rồng chưa bao giờ và có lẽ sẽ không là thứ cây kén chủ. Người yêu mến sự cương nghị góc cạnh có lẽ cũng sẽ không kén chọn đối với xương rồng... Và nó được người phố thị - những cư dân sống trong các không gian hẹp, đặc biệt ưa thích. Để rồi nghiễm nhiên được ngự trên giá sách, bàn làm việc, tủ kiểu, bệ cửa hay tòng teng đung đưa dưới một giàn hoa..., tha hồ ngắm nhìn và hân hưởng các tiện nghi vật chất.

Nét khắc khổ và gốc gác xuất thân cơ cực của xương rồng, khi đặt cạnh những tiện nghi sang trọng đã làm nên một triết lý đối lập, buộc con người phải biết suy nghĩ về cuộc sống nhiều hơn... Còn trong những nếp nhà chưa phải là giàu, xương rồng càng không lạc loài. Đứng trên một góc bàn gỗ tạp dưới một mái nhà nghèo, nó không khiến thiên  hạ nghĩ về sự khốn khó mà lại gợi lên sự thanh đạm, vô ưu...

Không chỉ có sức sống bền bỉ, xương rồng còn là loài cây khéo biết giữ sự thăng hoa nhan sắc của mình: khi vươn mình ra khỏi những cụm gai sắc nhọn rồi nở bung ra cùng nắng gió, phải một tuần, mươi ngày sau hoa mới chịu tàn. Có những loài xương rồng thân chỉ bé như ngón tay út nhưng hoa lại lớn và tròn vành vạnh như chiếc nhẫn. Đó là vẻ đẹp của sự hiến sinh: vắt kiệt sức mình để cho đời nhan sắc. Có những loài xương rồng tua tủa gai nhọn và cứng nhưng lại nở ra những cánh hoa mỏng tang, mịn màng.

Phải chăng hoa ấy là lời minh chứng về sự xanh vỏ đỏ lòng, là biểu hiện của nét tâm hồn thanh diệu? Có loài xương rồng không vặn mình trổ hoa được, lại biết nhảy nhánh đều đặn quanh thân mẹ, xếp thành  những cánh hoa biêng biếc, căng tròn. Chính sự “biết sống”, sự sum vầy, đoàn tụ cũng là “hoa” của cuộc đời, của mỗi người đấy thôi!...

Có loại xương rồng chỉ nở hoa vào mùa thu, lại có loại mùa hè và có loại mùa xuân; có loại cho hoa tím, đỏ vàng, lại có loại nở hoa nâu, hoa đỏ hoặc phớt xanh. Dòng họ xương rồng quả là khéo, biết phân công nhau để cả bốn mùa đều được dự phần khoe sắc...

Tản mạn của PHAN CHÍN

;
.
.
.
.
.