Truyện ngắn của LÂM HOÀNG
Thị trấn không có tên trên bản đồ. Nằm sát quốc lộ, nếu đi vào ban đêm, thị trấn chỉ là một vệt hiu hắt lùi nhanh khi chưa kịp định hình. Ban ngày, chen chúc những nóc nhà lúp xúp chẳng đọng lại gì nếu không có ngôi nhà ấy. Ngôi nhà như một tháp chùa, đập vào mắt là những diềm đăng ten màu vàng rực rỡ đặc trưng của lối kiến trúc Thái.
Minh hoạ : TIẾN DŨNG |
Trong sự mường tượng của khách qua đường, chủ nhân ngôi nhà chắc hẳn rất sung túc và viên mãn. Nhưng ở đó chỉ có một người đàn bà. Người đàn bà mặt buồn lúc nào cũng ngồi ở góc cuối vườn, hướng ra đường với ánh mắt mơ hồ. Đôi khi, những người hàng xóm tốt bụng vẫn phải tự gỡ cánh cổng luôn đóng kỹ để vào chạm lên người chị. Họ sợ cứ để yên như thế thì người đàn bà sẽ hóa đá mất.
Cái thị trấn quá nhỏ bé nên chẳng chuyện gì qua được mắt ai. Ngay như chuyện vặt cô Tám nhà ông Mại bị bệnh “thích soi gương”, hay cô Lĩnh nhà ông Tý có mỗi cái quần tây đỏ khi khâu thành ống túm, lúc mở thành ống bát, ban đêm diện vào bảnh như hàng hiệu... cũng được bàn tán hết ngày này qua tháng nọ. Chẳng có gì làm lạ khi mọi người lưu tâm đến một gia đình có mấy đời lưu lạc sang đất Thái.
Thơ là con duy nhất của gia đình ấy.
Mọi tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc đều dồn cho cô. Tấm lòng của người làm cha mẹ thì trời biển, Thơ đôi khi cảm thấy ngột ngạt trong sự bảo bọc thái quá. Chân trời chỉ rộng mở khi cô bước chân vào đại học.
Cô nổi bật trong lớp về nhan sắc. Và khi một tiến sĩ vẫn còn è cổ đạp xe đi dạy học, thì cô đã có Hon-da để cưỡi chơi. Nhưng Thơ thích ở trong cư xá. Cô có lối sống giản dị, cách ăn mặc và cư xử nền nã chỉ người thật tinh ý mới nhận ra cô là hàng khuê các. Cây si những tối cuối tuần vẫn nối dài trước cửa phòng cô, có kẻ chỉ lẳng lặng ngắm cô qua ô cửa chật hẹp của phòng trọ rồi rút lui. Tối nào Thơ đi vắng, những bông hồng vô danh được bí mật ném từ ngoài vào nằm sóng sượt trên giường ngủ của cô có khi gom thành bó.
Thơ rất kín kẽ trong chuyện riêng tư. Má lúm đồng tiền duyên dáng và đôn hậu như vẫn chưa dành riêng cho ai. Cô chuyên tâm học tập và luôn trong nhóm dẫn đầu lớp. Niềm vui say của cô có chăng là những vũ điệu uyển chuyển mê hoặc. Thơ trong trang phục thiếu nữ Thái giống như một vũ nữ thực thụ, khi cô hóa thân vào điệu múa thì đến trái tim vô cảm nhất cũng phải rung động. Lẽ dĩ nhiên sau mỗi đêm văn nghệ tiếng tăm của cô lại càng bay xa hơn. Bọn con trai như một lũ ong vo ve lắm khi gây phiền phức cho sinh hoạt và học tập của cô.
Thực ra thì Thơ đã có chỗ buộc trái tim mình. Cô chưa thể công khai chuyện yêu đương vì một lẽ gia đình cô chắc chắn không để yên bởi còn quá sớm để nói chuyện đó. Cha mẹ muốn xong chương trình đại học, Thơ tiếp tục đi du học và đến đâu sẽ do họ quyết định. Một người nhạy cảm, và hiếu thảo như Thơ răm rắp nghe theo lời cha mẹ cũng là điều dễ hiểu. Cô không tranh cãi cha mẹ mà dự tính khi cả hai cùng ra trường, trở về quê hương sẽ chính thức ra mắt hai bên như “một sự đã rồi”.
