Ngõ phố người đời của Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - Nhà Xuất bản Văn học năm 2008 - gồm 27 tác phẩm, 170 trang, khổ sách 13 x 20 cm, chia làm 4 mục lớn: Cái đẹp mộc; Ngõ phố người đời; Quá khứ thì hiện tại; Đôi lời.
Cổ thụ, đứng đầu làng, cạnh những ngôi đền, đình và chùa, giữa người đời và thánh thần, nhìn thấy và nhịn chịu tất thảy, trông giống hệt các bô lão, phải gọi chúng là cụ mới phải. Cây ở đô thị nom khôn, nom từng trải hơn cây ở làng” (Hoài niệm xanh), “Chúng ta sống nơi đô thị, ứng xử có phần quan liêu với đồng bào ở thôn quê. Các đô thị đang bung ra như con bạch tuộc, chiếm dụng đất đai một cách tham lam, làm biến đổi dữ dội cảnh quan nông thôn... Các nhà khoa học, các kiến trúc sư cần quay mặt về với nông dân và kiến trúc tổ ấm của họ” (Hãy quay mặt về với nông dân). Ông giỏi đặc tả tính cách nhân vật: “Xiêu vẹo rảo bước chị hàng rau, bác tào phớ. Lầm rầm mấy vị văn phòng. Hô hố mấy chú choai choai.
Nhà lèn chặt. Đời bung ra. Tưởng tạm bợ, hóa bền dai”. “Một mợ sồ sề ngồi xổm trước chậu nước bồ kết, hồn nhiên gội đầu hệt như ở cầu ao nhà. Vài anh thợ rửa xe xì xì xẹt xẹt tung tóe bụi nước lẫn bọt xà phòng” (Ngõ phố người đời). Ông nêu cách ứng xử với đô thị: “Với Trời Đất, đô thị phải được quy hoạch và xây dựng trên sự hiểu biết tường tận những lợi thế và những cái riêng đã được ban cho, phải sử dụng nâng niu và dè xẻn, biến đô thị thành sự bổ sung tự nhiên cho thiên nhiên, không đối chọi nó với thiên nhiên, không để lại cho mai sau những cánh đồng-bãi rác... Tiêu xài cho đời mình, nhớ để phần cho con cháu”. Ông biết khai thác chi tiết đắt: “... Còn sót cái lối đi hẹp, người dắt xe vào, người ra phải chờ. Của chung còn lại cái sân nhỏ, bằng bốn cái giường đôi...”.
Văn ông có nhiều bài, nhiều đoạn khơi gợi, mở lửng cho người đọc nghĩ tiếp, viết tiếp. Đọc văn ông phải ngẫm nghĩ, phải nhẩn nha mới cảm hết cái sâu sắc, ý vị, tinh tế của nó. Tôi nghĩ ông phải xót xa lắm, đau buồn lắm mới viết ra những bài, những đoạn nhưng nhức, buôn buốt, xoay xoáy tâm khảm người đọc: “Người nông dân ít có lỗi, khi nhà họ xây chưa đẹp và lại còn lãng phí, khi xóm thôn giàu lên và mở mang ra, mà hỗn độn, mà lẫm lũi làm sao? Chúng ta, những người làm chính sách, làm quy hoạch, làm kiến trúc… thực sự có lỗi với họ.
Những chính sách đúng đắn, những ý tưởng tốt đẹp của chúng ta chưa có đường về với thôn quê, vượt qua những rặng tre rào chắn muôn thuở” (Nghĩ về quê). Ông viết về kiến trúc, về di tích lịch sử, di tích văn hóa, trong đó có ngõ phố, cổng làng, về danh nhân văn hóa… nhưng thăm thẳm sâu xa là thân phận của di tích, thân phận con người, là cái đẹp đang mất dần.
Ông viết cho vơi đau, đỡ xót cái sự lực bất tòng tâm. Ông viết về các di sản văn hóa lịch sử, còn tôi nghĩ tác phẩm Ngõ phố người đời của ông cũng là một di sản đẹp, giàu ý nghĩa nhân văn cần phải đọc. Cuốn sách như chất men của rượu, hương thơm của hoa, là mạch ngầm chảy mãi, là trầm tích còn lại của thời gian.
LÊ ANH DŨNG