* Chỉ số Dow Jones là gì? Do ai sáng tạo nên? (Trần Hoàng, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Chỉ số Dow Jones là chỉ số giá chứng khoán bình quân của thị trường chứng khoán New York (Mỹ), cũng là chỉ số giá bình quân của 65 Blue chips (65 chứng khoán hàng đầu) trong số các chứng khoán được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán New York.
Từ trái qua: C.H.Dow, E.D.Jones và C.Bergstresser. |
Dow Jones (DJ) là do họ hai người Mỹ ghép lại. Một người là nhà báo Charles Henry Dow (1851-1902); người kia là nhà thống kê Edward David Jones (1856-1920). Dow, Jones cùng với nhà báo Charles Bergstresser đồng sáng lập Dow Jones & Company. Năm 1889, Dow còn khai sinh The Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall), là một trong những ấn bản tài chính uy tín nhất trên thế giới, là nơi công bố chỉ số DJ do cả ba cùng sáng tạo nên.
Được công bố hằng ngày trên Nhật báo phố Wall, chỉ số DJ bao hàm 3 chỉ số liên quan 3 nhóm ngành nghề ở Mỹ: (1) Chỉ số bình quân công nghiệp DJIA (DJ Industrial Average). Căn cứ trên 30 Blue chips, DJIA là chỉ số lâu đời nhất ở Mỹ, công bố lần đầu tiên ngày 26-5-1896. (2) Chỉ số bình quân vận tải DJTA (DJ Transportation Average). Căn cứ trên 20 Blue chips của các công ty hàng không, đường sắt và đường thủy, DJTA được công bố lần đầu tiên ngày 26-10-1896. (3) Chỉ số bình quân dịch vụ DJUA (DJ Utilities Average). Căn cứ trên 15 Blue chips của các công ty điện, năng lượng và khí đốt. DJUA được công bố lần đầu tiên vào tháng 1-1929.
Chỉ số DJ căn cứ trên 65 Blue chips mang tính đại diện nhưng khối lượng giao dịch của 65 Blue chips này chiếm hơn 3/4 khối lượng của thị trường chứng khoán New York. Do đó, chỉ số DJ thường phản ánh đúng xu thế biến động giá của thị trường chứng khoán Mỹ, được coi là “nhiệt kế” để đo “tình trạng sức khỏe” của nền kinh tế - xã hội nước này. Thông thường, kinh tế tăng trưởng thì chỉ số DJ tăng và ngược lại.
“Đuổi gà qua đám giỗ”
* Xin cho biết nghĩa của thành ngữ “Đuổi gà qua đám giỗ”. Có người nói là “Đuổi gà qua đống gỗ”, như thế có đúng không? (Nguyễn Quang, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Rất tiếc, chúng tôi không tìm thấy “Đuổi gà qua đám giỗ” trong từ điển về thành ngữ, tục ngữ Việt Nam. Chỉ có Đuổi gà cho vợ: Chê đàn ông không có tài năng gì, chỉ sống nhờ vợ. Đuổi con vào đám giỗ (Vào đám giỗ thì được ăn), ý nói: Ra vẻ định phạt người ta, nhưng trên thực tế là tạo điều kiện cho người ta được có lợi. (Từ điển Thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân, NXB KHXH, Hà Nội, 1997, tr.120).
Tuy nhiên, “Đuổi gà qua đám giỗ” đã được dùng trong bài “Đánh giá lại chương trình, sách giáo khoa: Một việc làm cần thiết, cấp bách” đăng trên báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh ngày 19-3-2008: Ngay từ khi sách mới in, đang thực hiện thí điểm đã có ý kiến phản biện; rồi khi vào áp dụng đại trà lại càng nghe lời than vãn nhiều hơn. Vậy mà, việc tiếp thu, điều chỉnh xem ra không có, hoặc nếu có cũng theo kiểu “đuổi gà qua đám giỗ” chẳng giải quyết được căn cơ vấn đề.
Theo đoạn trích này, “Đuổi gà qua đám giỗ” có nghĩa là làm qua loa, đại khái, không đến đầu đến đũa.
“Đuổi gà qua đống gỗ” có lẽ chỉ là một cách nói sai của thành ngữ đang xét.
Đ.N.C.T