Một nửa của Thơ là kỹ sư máy tính tương lai, đang là ngôi sao sáng giá của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai đứa chỉ gặp nhau vào mỗi kỳ hè, mọi liên lạc đều qua thư từ. Có lẽ là Thơ rất yêu và rất hạnh phúc, bạn bè ai cũng đoán thế bởi mỗi khi nhận thư Quỳnh, cả ngày Thơ dường như không ngớt tiếng cười đùa. Thơ sống tốt và luôn giúp đỡ bạn bè vì thế mà mọi người đều quan tâm và mừng thay cho cô.
Thơ thu xếp về thăm nhà trước khi bắt tay vào làm luận văn tốt nghiệp. Cô chuẩn bị nhiều quà hơn mọi lần và nói đùa với đám bạn: “Thấy tau không vô, bọn bay cứ đến nhà hắn mà tìm là có ngay đó!”. Quỳnh là người cùng huyện, nhưng khác xã, nhà cách nhau bảy cây số. Lần này Thơ có ý bất ngờ về thăm nhà chàng, vì nghe đâu bà mẹ đang ốm nặng.
Thơ đi rồi, phòng trọ còn có chín đứa mà buồn hẳn. Ai cũng mong cô mau chóng trở lại và có một người ngày nào cũng đến mang theo mấy khóm thạch thảo, bâng khuâng đứng mãi trước cửa phòng. Thơ đi lâu hơn dự định, và cũng là không nên vào thời điểm kỳ thi tốt nghiệp đã cận kể, phải hơn tuần sau Thơ mới trở lại giảng đường. Thật là ngoài sự tưởng tượng, cô gầy tọp đi, da tái mét và ai hỏi gì cũng im lặng. Bạn bè chỉ đoán già đoán non, nhưng thấy lý do nào cũng không thỏa đáng với sự thay đổi và suy sụp của Thơ.
Kỷ niệm ngày thành lập trường tổ chức khá rầm rộ. Sinh viên các khóa về tụ họp rất đông đủ. Lớp Thơ không vắng mặt ai. Sau năm năm ra trường, số phận mỗi đứa đều đã được định đoạt, khác nhau vô kể. Sự sung túc, viên mãn thường thích phô trương, rất dễ nhận diện. Người tự trọng hay che giấu cái nghèo và sự bất hạnh, bởi những cái nhìn dò xét ra vẻ tội nghiệp như muối xát vào vết thương đang sưng tấy. Thơ xuất hiện sau cùng, tệ hơn lần cô trở về thăm nhà ngày gần thi tốt nghiệp. Gầy không thể gầy hơn được nữa, da mặt đầy tàn nhang và nếp nhăn.
Má lúm đồng tiền như sâu hơn mà nụ cười ơi là héo hắt. Thơ gợi cho bạn bè sự thương hại. Còn cô vẫn chỉ im lặng. Tuy nhiên, bạn bè đều đã biết nguyên nhân khiến Thơ thay đổi cực độ. Họ chỉ ngạc nhiên vì sao Thơ phải đau khổ và tự hủy hoại mình lâu đến thế. Trong tình yêu chẳng phải có ngàn lẻ một lý do để người ta phụ bạc nhau đấy sao. Hắn muốn bước nhanh hơn đến đỉnh cao danh vọng, hắn đã chọn con gái sếp, chứ không phải Thơ, cũng là đương nhiên. Nhưng cô thì lại không thể quên người con trai đã làm trái tim mình tan nát.
Chuyến đến thăm bất ngờ nhà người yêu ngày ấy, trên con đò nước đỏ quạch màu núi vỡ, Thơ vô tình biết vùng quê bên kia sông vừa có một đám hỏi lớn chưa từng có. Người kể chuyện mang vẻ đầy tự hào, Thơ nhìn kỹ hơn, ngờ ngợ và sau biết đích xác là chị gái Quỳnh!
