.

Bữa tiệc nhớ đời

.

Ông Ích Khiêm người làng Phong Lệ, huyện Hòa Vang (nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), 16 tuổi đã đỗ cử nhân. Tài kiêm văn võ, khi Pháp nổ súng vào Đà Nẵng năm 1858, ông được gọi ra cầm quân dưới trướng Nguyễn Tri Phương bảo vệ thành Đà Nẵng.

Ông tỏ ra là một tướng tài đánh thắng nhiều trận, nhất là trong việc diệt phỉ ở vùng biên giới và duyên hải Bắc Bộ, được phong chức Đốc binh, rồi Tiễu Phủ sứ nên thường được gọi là cụ Tiễu Phong Lệ.

Từ đường tộc Ông là Đền thờ Ông Ích Khiêm vừa được xây dựng tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: L.T.)


Từ nhỏ, Ông Ích Khiêm đã nổi tiếng ngang bướng, thông minh. Tương truyền, một hôm ông đang ngồi bên một quán nước ven đường thì quan huyện với cờ quạt, võng lọng đi qua. Ai cũng đứng dậy vái chào, còn ông vẫn ngồi nguyên, không thèm đứng dậy. Thấy có kẻ vô lễ với mình, quan huyện bèn dừng đám rước, bước xuống khỏi võng và hỏi tội: Tại sao quan huyện đi qua mà mày vẫn ngồi im không đứng dậy? Ông bèn thưa: Tôi là học trò, vô ý đánh mất một chiếc giày, nên không dám đứng dậy để chào quan lớn, sợ như vậy sẽ vô lễ.

Nhìn xuống thấy đúng là hai chân Ông Ích Khiêm chỉ xỏ vào một chiếc giày, quan huyện nghĩ cách trừng trị. Quan ra một vế đối, nếu Ông Ích Khiêm đối được sẽ tha, bèn không sẽ bị trị tội. Câu đối của quan huyện rất khó: “Cắc cớ chi, hai cẳng xỏ một giày”. Ông Ích Khiêm cũng dựa vào “người thật việc thật” mà ung dung đối lại: “Sung sướng mấy, một đầu che bốn lọng”. Quan huyện tím gan, thừa biết tay học trò này nó chửi khéo mình, nhưng phải nuốt bồ hòn làm ngọt, tha cho ông vì câu đối quá thâm và cũng quá chỉnh.

Sau khi ra làm quan, tính cao ngạo của ông ngày càng tăng, ông ghét cay ghét đắng thói hợm hĩnh của các quan đồng liêu, chỉ biết vinh thân phì gia mà không hề lo chuyện hưng vong của vận nước. Vì vậy, ông bị nhiều người ghen ghét, nhất là các quan đại thần, họ rắp tâm tìm mọi cách để hãm hại ông. Một lần, ông mở đại tiệc thết đãi các quan đại thần.

Ai cũng xuýt xoa khen ngon, nhưng lại không biết là món gì. Một người khề khà hỏi: “Hôm nay quan bác cho thưởng thức món gì mà đặc biệt thế này?” Ông bèn chỉ vào các mâm tiệc mà cao giọng: “Trên chó, dưới cũng chó, toàn là chó cả”. Các quan đại thần giận tím gan tím ruột, biết ông chửi khéo mình, nhưng cúi đầu giả vờ không nghe để tiếp tục cho hết bữa tiệc.

Ăn xong chẳng có nước uống. Ông bèn quát vang xuống nhà dưới: “Bay đâu, đem nước lên! Nước đâu?”. Kêu rát cả cổ cũng chẳng thấy bọn gia nhân đem nước ra, ông lớn tiếng chửi: “Cha bay, thấy ăn là đục đầu vô ăn, chẳng lo nước non gì cả. Ăn mà không lo nước, ăn làm gì?”. Đợi ông chửi xong, gia nhân mới khúm núm bưng nước lên. Các quan đại thần lại thêm một vố bị bẽ mặt. Bị đãi một bữa tiệc nhớ đời, triều thần sau đó kiếm cớ buộc tội, đày ông vào Bình Thuận, bắt ông nhịn đói mà chết trong ngục vào năm 1884.

Các con ông (Ông Ích Thiện, Ông Ích Kiền và Ông Ích Hoắc) sau này đều tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam của Nguyễn Duy Hiệu, cháu nội ông là Ông Ích Đường tham gia phong trào chống thuế năm 1908 và bị giặc Pháp chém ở Túy Loan (Hòa Vang).

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.