.

Quặn thắt... mạch Cửu Nhung

.

60 năm trôi qua, nhân dân hai thôn Giáng Đông (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) và Hà Thanh (Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam) vẫn chưa nguôi về cảnh tượng thảm sát đẫm máu vào trưa ngày 12-6-1948, nhằm ngày mồng 6 tháng 5 năm Mậu Tý.

Bia tưởng niệm Giáng Đông. Ảnh: V.T.LÊ
Sau khi lập đồn Lệ Sơn (xã Hòa Tiến), hằng tuần, thực dân Pháp cho vận chuyển lương thực từ đồn Quá Giáng (xã Hòa Phước) lên đồn Lệ Sơn đi qua địa phận thôn Giáng Đông. Nhân dân, du kích hai thôn Giáng Đông và Hà Thanh (nay là Hà Đông) tổ chức phá đường, làm gián đoạn việc vận chuyển lương thực của giặc.

Tối ngày mồng 5 (Tết Đoan Ngọ), nhân dân cầm cuốc, xẻng đào đường tại ngõ bà Tùy. Sáng mồng 6, bọn lính lê dương tức tối điên cuồng từ đồn Lệ Sơn kéo xuống càn quét thôn Giáng Đông. Để răn đe mọi người, chúng dùng lưỡi lê đâm chết hai ông già trong thôn ngay dưới lòng hố đào giữa đường. Tất cả ông già bà lão, phụ nữ trẻ em không kịp chạy trốn đều bị chúng lùa lên mạch Cửu Nhung - một ao nước lớn ở thôn Hà Thanh. Khi ấy, chúng định đẩy mọi người xuống mạch nhưng do nước cạn, lượng người đông nên chúng dẫn ra đám ruộng kế bên để giết hại - ông Trần Công Hoài nhớ lại.

Hôm đó, ông Trần Công Hoài cùng bà nội và chị ruột bị lùa ra mạch Cửu Nhung. Khi nghe bọn chúng hô: “Mọi người hãy đứng lên, “ông lớn” tha về”, ai nấy đều làm theo thì loạt súng hướng về đoàn người nổ xối xả. Ông Hoài, bà nội và chị gái giả vờ chết mới thoát hiểm và quay về nhà. Không ngờ, ít phút sau, bọn chúng kéo về làng đốt nhà, gặp ai cũng bắn, đâm và ném vào lửa. Bà nội và chị gái ông bị bọn chúng bắn chết tại nhà, ông may mắn chỉ bị chúng đâm ba mũi vào lưng và đầu...

Trong tấm bia tưởng niệm ghi danh 126 người dân vô tội bị giết hại trong vụ thảm sát, bà Trà Thị Hợi ở vị trí số 44. Ông Nguyễn Đỉnh kể lại, sáng hôm đó ông đi chăn trâu, chiều dắt trâu về thấy bà Hợi nằm ngoài đường, tứ chi bị đóng đinh xuống rễ cây chim chim bên đường. Ông cùng mọi người xúm lại tháo đinh, đưa bà vào nhà. Hai ngày sau, bà chết vì vết thương bị nhiễm trùng.

Cuộc thảm sát đã để lại những hình ảnh bi thương trong ký ức những người sống sót. Ông Nguyễn Diện, em chồng bà Hợi, không sao quên được mùi khói tranh tre quyện với mùi xác người chết cháy trong các đống tro. Ông Trần Văn Tri lúc đó mới 9 tuổi, nhờ ngất đi bên xác mẹ đẫm máu mà thoát chết; vụ thảm sát đó, 13 người trong gia đình ông bị giết hại.

Bà Lý Thị Dưng quay về, chết điếng khi thấy con mình bị treo trên cây mít, mình mẩy đầy vết lê đâm, đã chết tự bao giờ. Ông Trần Hoàn, cả 3 người con đều bị bọn chúng đâm chết rồi vứt xuống rãnh tre, mãi đến 3 ngày sau thi thể bốc mùi mới phát hiện đem chôn cất...

Cùng với bao dấu tích đẫm máu, phi nhân tính của giặc ngoại bang trên dải đất hình chữ S, địa danh mạch Cửu Nhung và bia tưởng niệm 126 người dân vô tội thôn Giáng Đông sẽ mãi là chứng tích tố cáo tội ác của giặc và là địa chỉ làm thổn thức trái tim bao thế hệ người dân nơi đây.

Tối ngày 7-6-2008, tại lễ tưởng niệm vụ thảm sát 60 năm trước do UBND huyện Hòa Vang và xã Hòa Châu tổ chức, 126 hoa đăng lung linh dập dềnh thả trên mặt hồ trước nhà bia tưởng niệm làm cho người dân nơi đây càng quặn thắt nỗi đau về dấu tích mạch Cửu Nhung năm xưa.                  
  
HẠ SƠN

;
.
.
.
.
.