.

Loạn... băng đĩa không tem nhãn

.

Cùng với sự phát triển của các loại hình dịch vụ văn hóa, hoạt động kinh doanh băng đĩa trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đang có xu hướng phát triển mạnh.

Nhưng điều đáng nói là số lượng băng đĩa nhạc, đĩa hình không tem nhãn đang lưu hành trên thị trường chiếm tỷ lệ khá lớn, trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn…

Đụng đâu cũng vi phạm

Các cơ quan chức năng đang tiến hành tiêu hủy đĩa lậu được tịch thu năm 2007.

Ông Nguyễn Đình Ba, Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố cho biết: Kể từ khi việc cấp giấy phép cho hoạt động kinh doanh băng đĩa đối với các doanh nghiệp, cơ sở, cửa hàng… do Sở thực hiện được bãi bỏ, hoạt động kinh doanh băng đĩa ngày càng phát triển mạnh. Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng cả thành phố có gần 500 cửa hàng kinh doanh băng đĩa nhạc, đĩa hình. Đó là chưa kể đến băng đĩa nhạc, đĩa hình được bày bán công khai khắp các chợ, trong cửa hàng điện tử, điện máy… và những người bán hàng rong.

Ông Trần Ngọc Long, Đội trưởng Đội QLTT số 8 cho hay: Mỗi lần ra quân kiểm tra thì đụng đâu cũng thấy vi phạm. Riêng trong tháng 4 vừa qua, Đội QLTT số 8 kiểm tra đột xuất cửa hàng băng đĩa Fantasy (33 Phan Châu Trinh), cửa hàng New World (259 Ông Ích Khiêm), cửa hàng H&K (84 Triệu Nữ Vương) đều phát hiện vi phạm về kinh doanh băng, đĩa. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm thu giữ trên 1.000 đĩa hình không dán nhãn kiểm soát, đồng thời xử phạt trên 15 triệu đồng đối với 3 cửa hàng nói trên. Hầu hết số băng, đĩa nói trên đều in nhân trái phép, không có nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm, vi phạm nghiêm trọng đến quyền tác giả.

Khó kiểm soát?

Theo quy định đối với băng đĩa phim ảnh, trước khi đưa ra thị trường phải được dán nhãn của Cục Điện ảnh, và đĩa ca nhạc phải được dán nhãn kiểm soát của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại một số cửa hàng kinh doanh băng đĩa, hầu hết các loại băng đĩa được bày bán tại đây đều không thực hiện đúng theo quy định. Một chủ cửa hàng kinh doanh băng đĩa trên đường Nguyễn Văn Thoại cho biết: “Bây giờ người tiêu dùng hỏi mua đĩa “xịn” ít lắm, với lại đĩa “xịn” giá cao gấp 5 lần đĩa lậu, nếu chỉ bán đĩa “xịn” thì lợi nhuận sẽ không đủ cho chí phí tiền thuê mặt bằng. Hơn nữa, đĩa “xịn” lại kén chọn đầu đĩa nên rất khó bán. Dẫu biết kinh doanh đĩa “lậu” là vi phạm pháp luật, nhưng chung quy lại cũng chỉ vì “miếng cơm manh áo”. 

Cán bộ Thanh tra của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng như cán bộ Chi cục QLTT đều cho rằng: Mỗi khi có đợt thanh tra, kiểm tra, nhiều cơ sở kinh doanh băng đĩa lại đóng cửa nghỉ bán, trên các xe bán hàng lưu động, băng đĩa cũng tạm… cất để tránh bị kiểm tra, còn các cửa hàng kinh doanh điện tử thì… chỉ “khuyến mại” khách vài chiếc khi mua đầu đĩa. Họ bảo nhau thà thất thu còn hơn là bị tịch thu băng đĩa… Và sau đợt kiểm tra, khi lắng xuống… mọi việc lại đâu vẫn hoàn đấy. Các cửa hàng kinh doanh băng đĩa “lậu” lại có nhiều hình thức tinh vi như: không bày băng đĩa ra bên ngoài, khách hàng đến mua chỉ cần chọn danh sách và sau 5 phút sẽ có đĩa.

Như vậy, băng đĩa không tem nhãn vẫn cứ tồn tại, thậm chí còn là mặt hàng chính của họ, thay vì những băng đĩa có tem nhãn theo quy định. Xem phim, nghe nhạc là món ăn tinh thần và là nhu cầu giải trí không thể thiếu của người dân, nó tác động vào tâm tư tình cảm, đạo đức của mỗi thành viên trong xã hội, trong đó có học sinh, sinh viên.

Nếu không nhận thức đầy đủ trách nhiệm của các cấp chính quyền và toàn xã hội thì băng đĩa nhạc, đĩa hình sẽ chỉ là chuyện cũ nói mãi, bởi mỗi thước phim kích động bạo lực, mỗi bài ca rên rỉ, mỗi hình ảnh khêu gợi sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, các hộ kinh doanh dịch vụ băng đĩa cần tự giác chấp hành, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà vi phạm pháp luật, vô tình làm mất đi các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.