Thơ tốt nghiệp loại giỏi, được giữ làm giảng viên của trường, nhưng cô lại chọn ngôi trường nhỏ quê mình. Ở quê con gái ngoài hai lăm đã gọi là ế. Cô vẫn là con gái cưng nhỏ bé dù tuổi đã ba hai. Không ai thấy cô giao du với người khác phái. Thi thoảng mới thấy thanh niên đến chơi nhà Thơ. Hàng xóm đều yêu quý, kính nể cô giáo Thơ nhưng cô lúc nào cũng nghiêm nghị khiến trai tráng chẳng ai dám gần.
Thị trấn nhỏ như lòng bàn tay. Gần như không thêm đàn ông mới nào ngoại trừ số đến ở rể. Người con trai cuối cùng đặt vấn đề với Thơ, bị cô từ chối thẳng thừng, đã hai đứa con. Thơ trở thành gái già mà không biết, cô chỉ giật mình khi có người đàn ông đã ly hôn, xin cưới cô. Cái giật mình muộn màng đến nỗi bạn bè dù thương mấy cũng chỉ còn cách chờ xem đám nào đứt gánh giữa đường thì mối lái cho cô vậy.
Nhưng một ngày, cả thị trấn nhỏ bé như bừng tỉnh khi thấy Thơ diện lại bộ váy cô mặc đẹp nổi bật thuở nào. Trong lòng Thơ đang nhen nhúm niềm hy vọng. Đám hỏi, rồi đám cưới Thơ diễn ra nhanh đến mức làng nhỏ vẫn có người chưa kịp biết. Thơ theo chồng về một nơi xa không có ai thân thích. Người chồng, đã qua một lần đò, nhưng còn hơn trai làng vừa nghèo, trình độ lại thua kém. Đó là người thầy cũ ở trường trung học. Anh ta là giáo viên giỏi, chỉ có tính khí hơi khác thường, hồi ấy học trò gọi là “ông hắc”.
Thơ yên phận, chẳng còn chuyện để đồn đại, bàn tán nữa, những kẻ rỗi hơi thị trấn như rảnh buồn, quay sang đâm bị thóc chọc bị gạo mấy chị em ở quầy cắt tóc, gội đầu. Cà kê với mấy cô này, họ lại biết chuyện Thơ, loa phát từ mấy cô đi học làm đầu về…
Nhà anh chồng ba tầng, xây đẹp, đầy đủ tiện nghi vì anh ta khá thành đạt. Song Thơ không thấy thoải mái. Nhất là trong phòng ngủ. Những màu sắc phối hợp gây cảm giác nóng nảy, bức bối. Nhưng cũng không quan trọng khi Thơ lần đầu tiên biết đến mùi đàn ông. Bản năng trỗi dậy mãnh liệt. Cộng thêm khát khao lớn lao về một sinh linh bé nhỏ…
Nàng Lọ Lem khép mình trong ngôi nhà cổ đã có Hoàng tử cưỡi Bạch mã đến rước. Nhưng phần kết câu chuyện lại không có hậu. Thơ chỉ được làm đàn bà đúng ba ngày thì phải vào viện chăm chồng trong cơn nguy kịch.
Anh chồng nằm liệt, mọi sinh hoạt đều tại chỗ. Bón từng thìa nước cháo. Suốt ngày lau mũi dãi thòng lòng trên khuôn mặt sưng vù méo xệch. Thơ như cái dẻ lau cũ nhàu bị vò vứt đi mang ra dùng lại. Ba tháng sau anh chồng thoát lưỡi hái tử thần, nhưng mọi sinh hoạt thì không được như trước. Thơ lúc này như một Ô-sin thực thụ, hầu hạ kể từ chuyện đi vệ sinh. Thơ cạn sức và cũng chẳng còn nước mắt để mà khóc. Thi thoảng mới có buổi tối rảnh, ấy là khi anh ta ngủ sớm, cô bắc ghế ra ban công ngồi nhìn xuống lòng phố còn ngổn ngang đá gạch xây dựng của những nhà bên cạnh.
