.

Đàn ông và men!

Phụ nữ phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng không mấy ai uống rượu, nghiện rượu. Thi thoảng vì một lý do nào đó phải đến với chén rượu ly bia thì chị em cũng có chừng mực, không ồn ào ầm ĩ cạn hết ly này ly khác như các đấng mày râu.

Người ta ngờ rằng trong các loại rượu thì hình như cocktail là thứ rượu do đàn ông sáng tạo ra để dụ dẫn đàn bà! Bởi thế nên tiêu chuẩn đầu tiên của ly cocktail là phải đẹp, hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi vừa chạm môi vào thành ly mùi thơm tinh tế phải chinh phục ngay đối tượng. Và cuối cùng, vị rượu không thể không mê hoặc kẻ đã trót vương vấn với nó! Rượu cocktail đẹp và ngọt ngào, tưởng nhẹ nhưng coi chừng say lúc nào không hay, nó là cái bẫy được ngụy trang kín đáo. Đã có ly đầu tiên thì tất phải có ly thứ hai.

Rượu là thứ thức uống không bao giờ làm người ta no hoặc chán nó. Được vài ly thì mắt em đã long lanh, đôi gò má đã ửng đỏ - nhưng nào ai mà biết đỏ do rượu hay do lý do nào khác!... Cũng chỉ từ một số lượng hạn chế các loại rượu phối hợp với một số nguyên liệu khác, hàng ngàn hàng vạn công thức pha chế rượu cocktail đã ra đời, minh chứng cho sức sáng tạo vô bờ bến của đàn ông dành cho đàn bà!

Đàn ông, nhất là đàn ông Việt, không mấy mặn mà với rượu cocktail (nhưng chẳng thể vì thế mà vội kết luận đàn ông Việt không biết cách nịnh phụ nữ hay “tinh vi” với phụ nữ!). Người Việt bao đời nay chuộng rượu nấu từ gạo, từ ngô, từ sắn, tức các loại rượu nấu từ ngũ cốc có tên gọi chung là vodka. Ngày nay khi rượu ngoại - Cognac, Whisky... xuất hiện và tham gia ngày càng nhiều vào menu uống hằng ngày thì đàn ông Việt cũng thường uống nguyên chất, không thích pha. Nói cách khác, đàn ông Việt ưa rượu mạnh, thích cảm giác mạnh.
 
Mà thực ra không chỉ với rượu, các thứ đàn ông nghiện khác như thuốc lá, cà-phê đều giống như rượu, đều cay đắng, không ít thì nhiều đều có hại, đều ảnh hưởng đến sức khỏe! Ngay cả đối với thể thao, đa số đàn ông cũng thích bóng đá, quyền anh, quần vợt - tức những môn thi đấu đối kháng, luôn tranh chấp, mà kẻ thắng bao giờ cũng là kẻ mạnh!

Công nghệ nấu rượu của người Việt nói chung là phải có men. Chất lượng rượu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có men. Nếu men rượu không tốt thì khó lòng có một mẻ rượu tốt. Thậm chí men có tầm quan trọng đến mức người ta gọi những anh nghiện rượu là “ma men”! Thật may trong cuộc sống không nhiều “ma men”, tuy không ngày nào mà cánh mày râu không hẹn hò quanh chai rượu vại bia, không có những gương mặt đỏ như mặt trời liêu xiêu trên phố! Nói chung, đàn ông Việt không làm gì thái quá hay nói đúng hơn đàn ông Việt gắn bó với gia đình, coi trọng sự yên ổn “hậu phương” của mình.
 
Đa số đàn ông Việt chia tay nhau khi vẫn còn tỉnh táo. Đa số đàn ông Việt đều ghi nhớ rằng một xị bao giờ cũng hơn một lít, rằng học trò phải hơn thầy - số lượng rượu phải vừa đủ để bà nhà còn khen chứ không đến độ không còn hay biết gì! Và cũng vì lý do này mà đàn ông Việt mềm môi với rượu thuốc. Loại này loại kia đủ thứ rỉ tai nhau đến mức bài thuốc “Cửu tử hồi xuân thang” của vị hoàng đế Trung Hoa xưa lắc xưa lơ cũng lần mò cho bằng được!

Liên quan đến men rượu, còn có khái niệm “men tình”. Rượu say cùng lắm một buổi một ngày, sau một giấc ngủ, là hết. Nhưng men tình mà đã say thì không hứa hẹn thời điểm kết thúc. Nó có thể là khởi điểm của hạnh phúc (nếu người say chưa vợ chưa chồng) và cũng có thể là đầu mối của tai họa. Ác một nỗi, không anh đàn ông nào không vướng vào men tình, chỉ là khéo giấu, giỏi giấu không mà thôi! Nhưng mà lạ, sao cứ thấy các bà chỉ cảnh giác, sợ chồng mình sa vào men rượu?!

HOÀNG

;
.
.
.
.
.