Với một khả năng thiên phú, nhạc sĩ Trương Đình Quang là người nhớ rất nhiều về những kỷ niệm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những con người, tác phẩm có liên quan đến âm nhạc, văn học dân gian và trò chơi tập thể, nhất là trong kháng chiến chống Pháp.
Ông đọc lại một đoạn thơ mà nhà văn Nguyên Ngọc viết 60 năm trước và hình dung thời đầu đánh Pháp, những thư sinh ở phố cổ Hội An tưởng ủy mị, ngây thơ nhưng đã đốt trường theo kháng chiến.
... Ta nuôi trong ta hàng vạn máu xương
Ta mang trong ta suối lệ canh trường
Ta giữ trong nếp áo tà huy sắp chín
Ta đi áo rộng thân gầy
Ta đi hoang cỏ trở ngây ngây vàng
Ta đi áo biếc quanh làng
Tiễn nhau cho đến xế tàn mới thôi.
Cả những câu thơ thật cụ thể, như báo hiệu một nhà văn Nguyên Ngọc trong tương lai:
Hoa cải năm nay nhỏ nhỏ vàng
Người đi đi mộng biếc quan san
Hồi ấy ở Hội An có nhóm Chi Lăn (mượn tên một tổ chức ở Trung Hoa) gồm: Vũ Hân, Trương Quang Tú, Trương Dĩnh, Trương Thanh Sơn, Nguyễn Thanh Quế, Trần Như Ngọc, Nguyễn Mạnh Hào, Trương Đình Quang, Trương Quang Lục, Bùi Giáng, Lê Công Thành… đó là những thanh niên trí thức tài hoa, sôi nổi, rạng rỡ cả tâm hồn và thể xác.
Trí nhớ của Trương Đình Quang thật lạ lùng, bao nhiêu năm rồi, ông vẫn đọc cả kịch, hát nhiều bài hát cũ của nhóm nhạc Hội An. Với Nguyễn Mạnh Hào, một người Huế, dòng tộc vua, thuở nhỏ ở Hội An, gắn bó với nhóm Chi Lăn hơn ruột thịt, ông thuộc từng bài thơ như đánh thức lại ánh trăng xưa, gợi lại sự trống vắng của cái thời “trút gối thư sinh ...”
Đêm nay ta là anh lái trăng
Trăng gấm, trăng nhung, trăng bạc vàng
Bao giờ châu báu trong lòng đã
Rồi đến cùng ta mua chọn trăng
...
Đây trăng Xích Bích trăng Đông Pha
Trăng bến Tầm Dương ánh lệ òa
Trăng chàng Lý Bạch say mà chết
Trăng phím tri âm trăng Bá Nha
Trăng Tào Mạnh Đức kích hiên ngang
Ánh thép còn vương bén ánh trăng
Đây trăng tuổi thẹn đường Phiên cống
Nức nở còn ngân tỳ Chiêu Quân
(Anh lái trăng)
...
Trút gối thư sinh lá rụng vèo
Một mùa Kiều lệ úa tàn theo
Ai mơ sự nghiệp đường chen lụi
Ta khóc ngày mai quán vắng teo
...
(Trống)
Trương Đình Quang cũng là người giữ được nhiều tư liệu quý về Văn học nghệ thuật Liên khu V từ trước 1945 đến nay. Không dễ gì qua bao biến thiên của chiến tranh, của gian khổ, của xê dịch, ông lại có thể giữ được những kỷ vật ấy một cách đầy đủ cả tư liệu, cả bài viết được trình bày có hệ thống theo từng đề tài riêng và chung.
Riêng những con người, tác phẩm, hình ảnh của những người chơi nhạc, sáng tác nhạc Hội An suốt từ thời trước năm 1945 đến nay qua hơn nửa thế kỷ có thể là một đề tài quý. Qua điện thoại, nhạc sĩ Trương Đình Quang đọc cho tôi ghi những tên tuổi gắn bó, làm nên gương mặt âm nhạc Hội An, mà như Thế Lữ từng nhận xét: “Đây là thành phố bỏ túi lắm tài năng âm nhạc”, khi ông đến Hội An lần đầu trước năm 1945. Còn Phạm Duy, khi đi với gánh hát cải lương Đức Huy qua Hội An cũng nhận xét: “Đi từ Bắc vào Nam tôi chỉ thấy thanh niên Hội An là những người yêu và có khả năng trình tấu âm nhạc nhất nước”.
