.

Nói lái kiểu Quảng lên... thơ

Hồi nửa đầu thế kỷ XX, ở làng Thu Bồn, nay là xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, có lưu truyền một bài thơ mà theo truyền khẩu là của ông Phạm Khôi - một người nổi tiếng hay chữ. Đặc biệt, bài thơ này toàn sử dụng cách nói lái truyền thống của dân Quảng.

Cũng theo tương truyền, bài thơ mô tả một vụ kiện về đất đai xảy ra ngay những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Có thể nói, đó là vụ kiện “nổi đình nổi đám” nhất làng Thu Bồn lúc đó. Thời điểm xảy ra vụ kiện là năm 1940, lúc Nhật xâm chiếm Việt Nam. Không rõ vì sao làng tổ chức đo đạc lại diện tích ruộng đất. Các vị chức sắc bấy giờ muốn “ăn” bớt đất của dân nên cứ mỗi hộ đo thiếu mất 4 thước. “Tấc đất tấc vàng”, người mất đất dĩ nhiên tức sôi máu. Họ bàn nhau đồng tâm hiệp lực phản đối đến cùng.

Vì thế, khi lý trưởng dẫn đám thuộc hạ đi do đất, mọi người kéo nhau ra phản đối, cãi cọ, đánh lý trưởng và đám tùy tùng chạy thục mạng. Do đất đai chưa đo đạc xong, dân cả làng nhất tề... bỏ cấy vụ lúa năm ấy, cùng nhau xách đơn lên kiện tổng, rồi huyện. Trong đó, người đứng đơn đại diện cho dân kiện là ông Võ Tùng.

Bấy giờ, tri huyện Duy Xuyên thấy tình hình quá căng thẳng, mới đưa ông Thất Hoanh xuống đo lại ruộng đất. Ông này đốn một cây tre thật thẳng, chặt đúng thước, đúng tấc theo mẫu thước ngoài Huế, rồi cứ thế mà đo. Lý trưởng và cả bà con thấy ông Hoanh làm đúng quá, không ai có ý kiến gì. Đặc biệt, nếu lý trưởng đo làm dân mất 4 thước thì lần này, ông Thất Hoanh đo, dân lại lời ra đúng... 4 thước!

Nhân vụ kiện này, ông Phạm Khôi đã đặt bài thơ khá nổi tiếng: “Chuyên tùng, dám kiện, quấy ơi anh?/ Thức cóc giá cao ruộng bỏ đành/ Ưng cắt năm sào liền một bọc/ Giựt quằn bốn thước xé đồng canh/ Đề mô sổ cấp làm cao lý/ Mực đặc đồng dân ký thuận tình…“. Bài thơ này, ông vận dụng toàn cách nói lái truyền thống của dân Quảng Nam.

Câu đầu, “chuyên tùng” nói lái thành “chung tiền”, cả câu ý nói chung tiền để đi kiện thì chẳng phải chuyện sai quấy gì hết. Câu hai, “thức cóc” tức “thóc cức”, ông muốn ám chỉ bọn cường hào làm bậy, làm những chuyện thối tha, khiến dân làng đành phải bỏ cả ruộng đất, không thể cày cấy được. Do đó, ông chửi khéo “Ưng cắt năm sào liền một bọc”, “ưng cắt” nói lái thành cụm từ ám chỉ bọn làm chuyện xấu ấy đều đáng cho ăn bẩn. Đến câu “Giựt quằn bốn thước xé đồng canh”, ông liệt hạng người gian ác cam tâm lấy 4 thước đất của dân xé chia nhau cũng chỉ là thứ đi giặt quần (giựt quằn) không hơn không kém.

Vì sao bọn họ làm những điều thất nhân tâm, thất đức như thế? Theo tác giả bài thơ, cũng chỉ vì tham lam, ngu muội mà ra. “Đề mô sổ cấp làm cao lý”, chỉ có đồ mê (đề mô) mới đi làm chuyện bậy bạ như thế. Câu “Mực đặc đồng dân ký thuận tình” chỉ bọn người làm việc trái đạo lý này không biết phải trái là gì, hễ thấy lợi là cứ mặt đựt (mực đặc) ra mà làm. Thế cho nên, dân phải đồng lòng mà ký đơn đi kiện!
Đây là một bài thơ thất ngôn Đường luật vận dụng cách “chơi chữ” dân gian xứ Quảng với ý nghĩa rất thâm thúy, nhưng rất tiếc, còn khuyết hai câu kết. Nếu vị nào còn nhớ, xin vui lòng bổ sung để giai thoại lý thú này được hoàn chỉnh hơn.
                         
 PHẠM TIẾN MINH ĐẠT

;
.
.
.
.
.