Truyện ngắn của BÍCH NGÂN
1. Không có thằng Phúc và em, anh đã không trụ lại ở thành phố này, nơi luôn khiến anh thấy ngột ngạt. Tứ thường lặp lại câu đó mỗi khi Thùy không chịu được sự phẳng lặng của mặt hồ thiếu gió thiếu sóng, đã dỗi hờn, trách móc và dồn người mình yêu tới… mép nước.
Minh hoạ : TIẾN DŨNG |
Và Thùy cũng biết, cho dù có bị đẩy xuống hồ, bị quăng xuống dòng chảy xiết hay hất nhào xuống biển cả, lúc ngoi lên khỏi mặt nước, bao giờ Tứ cũng giơ thằng Phúc lên cao nhất, đặt nó trước cô, trên cô; bởi nó là con anh, là máu mủ anh. Và còn bởi thằng Phúc mồ côi mẹ và nhiều lúc cô có cảm giác nó mồ côi cả cha.
Thùy nói cái cảm giác rờn rợn đó cho Tứ nghe. Anh yên lặng một hồi rồi nói:
- Biết làm sao được, anh quen sống một mình, ứng xử một mình, nhiều lúc có cảm xúc mà không biết biểu hiện.
- Anh nên gặp con trai thường hơn, mọi chuyện sẽ không đến nỗi khó khăn như anh tưởng.
- Em tin vậy à?
- Em tin và em cũng muốn gặp con anh.
Tứ ngần ngừ một hồi rồi nói:
- Từ lâu anh cũng muốn đưa em đến gặp thằng Phúc nhưng rồi lại phân vân, bởi sau cuộc gặp gỡ, ắt hắn nảy sinh cảnh huống này: hoặc là sợi dây kết nối hoặc là bức tường ngăn cách. Mà anh thì không muốn bất cứ thứ gì có thể chen giữa anh và em.
- Anh vẫn nghĩ giữa anh và em vẫn còn… chỗ trống?
- Em à, chỗ trống hay khoảng cách là một cái gì đó vừa vô hình vừa bất định. Chỗ trống đó có thể bất ngờ xuất hiện. Nó hiện diện ngay cả lúc mình nghĩ mình có nhau trọn vẹn, như có lúc nằm cạnh anh mà mắt em cứ đăm đăm nhìn vào một nơi nào đó như tìm kiếm ai đó.
Thùy cười cười:
- Biết đâu… lúc đó em đang hình dung gương mặt, dáng dấp của thằng Phúc…
Thùy thôi cười và bỏ ngang câu nói, trong đầu cô thoáng ý nghĩ nhỡ con trai Tứ chỉ giống mẹ nó và biết đâu cũng bởi hình ảnh đó mà Tứ luôn đặt con ở vị trí số 1 trong sơ đồ tình cảm mình. Tuy nhiên, Thùy vẫn hỏi:
- Thằng Phúc giống anh… nhiều không?
Cuộc đối thoại đưa đẩy dông dài không có lời đáp thỏa đáng và cũng sẽ không có hồi kết, nếu Tứ không nhượng bộ là Thùy sẽ đưa cô đến gặp thằng Phúc vào buổi chiều tại nhà bà ngoại nó.
2. Cuộc hẹn gặp thằng nhóc 11 tuổi lại khiến Thùy bồn chồn. Cô không sao tập trung hoàn tất cái bản báo cáo hoạt động kinh doanh trình cho sếp như dự định, phải gác lại, tự nhủ sáng mai sẽ vào công ty sớm, làm cho xong chỗ còn lại.
Về nhà, Thùy tắm rửa qua loa nhưng lại đứng trước tủ áo quần thật lâu. Cô hình dung buổi gặp mặt sẽ rất khó khăn, cho cô và cho cả thằng Phúc. Nó sẽ khó chịu trước một người đàn bà xa lạ đang cận kề cha nó. Nó sẽ tỏ rõ thái độ, lườm lườm nhìn Thùy, trước tiên là những thứ dễ nhận ra từ đáng vẻ bên ngoài. Cô tần ngần. Mặc những cái áo thun cổ thuyền ôm vừa khít vóc dáng, Thùy thấy không hợp với một kẻ đang muốn được làm mẹ. Những cái áo sơ mi thì trông cô sẽ có dáng một cô giáo nghiêm nghị, khó tính. Mấy cái giả áo vét sẽ khiến cô khô cứng, cách biệt. Cuối cùng Thùy chọn mặc cái áo ngắn tay có in hình những bông cúc vàng, tuy hơi nổi một chút nhưng vui vui con mắt. Lúc thấy cô, Tứ la lên:
- Em mặc màu mè quá!