Chỉ qua tên tuổi và quốc tịch những người mê âm nhạc, chơi âm nhạc ở Hội An ta đã thấy Hội An là thành phố đa sắc tộc, đa văn hóa, thể hiện đầy bản chất đáng tự hào của một thành phố cổ, thành phố văn hóa, thành phố âm nhạc. Giọng ông già nhạc sĩ Trương Đình Quang trên 75 tuổi qua điện thoại vẫn rành rẽ, không ngắt ngứ: La Hối (gốc Hoa), Hoàng Tú Mỹ, Lê Trọng Nguyễn, Vương Gia Khương (bạn tù với Đỗ Nhuận), nhà thơ Tố Hữu đều sinh ra ở Hội An, còn nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (người Quảng Trị) cũng lấy Hội An làm quê hương.
Rồi Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Dương Minh Viên, Lan Đài, Tố Nga, Khương Thế Hưng... đã cùng gắn bó với Hội An. Thế hệ trẻ Hội An bây giờ về âm nhạc, ca hát cũng có những tên tuổi đáng nhớ: Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng, Trần Dũng, nhạc sĩ - ca sĩ Quang Trung, nhạc sĩ Hoàng Kim Chi (ở Mỹ) và các ca sĩ: Ánh Tuyết, Trầm Tú, La Vĩnh Hoàng, Ngọc Huệ, Thu Hương… Trương Đình Quang đã không quên một ai.
Và cái quý là anh có đủ hình ảnh tư liệu về họ và những năm tháng họ sống, hoạt động âm nhạc ở Hội An, ở Hà Nội, Sài Gòn –TP.Hồ Chí Minh.Thời đầu kháng chiến chống Pháp, lực lượng văn nghệ quân đội ở Liên khu V có những hoạt động không thể nào quên. Trương Đình Quang sau khi vào Nam, định cư tại Đà Nẵng đã tham gia tích cực các chuyên ngành nhạc, sân khấu, văn học dân gian.
Ông viết báo khá đều. Ông có hàng chục tác phẩm được giải thưởng Hội Âm nhạc Việt Nam. Ông tham gia nhiều chương trình giảng dạy, biểu diễn trên các Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, Đài Truyền hình Trung ương tại Đà Nẵng. Đầy tâm huyết, ông dạy lớp trẻ những hiểu biết về những làn điệu dân ca, đồng dao, hò Quảng, bài chòi bằng cách vừa trình bày vừa hát múa mẫu. Ông còn đi đến nhiều sân chơi văn nghệ của học đường, để truyền giảng không chỉ hấp dẫn với học sinh mà còn với các thầy cô. Ông còn gánh cả vai trò giới thiệu nhiều gương mặt nhạc sĩ, ca sĩ trên cả vùng Quảng Nam-Đà Nẵng như nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Thái Nghĩa, Nguyễn Hoàng, Trần Dũng, Nguyễn Duy Khoái, Quang Trung, Ánh Tuyết… Đặc biệt, ông không dưới 5 lần viết bài giới thiệu người nhạc sĩ tài hoa đàn anh Phan Huỳnh Điểu.
Tôi muốn vẽ chân dung một Trương Đình Quang có ý thức giữ gìn tư liệu mà ít người có được. Từ lâu, tôi mơ ước những tư liệu không lời ấy được trở thành những cuốn sách, cho bạn đọc nhiều thế hệ thưởng thức trên giá sách của mình, cả việc dựng lại những thước phim tư liệu gửi cho con cháu mai sau.
Hoàng Minh Nhân
.
.
Người âm thầm lưu giữ tư liệu
Chủ Nhật, 29/06/2008, 06:49 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.