Đài tưởng niệm 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc.
NBĐL là di tích lịch sử, gắn liền với bao chiến tích anh hùng cùng với sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong trong thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng Lộc nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, là trọng điểm có tầm chiến lược, là con đường huyết mạch quan trọng, đảm nhận mọi chi viện về sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Tất cả đều phải đi qua con đường này. Vì thế, con đường ngày đêm bị giặc Mỹ đánh phá. Cường độ ác liệt không sao kể xiết. Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1968, Mỹ đã trút xuống nơi đây 48.000 quả bom các loại.
Chính yêu cầu của chiến trường, phải thông xe, san lấp hố bom, ở đây đã bố trí một tiểu đội thanh niên xung phong nữ, làm nhiệm vụ phá gỡ bom, sửa đường… Mười cô gái trẻ ấy là:
1- Võ Thị Tần, 22 tuổi, tiểu đội trưởng.
2- Hồ Thị Cúc, 21 tuổi, tiểu đội phó.
3- Võ Thị Hợi, 20 tuổi, chiến sĩ.
4- Nguyễn Thị Xuân, 20 tuổi, chiến sĩ.
5- Dương Thị Xuân, 19 tuổi, chiến sĩ.
6- Nguyễn Thị Nhỏ, 19 tuổi, chiến sĩ.
7- Võ Thị Hạ, 19 tuổi, chiến sĩ.
8- Trần Thị Rạng, 19 tuổi, chiến sĩ.
9- Hà Thị Xanh, 18 tuổi, chiến sĩ.
10- Trần Thị Hường, 17 tuổi, chiến sĩ.
Ngày 25-7-1968, như mọi ngày, các cô đang làm nhiệm vụ, thì 16 giờ 30 trận bom thứ 15 dội xuống, trong đó có một quả bom rơi cạnh miệng hầm trú ẩn, nơi 10 cô gái đang tránh bom. Mười cô đã hy sinh, tuổi còn rất trẻ, chưa ai có gia đình riêng.
Đến nay, 40 năm đã trôi qua (7-1968 - 7-2008). Đất nước hòa bình, im tiếng súng. Song, NBĐL vẫn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vẫn là nơi đau đáu tìm về của nhiều thế hệ để nhớ ơn những người đã nằm xuống, trong đó có 10 cô gái, tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi. Có thể nói, NBĐL đã trở thành một địa chỉ của các loại hình nghệ thuật. Nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư… đã đến với Đồng Lộc và đã tạo nên những tượng đài nghệ thuật về địa danh anh hùng này.
Trong những tác phẩm về Đồng Lộc, thì bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc” của Huy Cận là một trong những tác phẩm được quần chúng yêu thích nhất, để lại ấn tượng khó quên đối với người đọc. Bài thơ dài đến 79 câu, câu ngắn nhất 4 từ, câu dài nhất đến 17 từ, xen giữa tả, kể là bày tỏ cảm nghĩ của tác giả về dân tộc, đất nước, thời đại.
Tranh cát 10 cô gái Đồng Lộc của nghệ nhân Ý Lan, có chữ ký của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề tặng Ngã ba Đồng Lộc trong Lễ kỷ niệm 40 năm huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc được tổ chức từ ngày 16 đến 24-7-2008. |
Dưới dạng là lời kể, kể với con chuyến về thăm quê hương anh hùng, Huy Cận đã nói cùng con về câu chuyện của 10 cô gái Đồng Lộc, qua đó, phát biểu nhiều điều về con đường dân tộc đang đi, về nhân loại đang chọn lựa. Có thể khẳng định, hai yếu tố tự sự và trữ tình, cảm xúc và triết luận được đan cài, lồng ghép vào nhau, tạo nên sắc thái riêng của bài thơ, với cái nhìn độc đáo của Huy Cận. Bằng giọng tâm tình, nhà thơ bắt đầu bài thơ bằng câu thơ tha thiết, gần gũi:
Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta,
Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc…
Rồi từ đó, tác giả dẫn dắt người đọc đến với những vấn đề có tính muôn thuở của cuộc sống, đến những vấn đề có tính thời đại, đó là những ngã ba cuộc đời, ngã ba dân tộc, ngã ba nhân loại và giữa những ngã ba vận mệnh đó, cái quyết định là sự lựa chọn. Bài thơ đã khẳng định về sự lựa chọn không phân vân, không do dự của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Phần hai của bài thơ nói về các cô gái “hồn trong như suối”, “bình minh đời sáng rực vừng dương”. Cũng qua sự lựa chọn của 10 cô gái, nhà thơ nói về “Cơn gió lốc” trong việc “tìm đúng hướng đi” của dân tộc, của nhân dân, của thời đại. Để hiểu cái hay và độ sâu sắc của bài thơ, xin giới thiệu toàn văn bài thơ.
