Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc vừa được tổ chức, Nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Ông là nghệ nhân đầu tiên của làng đá Non Nước Đà Nẵng vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động.
Mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng, Nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu (N.L.B) nói:
Điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu bên chân dung của Văn Cao anh vừa mới hoàn thành. |
* Nhắc đến Nguyễn Long Bửu là người ta lại nhắc đến một nghệ nhân tài ba về đá. Anh nghĩ gì về điều này?
- Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống với nghề điêu khắc. Bản thân theo nghề đã là đời thứ tư. Đá đã ăn sâu vào truyền thống gia đình, thành nghề tổ tông, thành lẽ sống, không dứt được. Ông cố của tôi là nghệ nhân Nguyễn Chất, người được vua Tự Đức trọng vọng, đứng đầu nhóm thợ xây dựng hoàng thành và lăng tẩm cho triều đình.
Ông nội là nghệ nhân Nguyễn Bình, đã từng được hoàng cung Campuchia mời sang giúp trùng tu đền Ăng-co. Cha tôi là nghệ nhân Nguyễn Sang cũng đã được tôn vinh là người thợ chạm khắc đá điêu luyện của miền Trung sau khi hoàn thành công trình phục chế tháp Chăm và bộ tượng đá 18 vị La Hán. Với truyền thống ấy đã gieo vào lòng tôi tình yêu sâu sắc với đá.
* Anh luôn nói với mọi người rằng “Đá tuyệt vời lắm”! Vậy, điều đó như thế nào?
- Với tôi, đá là niềm đam mê từ trong sâu thẳm tâm hồn, nó như là máu thịt, là nguồn sống của cuộc đời. Tâm hồn tôi luôn được thăng hoa cùng đá, bàn tay tôi cũng đã tìm được một mối duyên thầm để khơi dậy sức sáng tạo từ đá. Tôi đã tìm thấy trong đá những ý tưởng sáng tác như không cạn kiệt.
* Trong từng tác phẩm nghệ thuật của anh, giới chuyên môn luôn đánh giá là thấm đẫm đặc trưng riêng của dân tộc Việt Nam, càng đậm đà hơn tính cách người xứ Quảng… Phải chăng, anh đang còn trăn trở cho một dự định nào khác?
- Gần 30 năm gắn bó với nghề chạm khắc đá, chưa lúc nào bản thân tôi muốn dừng chân trên hành trình tìm kiếm vẻ đẹp của đá, dù cuộc đời đã trải qua không ít thăng trầm, khó khăn. Đến nay, tôi vẫn luôn trăn trở và tập trung tiến hành hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho một vườn tượng làng nghề truyền thống của thành phố. Dự kiến đây sẽ là một nét rất riêng, đặc trưng không nơi nào có được, để ngày càng được nhiều người biết đến làng đá của Đà Nẵng.
* Với anh, cái khó nhất của nghệ thuật điêu khắc đá là gì?
- Là làm sao bắt được “cái thần” của đá. Ý tưởng nhiều khi đến rất nhanh nhưng cũng nhiều khi phải trăn trở cả hàng mấy tháng trời. Nhưng vấn đề là làm sao gửi gắm cái hồn, cái chất và cả nghệ thuật sinh động vào những khối đá vô tri vô giác, để cho người xem có những cảm nhận sâu xa trong từng tác phẩm. Để làm được điều đó, đòi hỏi người nghệ nhân luôn có được ngọn lửa sáng tạo trong trái tim mình.
* Và bây giờ ngọn lửa ấy trong anh như thế nào?
- Ngọn lửa ấy vẫn cháy bỏng trong trái tim này (cười). Tôi vẫn luôn mải mê sáng tác, mải mê kiếm tìm vẻ đẹp của đá.
* Xin cản ơn Nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu. Chúc anh thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật.
|
VĂN NỞ (Thực hiện)