.

" Sốc " nhạc chế!

.

Có một thế giới của tuổi teen (13-19 tuổi) mà người lớn cũng phải giật mình. Một thế giới đắm chìm và cuồng loạn trong những bản nhạc chế đầy ngập những lời dung tục, đánh đấm hoặc chán nản...

Được N.T.G (14 tuổi), một cư dân mạng chính hiệu chỉ dẫn, tôi lên mạng, gia nhập vào thế giới nhạc chế.

Từ đánh đấm đến... sex!

Nghe và chuyền tai nhau những bài nhạc chế không lành mạnh ở lứa tuổi 13-19 đang trở thành một trào lưu đáng lo.


Theo N.T.G, hiện nay có ít nhất 5 trang web mà ở đó, cư dân mạng có thể tải lời, nghe, hát nhạc chế và upload giọng hát của mình lên mạng cho mọi người cùng “thưởng thức”. Có hàng trăm bản nhạc chế không ghi tên người hát và người sáng tác, thường nhái lời của các ca khúc như Áo trắng đến trường (trong phim Nhật ký Vàng Anh), Công chúa bong bóng, Lá diêu bông..., hoặc do “tác giả” nào đó tự chế.

Nếu nghe nhạc chế lần đầu, người nghe sẽ không khỏi bị “sốc” bởi những tựa đề “không thể tìm thấy trong từ điển âm nhạc”: Chuyện tình chuồng trâu, Công chúa hôi nách... Lời nhạc nếu “nhẹ” là chửi nhau “Bà già đái bậy. Con nít ỉa chảy... Mẹ chết mẹ mày đi!” (trong bài Welcome to Vietnam), “Yêu không yêu thì đếch cần!” (trong bài Chấm dứt), “Anh bay song phi lên đạp vào mặt em. Em đập vào lan can” (trong bài Chuyện tình lan can), hoặc chán nản đến bệnh hoạn: “Ê! Trời mưa đi đâu đó mày? -Đi nhảy cầu... Đời này làm gì còn chỗ để cho ta nữa đâu... để tôi bay xuống cầu”...  Một “ca khúc” khác có tựa Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, trong đó bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu bị đem ra đọc... rap.

Khủng khiếp hơn, những bài mang tên “Anh là vô địch”, “OK! Chia tay”, “Ma nữ đa tình”... lại toàn những lời dung tục. Lời ca diễn tả một cách thô thiển, trắng trợn quan hệ tình dục nam - nữ, những cuộc truy hoan với những từ chướng tai hết chỗ nói cùng những thanh âm bệnh hoạn đến khó chịu. Một phụ huynh khi nghe những lời này đã thốt lên: “Còn nặng hơn cả phim sex! Chỉ có điều là không hình ảnh thôi!”. Các bài nhạc chế kể trên đều có lượng truy cập ít nhất là 4.000 lượt/bài. Bài hát càng dung tục, lượng truy cập càng cao. Và rồi, cư dân mạng thi nhau bàn tán, “bình loạn” về bài hát, cùng những lời lẽ không kém phần khiếm nhã và vô văn hóa (mà người viết không tiện nói ra đây)!

“Nghe hát vậy mới sốc” (?!)

N.V.S.P (19 tuổi, ở Nam Dương, Hải Châu) nói không hề giấu diếm: “Thì mỗi người mỗi ý thích! Em thích nghe nhạc này vì nó gây “sốc” (?!). Và vì nhạc chế không được bày bán dưới dạng đĩa nhạc, S.P tải nhạc vào máy MP3 và lắc lư, rung đùi nghe mỗi khi rảnh. Còn N.T.G, cô bé  14 tuổi dẫn tôi vào thế giới nhạc chế, thừa nhận: “Em thấy nó hay hay!”. Dù không lý giải được loại nhạc này hay chỗ nào, cô vẫn tải vào ipod và mang lên lớp học hè cho các bạn cùng nghe. Cô bé cho biết: “Bạn em đứa nào cũng thích! Nghe xong cười đau bụng luôn!”. Cứ thế, nhạc chế được “truyền tụng” nhanh và rộng bằng con đường chia sẻ thông tin trên mạng, hoặc trong những câu chuyện phiếm của tuổi mới lớn.

 

Nhạc sĩ Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng, “Những bài nhạc chế này không bao giờ do nhạc sĩ chính thống sáng tác, mà là của một thành phần xã hội nào đó đặt ra, để mua vui, nghịch ngợm, hoặc có hành vi “mại dâm trong âm nhạc”.
 
Trong khi việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn khá lúng túng, thì nhiều phương tiện thông tin đại chúng lại vô tình quảng cáo để nhiều người truy cập, hoặc tải các bài hát bậy bạ như “Bài ca mồi nhậu”, “Chó sủa vầng trăng khóc”, “Ở bên người ấy em có Dylan đi”...

 
Chia sẻ với lo lắng của chúng tôi về vấn đề này, Thạc sĩ Bùi Văn Vân, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết: “Việc ưa thích nghe những bài ca đánh đấm, hoặc mang sắc thái tình dục xuất phát từ tính tò mò của trẻ con, ưa khám phá cái mới. Thời nay, trẻ con có nhiều điều kiện tiếp xúc với những phương tiện mà người lớn rất khó lòng kiểm soát, do đó rất khó ngăn chặn”.

Theo ông, nhà trường và các tổ chức xã hội có trách nhiệm cần thông qua các bài học giới tính bằng các hình thức phù hợp với các em như các trò chơi, website, VCD..., để các em có cái nhìn đúng đắn về tình dục. Bởi khi đó, dù có tiếp xúc với cái xấu (các bài nhạc chế không lành mạnh nêu trên là một ví dụ), các em sẽ đủ bản lĩnh để không sa ngã và tự biết cách tránh. Khi chúng ta chỉ cho trẻ con nhiều định hướng tốt, tức khắc cái tốt sẽ lấn át cái xấu.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.