.

“Anh Hùng gõ núi” và cây đàn Shamisen

.

Đàn Shamisen là một loại nhạc cụ cổ truyền của Nhật Bản, thường được sử dụng để đệm hát ở rất nhiều thể loại nhạc. Thế nhưng, ít ai biết rằng, người chuyên sản xuất, gia công để đáp ứng nhu cầu thị trường âm nhạc của đất nước mặt trời mọc trong 10 năm qua là một anh nông dân chính hiệu của Đà Nẵng.

Anh là Nguyễn Phước Hùng, ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang - người dân nơi đây quen gọi  là “Anh Hùng gõ núi”!

Từ “Anh Hùng gõ núi”…

Anh Nguyễn Phước Hùng không những góp phần đưa thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới mà còn giải quyết được số lượng lớn lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.


Sở dĩ người ta quen gọi anh với cái tên như vậy vì đã hơn 10 năm qua, anh miệt mài “gõ núi”, biến khu đất trống, đồi trọc gần 40 ha tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang thành khu Du lịch sinh thái Suối Hoa. Những bước đi kiên nhẫn của một người “bỏ phố về rừng” như anh, thời gian đầu đã có nhiều người phản đối và cho anh là người “không bình thường”, nhưng anh đã quyết định làm cho bằng được.

Từ năm 1996, sau khi rời phố, anh bắt đầu dựng lán nhỏ ven suối và cứ thế cần mẫn với việc ươm cây, trồng rừng. Vườn ươm của anh đã cung cấp đủ giống cây trồng rừng cho các xã phía tây Hòa Vang. Dần dà, anh lập trang trại, trồng tre lấy măng, cây ăn quả, chăn nuôi heo, gà, bò, ngựa, đào ao thả cá. Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, anh mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái.
 
Với sự kết hợp hài hòa giữa cảnh vật thiên nhiên và tầm nhìn về môi trường sinh thái, anh đã cải tạo, đầu tư khu vực núi đồi, khe suối thành nơi nghỉ ngơi, vui chơi cho du khách. Suối nhỏ ngày nào giờ là thác nước trắng xóa bên cạnh những hồ rộng trong vắt. Nhiều nhà nghỉ mọc lên quanh các hồ nước, ven suối. Trên các sườn đồi, hàng chục ngôi nhà mái cọ, đem đến cho du khách cảm giác thăng hoa cùng thiên nhiên vạn vật… Hiện nay, vào những ngày thường, khu du lịch sinh thái Suối Hoa của anh đón khoảng vài trăm khách, ngày nghỉ và ngày lễ đón trên 1.000 khách.

… đến cây đàn Shamisen Nhật Bản

Cũng trong thời gian đó, anh được một người bạn giới thiệu cho một hợp đồng kinh tế “béo bỡ”, nhưng rất khó thực hiện với một nông dân “gốc” như anh. Đó là việc phục chế lại nguyên tác cây đàn Shamisen, một nhạc cụ cổ của Nhật Bản. Với ý chí ham học hỏi, ban ngày lăn lộn với đồi núi, cây rừng, tối đến anh lại mày mò, suy nghĩ tìm ra cách làm, chọn loại gỗ phù hợp làm đàn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Anh kể, lúc đầu mới nhìn vào thì thấy đơn giản, nhưng thực chất để tìm ra được một loại gỗ thích hợp, kỹ thuật làm sao để sản phẩm bảo đảm được âm thanh của loại nhạc cụ này, đúng theo cung bậc, đặc biệt là kỹ thuật làm sơn mài sau khi hoàn chỉnh cây đàn. Những yêu cầu đó đã làm anh mất ăn, mất ngủ trong suốt 3 năm ròng rã, đôi khi còn thấy chiêm bao cả trong giấc ngủ. Thế rồi, sự kiên nhẫn của anh đã được đền đáp, sản phẩn của anh làm ra được người Nhật chấp nhận và đánh giá cao về chất lượng âm thanh chuẩn. Thành công đã đến khi anh ký được hợp đồng dài hạn và cung cấp hàng thường xuyên cho thị trường Nhật Bản về loại nhạc cụ truyền thống này.

Hiện nay, trên thị trường Nhật Bản xuất hiện nhiều mặt hàng có xuất sứ từ Đài Loan, Trung Quốc… nhưng sản phẩm của anh vẫn luôn giữ được vị thế trên thị trường này và được đánh giá cao về chất lượng. Cơ sở của anh đã giải quyết việc làm thường xuyên từ 40 đến 50 lao động tại địa phương với mức lương trung bình 2 triệu đồng/tháng; doanh thu hằng năm từ 3 đến 4 tỷ đồng.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.