Ban đầu, cái nơi ba mặt giáp núi, phía Đông Nam giáp một bàu nước dài 20 sải tay được che chắn bởi hai lũy tre này được gọi theo kiểu thấy gì nói nấy là làng Bàu Tre.
Đình làng Trước Bàu. |
Đến khi khuếch trương xã hiệu, cái tên dân gian này đã được thay bằng một danh xưng hành chính văn vẻ hơn là “Trúc Bào”. Các cụ giải thích, chữ trúc có một âm khác là trước, còn chữ bào gồm chữ bao đi với chấm thủy, tiếng Nôm còn đọc là bàu. Vì thế, Trúc Bào hay Trước Bàu, hai nếp cũng cùng một xôi. Trước Bàu hợp với Đông Lai thành thôn Trước Đông, nay thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Lâm, chánh bái làng Trước Bàu kể rằng, xưa các vị lập làng theo kiểu “dĩ dương vi giới” - lấy gò đồi làm ranh giới. Từ gò cao tính xuống, hễ nước mưa chảy về Đông Nam là đất làng Trước Bàu; chảy về Tây Bắc là đất Ninh An, Đông Lai. Thời ông Nguyễn Phước Lương người trong làng vô làm tri huyện trong Bình Định, khi về có điều kiện khai phá thêm điền bộ thổ cư, mở rộng địa giới. Lúc này, đình làng được tôn tạo, kiến trúc theo kiểu nhà rường, hầu hết cấu kiện gỗ được làm bằng gỗ mít, chạm trổ hoa văn công phu.
Ngày 12-4 âm lịch hằng năm diễn ra lễ Cầu an và giỗ Tiền hiền tại đình. Dân tình năm nào thong thả thì làm bò, làm heo, năm nào khó khăn thì chỉ sắm bông hoa trà quả thiết lễ tạ ơn tiên tổ. Xong đâu đấy, bà con các họ tộc không quên đến viếng hương ở “sở Âm linh” - nơi thờ tự anh hồn các vị chiến sĩ trận vong chống Pháp an nghỉ ở nghĩa trủng gần đó.
Thời chống Pháp, do có địa thế cây cối cổ thụ nằm tựa lưng vào núi, chung quanh có xóm làng bao bọc nên ông Nguyễn Bá Phát đã chọn đình làm nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Trung đoàn 96 Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng. Hai năm sau, quân Pháp phát hiện, thả bom đánh phá đình làm bay mất nóc hậu tẩm. Sắc phong, liễn đối, bài vị... ngổn ngang cùng với đất đá.
Sau đó, quân Pháp kéo về khủng bố khắp nơi, dân Đông Lai phải tản cư xuống thôn Hòa Khương, dân Ninh An ngược lên Hội Vực, chỉ một mình dân Trước Bàu ở lại. Bộ đội đóng quanh làng, suốt ngày đánh nhau với giặc, dân Trước Bàu phải xuống đồng ban đêm. Bài vè của ông Hương Nhung còn nhắc: Ruộng ta, ta cấy ban ngày/ Tội chi ta lại cấy cày ban đêm/ Trời mưa sụp té ướt mềm/ Sôi bầu máu nóng giận thêm quân thù.
Dân làng tập trung về đình nấu cơm, vắt tròn như trái bòng, bên trong độn thịt, bỏ vô giỏ bội gánh ra ngoài đèo Đại La để tiếp tế cho bộ đội chặn đường tấn công của Pháp muốn chiếm đình Đại La. Dân và quân trong làng, mỗi lần nghe “ù ù” là biết tàu bay Pháp sắp lên thả bom, đánh một hồi trống, ai xuống hầm nấy, không dám ở lại trong nhà.
Một lần, Pháp thả bom xăng cháy cả làng, có người chịu nóng không nổi, nhảy xuống giếng, khi lên bị tuột da mà chết. Có lần, giặc thả trái bom làm bay tảng đá to bằng mặt bàn lên mái nhà ông Cửu Vệ (Nguyễn Văn Luân), cột gãy, nhà sụp, hố bom hiện vẫn còn trước ngõ nhà ông.
Đình là linh hồn của làng. Gần 90 năm trước, khi chuyển đình về vị trí hiện nay, ông Tú Huýnh - một sĩ phu Bắc Hà giỏi thuật phong thủy - bảo rằng cuộc đất này sẽ làm cho con cháu trong làng hanh thông hơn. Hư thực ra sao, điều này cũng chỉ là truyền khẩu. Có điều, từ đấy, trong làng xuất hiện nhiều gia đình, nhiều người con hiếu học. Nhiều người trong làng giỏi cả Hán văn lẫn tân học.
Ông Nguyễn Văn Hoành nói thạo tiếng Pháp, làm giáo học Trường tiểu học An Phước, tháng 8-1945 làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã, từng ra làm Chánh tổng Phước Tường để tránh sự chết chóc oan uổng của đồng bào dưới sự hà khắc của thực dân. Ông Nguyễn Hoáng đỗ bằng Thành chung, cùng trong một năm đỗ cả 3 kỳ thi, ra ngành chuyên môn là lục sự, thừa phái và tư học. Ông Nguyễn Văn Huy chuyển qua tân học đỗ bằng Thành chung, từng nổi tiếng viết chữ Hán đẹp nhất trường do thầy Hương Ba người làng Cẩm Toại (xã Hòa Phong) trực tiếp giảng dạy...
Ông Nguyễn Công Trợ nổi tiếng với bài thơ “Viếng cảnh Ngũ Hành Sơn” sáng tác từ năm 1956. Ông Nguyễn Đăng Trừng tốt nghiệp cử nhân luật, lúc làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, ông được giới sinh viên tặng biệt hiệu “Con người thép”, từng bị chính quyền Sài Gòn kết án khiếm diện 10 năm vì đấu tranh chống Mỹ - Thiệu, đòi hòa bình. Đến nay, cả làng đã có 4 tiến sĩ và nhiều cao học, cử nhân, sung vào đội ngũ trí thức góp phần xây dựng quê hương, đất nước; trong đó có Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đăng Liêm, Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Bảo Hoàng Thanh...
Ngày 24-12-2007, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 10225 về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đình Trước Bàu. Bài vè của ông Hương Nhung ngày trước lạc quan ở hai câu kết: Ngày mai độc lập hoàn toàn/ Phất cờ dựng nước vinh quang muôn đời. Giờ đây, đối với người dân Trước Bàu, việc đình làng được xếp hạng di tích cũng là một “vinh quang” mà không phải nơi nào cũng tự hào có được.
LÊ HOÀNG