Phố của khu định cư mới vắng và trơ trụi một cách chán chường. Thơ không muốn để tâm tư và tình cảm trôi dạt về miền ký ức, nên thoảng nghĩ một chút, cô liền trở ngay vào nhà, lau dọn đồ đạc, giặt giũ quần áo với một cái đầu trống rỗng. Cuộc hôn nhân chẳng qua là sự gắn kết của hai kẻ cô đơn, có chăng một chút mơ hồ cảm giác thán phục thuở học trò. Thơ cố đem cái ảo giác đó để lừa dối mình và lẽ ra cô đã có thể làm một người vợ tốt. Chỉ có điều, đến khi anh chồng tự lực được, thì tính khí càng ngày càng kỳ quặc.
Thơ gần như phát điên loạn vì chẳng biết phải sống thế nào, khi mỗi ngày anh ta trở về nhà đều kẹp theo đứa con gái trẻ hơn mình mấy chục tuổi. Chẳng phải cố nài néo gì. Cô cần một đứa con. Đứa con ấy phải có cha đàng hoàng, vì thế cô đã bất chấp cả sự sỉ nhục lăn xả vào người đàn ông quỷ quái. Nhưng đêm nào sau khi dọn dẹp xong, cô cũng bị đẩy khỏi phòng như một con điếm hết đát.
Một ngày đầu đông. Thị trấn nhỏ xiêu vẹo sau cơn bão. Nhiều người còn chưa hết lo ngày mai liệu có ra chợ được không, hay lại rúm ró trong nhà nghe mưa gió gào rú trong khi túi tiền đã cạn dần. Thơ trở về…
Cha mẹ cô đã lần lượt qua đời chỉ trong một năm, sau ngày cô lấy chồng. Gia đình không có bạn bè thân thiết, không ai biết cặn kẽ sự ra đi vào tuổi năm lăm của họ. Chỉ đoán hình như họ quá ân hận, đau khổ thay cho đứa con gái. Họ đã quá xét nét mọi quan hệ của Thơ, gây sức ép nặng nề tâm lý cô về chuyện lấy chồng phải là người môn đăng hộ đối. Thơ về lại quê nhà là sự quá đỗi ngạc nhiên đối với kể cả những người thân thiết và yêu quý cô. Chính Thơ đã từng có lần bộc bạch, dù chết thì cũng không về làng nữa.
Cô sợ sẽ phải đối diện với những cái nhìn thương hại, sợ phải nghe những lời đay nghiến của những gia đình trước đây muốn kết sui gia với nhà cô, nhưng bị cha mẹ cô từ chối một cách kẻ cả. Hơn hết, cô vẫn bị ám ảnh bởi hai chữ Danh giá. Nó đã được cha mẹ truyền vào máu thịt cô, cho cô sức lực chống chọi với mọi cám dỗ, tỷ như có một đứa con. Khao khát cháy bỏng và chính đáng, nhiều bạn bè khuyên hãy thực tế một chút. Nhắm mắt đại một lần. Thời giờ ai cũng xoay như con chong chóng, hơi đâu bận tâm chuyện người khác. Cũng chẳng còn khắt khe với chuyện “không chồng mà có con”, nhất là hoàn cảnh Thơ. Nhưng cô lại không thể làm chuyện đó với ai khác ngoài người gọi là chồng!
Cô hoàn toàn thất bại với kế hoạch có con thời hiện đại. Thơ trở về. Cô bước dè dặt trên con đường nhỏ đã gắn bó suốt thời thơ ấu. Cả làng kết tội cha mẹ cô, vì sĩ diện hão mà đẩy cuộc đời Thơ ra nông nỗi này. Nhưng rất lạ là sau bao nhiêu biến cố, cô vẫn không hề trách cứ hay oán hận cha mẹ. Về chiều cánh đồng làng thường vắng hơn, nghĩa địa bên cạnh heo hút, rờn rợn.
Nhưng đã thành lệ, Thơ vuốt ve mãi hai bia mộ một thời gian dài không có người chăm sóc, đã bị nắng mưa tàn phá. Dường như ngày nào cũng có cuộc trò chuyện rất lâu giữa họ. Thị trấn quen dần với hình ảnh này. Chuyện về Thơ không còn nhưng nhức làng nhỏ nữa, kể cả khi cô sắp biến thành đá trong ngôi nhà-chùa vẫn còn sót lại những diềm đăng ten ánh vàng.