NGÃ BA ĐỒNG LỘC
Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta
Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc.
Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba
Và có nhiều ngã ba nổi tiếng:
Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của một đại châu,
sóng dựng trùng trùng;
Có những ngã ba nối những con đường
dài chạy từ các thủ đô to
Như những mạch máu khổng lồ
Trên thân hình trái đất
Trong đó mỗi con người là một hạt hồng
cầu đỏ chói.
Có những ngã ba, là nơi gặp gỡ của những
dòng văn minh lớn đông, tây, kim, cổ…
Tất cả những ngã ba trên, con có thể học
biết trong sách địa dư, trên những bản đồ
Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và
chụp ảnh nữa…
Xong rồi, con có thể quên…
Nhưng con ơi, con chớ có quên ngã ba Đồng Lộc.
Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường
Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba quyết định
Những ngã ba vận mệnh,
Những cái nút trên dặm dài lịch sử.
Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc.
Ngã ba Đồng Lộc:
Là ngã ba nhưng ngày nào có phân vân
Nào có đắn đo do dự
Là ngã ba trên chặng đường quyết liệt
Nhưng hướng đi đã quyết
Không phải cho một lần
Mà cho tất cả mọi lần
Không phải cho một người
Mà cho tất cả quê hương, đất nước:
Hướng về Nam, một nửa mình Tổ quốc.
Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng sông bằng thủy triều lên xuống
Hay bằng đá, bằng đất
Bằng xi măng cốt sắt
Bằng vôi trắng, gạch nâu
Bằng đèn xanh đèn đỏ đủ màu
Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã,
Nhưng ngã ba Đồng Lộc xây bằng xương máu.
Khi con về, con nhớ viếng thăm
Mộ mười cô kề bên đường đỏ.
Các cô như còn đứng đó
Chờ lấp hố bom
Đường thông xe các cô mới đi nằm.
Các cô để lại tuổi thanh xuân
Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi
Cho đất nước quê hương
Hồn trong như suối,
Bình minh đời sáng rực vừng dương…
Con sẽ tìm thăm mời cô La Thị Tám
Từ trường học lại về trận địa đầu non
Đứng giữa đàn bò, đàn bê mũm mĩm
Trên sườn núi cao cỏ đã mượt màu xanh
Như mảng da non trên thân thể đang lành
Cô sẽ chỉ con xem
Những hố bom loang lổ
Như đất trên mặt trăng
Mỗi thước vuông ba quả bom to bự
Cô sẽ chỉ con xem
Nghìn vạn điểm lăn bom nổ chậm
Cô từng đến cắm cờ
Mỗi một lần chạy thi với cái chết.
Đôi chân cô nhanh hơn kíp nổ
Cô là ngọn cờ đỏ của quê ta
Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi
Những năm tháng chiến tranh ác liệt
Nghìn vạn chuyến xe đi
Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc.
Máu qua tim máu lọc
Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam.
Và con ơi, bố ngồi nghĩ miên man:
Bạn bè ta trong cơn gió lốc
Hẳn cũng đang vượt những ngã ba Đồng Lộc,
Những ngã ba Việt Nam.
Dọc đường dài kẻ địch còn găm
Nhiều bom nổ chậm
Nhưng chẳng hề chi!
Khắp năm châu còn nhiều La Thị Tám (1)
Nhiều Võ thị Tần (2)
Đường sẽ thông xe đi về cách mạng.
HÀ TĨNH 1971
Tuyển tập Thơ Huy Cận (Tập I )
Nhà Xuất bản Văn học. Hà Nội - 1986
HUỲNH VĂN HOA
(1) Chị La Thị Tám, chuyên phát hiện bom nổ chậm, cắm cờ bên cạnh bom để xe tránh, và để hướng dẫn đội công binh đến phá bom; chị đã được tuyên dương anh hùng.
(2) Chị Võ Thị Tần, đội trưởng của đội thanh niên xung phong (10 cô) chuyên lấp hố bom, đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ; toàn tổ đã được tuyên dương anh hùng.