.

Văn nghệ Đà Nẵng trên trang báo

.

Đóng vai trò là cầu nối giữa nghệ sĩ, tác phẩm với công chúng trong thời đại hiện nay, không có phương tiện nào lợi hại hơn báo chí. Sự phản ánh, giới thiệu, nhận định, đánh giá khen chê… của báo chí có tác động rất nhanh, rất mạnh, rất rộng rãi đối với công chúng.
 

Tác phẩm của các họa sĩ Đà Nẵng xem ra vẫn còn ít cơ hội đến với công chúng.


Ngày nay, qua báo chí, người ta dễ dàng biết được diện mạo văn học - nghệ thuật của một vùng đất. Nhiều khi, nhờ báo chí mà người ta quyết tìm mua cho được một quyển sách, tìm xem cho được một bộ phim, đến cho được một cuộc triển lãm, một cuộc biểu diễn, trình diễn nghệ thuật trên sân khấu, hoặc gặp mặt cho được một văn nghệ sĩ mà mình mến mộ…

Với trên 50 cơ quan và đại diện cơ quan báo chí trên địa bàn, Đà Nẵng hiện là một trong những trung tâm báo chí lớn của cả nước, chỉ sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Báo chí ở Đà Nẵng khá đa dạng, hầu hết các cơ quan báo chí lớn trong nước đều có văn phòng đại diện tại đây. Có một đặc điểm và cũng là một lợi thế cho văn nghệ Đà Nẵng là, khá nhiều nhà báo của các cơ quan báo chí Trung ương ấy cũng đồng thời là văn nghệ sĩ đang sinh hoạt tại các Hội nghệ thuật chuyên ngành của thành phố. Qua những cơ quan báo chí này và qua những nhà báo - nghệ sĩ này, văn nghệ Đà Nẵng có nhiều điều kiện và cơ hội để được giới thiệu đến với công chúng cả nước.

Riêng Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng và các cơ quan báo chí của thành phố như Báo Đà Nẵng, Báo Công an Đà Nẵng, Đài PT-TH Đà Nẵng luôn bám sát phản ánh hầu hết các mặt hoạt động về văn học - nghệ thuật của thành phố. Trong cơ cấu nội dung trên mặt báo và trên sóng phát thanh - truyền hình, văn nghệ Đà Nẵng luôn có một vị trí, một chỗ đứng ổn định. Ngoài việc phản ánh kịp thời các hoạt động văn nghệ mang tính thời sự, các cơ quan báo chí đều xây dựng các chuyên trang, chuyên mục dành riêng cho văn nghệ.

Báo Đà Nẵng ngoài trang văn hóa hằng ngày, đã dành hẳn trang 6 và 7 của tờ “Đà Nẵng cuối tuần” cho văn nghệ; Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng và Đài PT-TH Đà Nẵng có các chuyên mục cố định “Văn nghệ và đời sống”, “Phim tài liệu”. Ngoài ra, các chương trình “Câu lạc bộ Văn học - Nghệ thuật”, “Tác giả - tác phẩm”, “Tác phẩm mới”, “Giai điệu miền Trung”, “Sân khấu”... xuất hiện khá đều đặn trên sóng cũng đã góp phần quan trọng trong vai trò là chiếc cầu nối giữa văn nghệ và công chúng ở thành phố.

Có thể nói, quan hệ giữa văn nghệ và báo chí ở Đà Nẵng hiện nay là mối quan hệ tương hỗ. Sự hiện diện của các chương trình, chuyên trang, chuyên mục văn nghệ đã làm cho nội dung các loại báo chí bớt khô khan, tẻ nhạt, đơn điệu. Ngược lại, nhờ có báo chí mà văn nghệ được quảng bá, được tiếp thị, khỏi phải cảnh  “áo gấm đi đêm”…

Với một lực lượng báo chí khá lớn, bao gồm cả báo địa phương và báo Trung ương như vậy, thời gian qua, hầu hết các hoạt động, các sự kiện, các gương mặt tiêu biểu về văn học - nghệ thuật ở thành phố biển này đã được xuất hiện trên báo. Riêng chuyên mục “Văn nghệ và đời sống” của Trung tâm THVN tại Đà Nẵng và Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng đã giới thiệu khá nhiều chân dung văn nghệ sĩ tiêu biểu ở hầu hết các chuyên ngành nghệ thuật.