Miệng chê nhưng Thùy nhận thấy những giọt nắng long lanh nơi mắt Tứ và nụ cười rộng mở mà cô rất thích. Như vậy diện mạo cô chắc là không tệ. Ý nghĩ này khiến Thùy tìm thấy tự tin trong suốt quãng đường từ nhà cô đến gần ngôi nhà bà ngoại thằng Phúc, tức ngôi nhà mà mẹ thằng Phúc - người đàn bà từng thuộc về Tứ, đã sống ở đó và có lẽ cũng trút hơi thở cuối ở đó.
Ngôi nhà nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo. Ngôi nhà nhỏ, mảnh sân nhỏ, lối đi cũng nhỏ. Định đẩy cổng cùng vào với Tứ, chợt Thùy nhận ra mình không phải là người khách được chào đón và cô cũng biết là mình không thể cùng Tứ ung dung bước qua khoảng sân hẹp trồng lưa thưa mấy bụi ớt, bụi quế, bụi sả tỏa hương hăng nồng, để vào bên trong ngôi nhà, mặc dù cô tò mò muốn biết chỗ sinh sống của thằng Phúc và tận mắt nhìn cái không gian riêng biệt từng là của mẹ thằng Phúc và biết đâu cũng là cái không gian quen thuộc của Tứ. Cô chùng chình rồi dừng chân bên ngoài cổng.
Tứ bước vào sân. Một người đàn bà dong dỏng cao, lưng còn thẳng, tóc bạc uốn loăn xoăn, mặt xương xương, bước ra khỏi khung cửa của ngôi nhà trông như một cái hộp thiếu sáng. Bà bước ra mái hiên, nói:
- Má nói con tới mà thằng Phúc còn mê chơi điện tử chưa thấy về.
- Nó chơi ở đâu, má?
Thùy không ngạc nhiên khi nghe Tứ gọi người đàn bà đó bằng má, dù cô biết anh và mẹ thằng Phúc không được đứng trước bàn thờ tổ tiên, không hôn thú và trong những giây phút bị cái con đàn bà độc địa hờn ghen cựa quậy, Thùy đã dồn Tứ đến đường cùng khiến Tứ ậm ự thú nhận, rằng, anh đến với mẹ thằng Phúc trong… cơn say.
Buông thả trong men rượu - Là sự thật hay chống đỡ, với Thùy, cô chẳng mấy bận tâm và cũng không còn mấy nghĩa. Điều có ý nghĩa và đôi lúc lại trở nên quan trọng là lòng tự phụ của cô được mơn trớn, vuốt ve. Rằng chỉ có cô mới đem đến cho Tứ sự xúc động chân thành. Và cũng vì sự chân thành ấy mà cô cũng sống chân thành, ngay cả việc chân thành muốn được làm mẹ đứa con của người đàn ông mình yêu.
- Ở chỗ mấy cái tiệm nét niếc gì đó ngoài đường - Bà ngoại thằng Phúc buông giọng thờ ơ.
Tứ quay đi. Chợt anh khựng lại khi nghe bà thằng Phúc gọi giật lại.
- Tứ nè!
Bà nói một mạch:
- Tháng này thằng Phúc gọi tổng đài tổng điếc gì đó tốn hết năm trăm ngàn.
Tứ móc bóp đưa tiền cho bà. Thùy biết Tứ vẫn chu cấp chu đáo cho việc ăn học của thằng Phúc, kể cả tiền nuôi người coi sóc nó. Tuy nhiên, Thùy thấy cách đưa tiền của Tứ có cái gì đó sòng phẳng, lạnh lùng.
Bà thằng Phúc bỏ tiền vào túi áo, đi theo Tứ ra cổng. Kéo cánh cổng định khép lại, chợt thấy Thùy đứng đợi Tứ, bà sững lại vài giây trước khi kéo ập cánh cổng lại.
