Cuối tuần trước, Phòng Văn hóa – Thông tin quận Liên Chiểu đã lần đầu tiên “đánh thức” một loại hình sân khấu lâu nay vốn im hơi lặng tiếng trên địa bàn thành phố. Xem xong, không ít người cảm thấy tiêng tiếc: Giá như nó được vực dậy sớm hơn...
Từ chuyện thường ngày ở dân...
Trong khi khán giả ở hai đầu đất nước không còn xa lạ với các loại hình kịch vui, tiểu phẩm hài thì người miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng, vẫn cảm thấy còn một khoảng cách nhất định đối với một trong những sân khấu nghệ thuật dễ đi vào lòng người này. Với chủ đề “Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, các vở diễn tập trung vào những nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Vở “Bài học đầu đời” của Đoàn 74 đạt giải kịch bản xuất sắc nhất hội diễn. |
Với vở “Cuộc viếng thăm bất ngờ”, đơn vị Hòa Hiệp Nam kể lại những điều mắt thấy tai nghe của Ngọc Hoàng và đoàn tùy tùng trong một lần xuống trần gian để kiểm chứng lời trình tấu của Táo quân về những đổi thay tốt đẹp của thành phố Đà Nẵng. Đơn vị Hòa Khánh Nam phê phán sự cúng bái, đốt vàng mã làm mất vệ sinh, mất cảnh quan đô thị trong vở “Chúng ta cùng hứa”.
Hòa Minh, đơn vị 5 lần đạt danh hiệu “Phường văn hóa”, trong vở “Vẫn còn kịp, bạn ơi” đã mượn chuyện đổ rác để nói lên một điều thật đơn giản: Văn hóa không phải là cái gì to tát, xa xôi, mà ở ngay những việc nhỏ nhặt thường ngày.
… đến chuyện buồn vui đời lính
Nếu các đơn vị phường mượn cái Hài để chuyển tải thông điệp về cái Đẹp đến với khán giả, thì cũng với mục đích này, các đơn vị Đoàn 74 (Bộ Quốc phòng) và Trung đoàn Thông tin 575 đã đẩy cái Bi lên tới đỉnh điểm để làm xúc động lòng người.
Đúng như tên gọi của vở diễn, Đoàn 74 đã gửi một “Bài học đầu đời” đến với thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là những thanh niên sắp vào quân ngũ. Người con sắp vào bộ đội, vô tình đem chiếc bình toong bán ve chai, không biết rằng đó là kỷ vật thiêng liêng của bố một thời ở Cổ thành Quảng Trị. Người mua ve chai quay lại và nhận ra người giữ chiếc bình toong đầy kỷ niệm ngày xưa là thủ trưởng cũ của mình. Cuộc hội ngộ đầy xúc động này đã giúp người con hiểu ra.
Trung đoàn Thông tin 575 giới thiệu với khán giả vở dân ca kịch “Bệnh thành tích” đầy thanh âm và màu sắc. Trong vở diễn, tỷ lệ vi phạm kỷ luật của đơn vị tăng đến 2,6%, nhưng đại đội trưởng Hùng giấu nhẹm để bảo vệ thành tích. Đến khi tham mưu trưởng trung đoàn kiểm tra phát hiện ra 2 quân nhân bỏ ra ngoài uống rượu say, giấc mơ “thành tích” của Hùng mới thật sự sụp đổ. Hùng nhận ra khuyết điểm, căn dặn với cấp dưới: Chúng ta sẽ làm thành tích thật chứ không phải chạy theo thành tích!
Sân khấu của môi trường văn hóa
Lần đầu tiên, quận Liên Chiểu tổ chức Hội diễn “Kịch ngắn, kịch vui không chuyên” với sự góp mặt của 6 đơn vị đóng chân trên địa bàn. Chưa phải là nhiều, nhưng cũng đủ để nhóm lên ngọn lửa nghệ thuật trên sân khấu kịch. Kịch ngắn, kịch vui là một loại hình nghệ thuật khó, đòi hỏi một loạt các yêu cầu từ kịch bản, đạo diễn đến diễn viên.
Để xây dựng một kịch bản tốt (nhất là kịch ngắn, kịch vui), đòi hỏi phải có kịch tính cao, nêu ra mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn theo tuyến ca ngợi hoặc phê phán. Theo ông Cao Tấn Ngọc, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Trung tâm VHTT thành phố Đà Nẵng), đa số kịch bản ở hội diễn chưa giải quyết được vấn đề này. Nhưng xét cho cùng, với lần đầu “trình làng” ở một sân khấu không chuyên như thế là đã rất thành công, nhất là đã quy tụ được một đội ngũ không chuyên, từ kịch bản, đạo diễn đến diễn viên.
Rồi đây, Phòng VHTT quận Liên Chiểu sẽ tổ chức công diễn các vở diễn ra công chúng, mang lại cho khán giả những tiếng cười, những lời bình phẩm để góp phần phê phán những thói hư tật xấu trong đời sống thường ngày. Dự kiến giữa tháng 8 này, Trung tâm VHTT thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức Liên hoan “Sân khấu không chuyên” với các hình thức kịch ngắn, kịch vui, kịch thông tin qua hai thể loại kịch ngắn và kịch dân ca.
Trong lúc mọi công dân Đà Nẵng nỗ lực xây dựng “Thành phố môi trường”, thiết nghĩ, cần nhân rộng loại hình sân khấu dễ đi vào lòng người này, bởi nó là hình thức tuyên truyền chiếm ưu thế trong việc vận động xây dựng môi trường văn hóa – văn minh đô thị trong cuộc sống đương đại.
Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