Và theo điều tra xã hội học thì đây là một trong những chuyên mục có số lượng người xem đông nhất.Tuy nhiên, theo dõi mảng văn học - nghệ thuật ở Đà Nẵng trên báo, đài hiện nay nổi lên một số vấn đề đáng chú ý:

Một là, tác giả - tác phẩm nghệ thuật xuất hiện trên báo chí ở địa phương có sự chênh lệch khá lớn giữa các chuyên ngành. Thành phố có 2 đài truyền hình với thời lượng dành cho văn nghệ khá nhiều, mà đặc trưng ngôn ngữ báo hình  là “hình ảnh chuyển động kết hợp với âm thanh” nên nó phù hợp với các loại hình nghệ thuật mang tính chất biểu diễn, trình diễn, mà ít phù hợp với các loại hình nghệ thuật còn lại.

Do vậy, trên truyền hình, các chuyên ngành: điện ảnh, sân khấu, múa, nhất là âm nhạc được “hưởng lợi”, được giới thiệu đến công chúng nhiều hơn các chuyên ngành khác. Trang văn học - nghệ thuật trên tờ Đà Nẵng cuối tuần và báo Công an Đà Nẵng phù hợp với việc giới thiệu hoặc công bố tác phẩm thơ, truyện ký cực ngắn, tiểu phẩm, ảnh nghệ thuật, còn những bài viết dài thì khó được sử dụng.

Mặt khác, trong một chuyên ngành nghệ thuật thường được giới thiệu trên báo, trên đài thì việc chọn lựa tác phẩm nào, tác giả nào để giới thiệu phần lớn còn phụ thuộc vào sự chủ quan của biên tập viên hoặc người quản lý cơ quan báo chí. Không phải ngẫu nhiên mà một số văn nghệ sĩ phàn nàn rằng báo, đài chỉ ưu ái “lăng xê” cho ông này bà kia.

Hai là, văn nghệ xuất hiện trên báo chí Đà Nẵng hiện nay chủ yếu dưới hình thức phổ biến, giới thiệu, công bố, thiếu hẳn sự phân tích, nhận xét, đánh giá, phê bình để giúp cho khán, thính, độc giả thấy được cái hay, cái đẹp, cái tinh tế (hoặc ngược lại) của tác phẩm, đồng thời cũng giúp cho lực lượng sáng tác biết mình là ai, tác phẩm của mình đang đứng ở đâu, có giá trị như thế nào.

Có một thực tế khá phổ biến hiện nay trong cả nước nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng là giới nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật thiếu và yếu nên công việc quan trọng này trên báo chí hầu như do các nhà báo tự làm lấy. Một số nhà báo do không am tường văn học - nghệ thuật mà tham gia nhận xét, phê bình thì không sao tránh khỏi cảm tính, chủ quan, tùy tiện.

Ba là, tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng hiện nay rất ít được phản ánh, giới thiệu trên báo chí Trung ương, mặc dầu Đà Nẵng là một trung tâm báo chí lớn như đã nói trên. Có lẽ nguyên nhân chủ yếu là do đời sống văn nghệ ở đây tuy đạt được một số thành quả nhất định, nhưng nhìn chung là vẫn còn trầm lặng, ít sôi động, ít có tác giả nổi bật, chưa có nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao gây chú ý cho dư luận.

Nếu nói báo chí là một chiếc cầu nối giữa văn nghệ và công chúng thì Đà Nẵng đang có một chiếc cầu nối khá rộng. Giá như giữa các cơ quan báo, đài và các Hội văn học nghệ thuật có sự hợp tác chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng một chương trình hoạt động cụ thể trong năm, và giá như mỗi cơ quan báo chí đều phân công phóng viên có kiến thức, có năng lực chuyên môn để viết về văn học nghệ thuật, thì chắc chắn hiệu quả tuyên truyền, quảng bá văn học nghệ thuật sẽ cao hơn.

Nhưng, có bột mới gột nên hồ. Điều quan trọng là Liên hiệp hội, các hội nghệ thuật chuyên ngành cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở đây có nỗ lực vươn lên hoạt động, sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật để báo chí giới thiệu với công chúng hay không!

HUỲNH HÙNG Trung tâm THVN tại Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.