3. Ngoài con đường chính có quá nhiều tiệm Internet. Những cửa hiệu san sát, ánh sáng của những bóng nê-ông gắn trên trần trên tường đủ để Thùy nhìn được đám trẻ ngồi lô nhô trước những máy vi tính. Dừng lại mấy nơi, Tứ bảo Thùy ở ngoài xe, anh vào xem mặt từng đứa đang cắm cúi chat hoặc chơi games. Thùy cũng căng mắt nhìn theo đám nhóc ra vô ở mấy cửa tiệm. Cô vẫn tin thằng Phúc sẽ có dáng dấp của Tứ, hay ít ra cũng có nét mặt của Tứ.
Tìm một hồi lâu không gặp thằng con, Tứ chở Thùy quay lại ngôi nhà bà ngoại thằng Phúc.
Bà thằng Phúc không ở nhà một mình. Có lẽ trong nhà nóng nên bà cùng ba người đàn bà luống tuổi nữa, đang ngồi trên chiếc chiếu trải rộng dưới mái hiên. Họ đang xòe những lá bài tứ sắc trong tay. Tứ gỡ nón, bước vào, hỏi:
- Thằng Phúc về chưa, má?
Bà thằng Phúc ngước mặt lên:
- Chưa!
Bà thằng Phúc liền quay lại sòng bài. Bộ dạng quá tập trung vào những lá bài xòe mở trong tay, Thùy đoán bà ta không chơi bài chỉ để cho khoây khỏa.
Tứ quay trở ra cổng, cơn giận đột ngột bốc lên. Anh quăng mạnh cái nón bảo hiểm vào giỏ xe, cái nón nhựa nhảy tâng lên. Khi Thùy nhắc đội, anh chụp mạnh nón lên đầu.
Ngồi im sau lưng Tứ, Thùy hình dung phần nào tình cảnh của thằng Phúc khi sống với một người dưỡng nuôi có máu mê trò đen đỏ, dù đó là người bà ruột thịt. Cô buột miệng:
- Anh đặt tên cho thằng Phúc?
- Không, mẹ nó đặt.
- Lúc đó anh ở đâu?
- Rất xa.
- Đến lúc nào anh mới gặp thằng Phúc.
- Khi mẹ nó bệnh sắp mất.
Thùy im bặt.
Trời hầm hập nóng. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo sơ-mi xám nhạt của Tứ. Cái lưng áo in hoa cúc của Thùy vàng sẫm lại, dấp dính mồ hôi. Người xe ngược xuôi đông nghịt, đường phố như hẹp thêm, hẹp đến mức, ngồi sau lưng Tứ, cô chỉ còn biết cầu mong đường đi không bị ùn tắc.
Len lỏi vượt qua được dòng người xe cuồn cuộn, Tứ và Thùy đều thấm mệt. Họ dừng lại và bước vào một quán cơm gắn cửa kính bên đường.
Máy lạnh phả từng luồng hơi về phía Thùy và Tứ ngồi. Khăn ướp lạnh lau mặt lau cổ lau tay nhưng cái oi bức, ngột ngạt vẫn còn khiến cả hai ngồi ngất ngứ trước các món ăn đã gọi.
Thùy uống nửa ly nước lọc, rời mắt khỏi thức ăn, chuyển đến cái bồn kính nuôi cá cảnh đặt sát bức tường trước mặt. Đám cá rực rỡ màu sắc đang nhởn nhơ bơi lội trong cái lồng kính được tiếp ô xy. Thùy biết, chỉ cần rút cái ống dưỡng khí đó ra hoặc dời cái bồn nước khỏi căn phòng phả hơi lạnh, đặt dưới ánh mặt trời hừng hực và đám bụi mịt mù ngoài kia, bầy cá tung tăng kia sẽ nhợt nhạt, những lớp vảy óng ánh sẽ bong tróc sần sùi. Lũ cá sẽ lờ đờ, suy kiệt. Bất chợt, Thùy quay lại nói với Tứ:
- Trưa mai mình đón thằng Phúc ngay sau giờ học!
4.Kế hoạch Thùy đưa ra có thay đổi một chút.
Lúc 11 giờ trưa Tứ đưa Thùy đến Nhà hàng KFC gần trường thằng Phúc, còn anh đến trước cổng trường chờ hết giờ học đón nó.
Thùy chọn cái bàn đặt ở một góc còn vắng, nơi cách con đường trước mặt bởi lớp cửa kính trong suốt. Cô gọi một ly cà-phê, ngồi chờ cha con Tứ.
Qua cửa kính, Thùy thấy Tứ dừng xe trước nhà hàng. Thằng Phúc vội nhảy xuống trước khi Tứ đắt xe lên lề. Lưng đeo cái cặp học to tướng, đầu đội nón sụp xuống trán, trong bộ quần áo xanh trắng đồng phục trông nó thấp bé hơn Thùy hình dung. Tứ gửi xe, dẫn con đẩy cửa kính, vào. Tứ đưa thằng bé đến trước mặt Thùy, nói:
- Chào cô đi con!
Thằng bé chào Thùy bằng cái gật đầu thật nhanh, rồi quăng cái cặp học lên chiếc ghế đặt cạnh cái ghế Thùy đang ngồi. Tứ ngồi vào cái ghế đối diện Thùy, thằng Phúc ngồi xuống cạnh cha. Sự có mặt của Thùy không làm thằng bé bất ngờ lẫn ngạc nhiên. Chắc đói, thằng Phúc cầm ngay tờ thực đơn và gọi đĩa cơm thịt bò. Thùy nói:
- Ở nhà hàng này, con ăn gà rán ngon hơn cơm.
- Ăn cơm thích hơn! - Nó dứt khoát.
Tứ và Thùy cũng gọi cơm.
Lúc hai cha con Tứ ăn, Thùy thấy thằng Phúc khác cha quá. Tú cao lớn vạm vỡ rắn rỏi, còn Phúc thấp gầy, da hơi xanh, chỉ có đôi mắt là to và sáng. Đôi mắt vừa thông minh vừa láu lỉnh vừa muốn tránh né cái nhìn của người đối diện khiến cô thấy thằng bé khằn hơn tuổi. Nó cắm cúi ăn, chỉ một loáng đĩa cơm hết sạch. Thùy hỏi:
- Con ăn gì gọi thêm đi.
Nó nói ngay:
- Khoai tây lắc với kem.
- Từ “ dạ-thưa” con bỏ đâu rồi hả Phúc? - Tứ hỏi con.
- Quen rồi!
Tứ nhìn Thùy. Cô hiểu anh muốn nói: “Con anh… vậy đó…”.
Lúc thằng Phúc nhai khoai và ăn kem, Tứ nhìn con trai từ đầu đến chân và lật đật cúi xuống kéo một chiếc giày sandanl ra khỏi chân nó. Một vệt hằn trên mu bàn chân thằng bé. Tứ khom thấp, săm soi cái vệt ưng ửng đỏ, hỏi:
- Giày con bị chật hả?
- Cũng… chật chật.
- Sao con không đổi đôi khác?
- Bà ngoại nói hôm nào rảnh dẫn con ra chợ đổi đôi khác.
Thùy bắt gặp một ánh mắt khác của Tứ. Anh mở quai giày, loay hoay một hồi, nới rộng ra được một nấc rồi cài lại, bảo con trai:
- Con mang thử coi còn đau không?
Thằng bé xỏ chân vào giày:
- Cũng còn đau đau.
- Thùy vội chen vào:
- Lát nữa ba với cô đưa con đi mua đôi khác.
Mắt thằng bé sáng lên:
- Mua đôi giày giống giày của thằng Quý ngồi cạnh con.
- Được rồi ! - Tứ nói, rồi như sực nhớ, anh hỏi thằng bé:
- Tháng này con gọi điện thoại cho ai mà nhiều vậy?
- Gọi tổng đài 108.
- Gọi làm gì?
- Nghe truyện cổ tích.
- Con nghe truyện gì?
- Nhiều lắm.
- Con thích truyện nào nhất?
- Truyện Cô bé bán diêm.
Không ai cật vấn thằng bé nữa. Nó thoát khỏi chỗ ngồi, chạy đến quầy mua thêm kem. Nhìn theo cái lưng gầy nhỏ của thằng Phúc, Thùy biết nó đang cần được sưởi ấm, không phải bằng đốm lửa của que diêm mà bằng hơi ấm của yêu thương. Cả Tứ và cô nữa, cũng đang khát khao điều đó.
Sài Gòn, 30-4-2008
B.N