.

Dòng sông vẫn xanh

.

Truyện ngắn của LƯU CẨM VÂN

Chị vẫn nghĩ “Mình không có nhiều kỷ niệm để nhớ”. Cuộc sống cứ trôi về một phía êm ả, thi thoảng có một chút ồn ào nhưng rồi cũng chỉ đến thế, cuộc sống cứ trôi đi phẳng lặng. Chị bằng lòng với những gì mình có, một ngôi nhà nhỏ với mảnh sân và những chậu cây xanh, những bông hoa cũng nhỏ, màu sắc không rực rỡ.

 

Minh họa : TIẾN DŨNG

Chị không ưa những sắc màu chói chang như màu đỏ, màu vàng và đây là một trong những điều khác biệt giữa chị và chồng con. Chị chọn những điều đơn giản còn chồng con của chị thì thích nổi trội, ồn ào. Chị khác với những người yêu thương của mình nhiều lắm, nhưng cũng không sao vì chị vốn biết nhường nhịn, ít tranh cãi để khỏi làm mất hòa khí trong nhà. Cũng có lúc chị ấm ức vì cảm thấy phải nhường nhịn quá nhiều nhưng rồi chị lại nghĩ, chồng con của mình là người tốt, dễ thương, chị có thiệt thòi một chút cũng không sao.

Mọi người đều nhìn thấy chị là một người hạnh phúc. Chồng con của chị đều là những người thành đạt, họ thương yêu và tôn trọng chị, chồng chị chưa hề quên ngày sinh nhật của chị, đó cũng là ngày đám cưới của hai người. Năm nào anh cũng tặng hoa và quà rồi đưa chị đến một nhà hàng nhỏ, chọn một góc đẹp và yên tĩnh. Ở đó, hai người ôn lại chuyện cũ, chuyện của những ngày hàn vi để cảm thấy thương yêu nhau hơn. Câu chuyện sẽ không thiếu hai đứa con ngoan ngoãn xinh đẹp, biết thương yêu cha mẹ. Cả hai người đều cảm thấy mãn nguyện, tự hào vì đã nuôi nấng dạy dỗ cho đời hai con người thành đạt, giỏi giang.

Chị vẫn nghĩ, “mình chẳng cần những kỷ niệm cũ để nhớ về”, cho đến một ngày, điện thoại của chị reo lên và một giọng nói nửa lạ, nửa quen: “Chào Kim. Bằng đây!”. Chị chưa kịp “a” lên vì ngạc nhiên thì người bên kia nói tiếp, giọng vui vẻ “Ngạc nhiên phải không? Mình đang trên tàu lửa, sẽ đến Nha Trang sau vài giờ nữa. Gặp nhau nghe!”. Bằng tắt máy sau khi nói với chị nơi sẽ gặp nhau. Chị không kịp hỏi lời nào, cứ nhìn chiếc điện thoại ngẩn ngơ và bỗng nhiên nhớ lại nhiều thứ.

Nơi hẹn là một quán cà-phê nằm trên đường biển. Chị chọn một cái bàn ngẫu nhiên, ngồi đây chị có thể nhìn ra đường và chị sẽ nhìn thấy Bằng trước. Chị băn khoăn không biết mình có còn nhận ra bạn cũ không. Nhiều năm rồi, từ ngày ra trường bọn chị không hề gặp nhau, không hề liên lạc với nhau. Bằng bây giờ thế nào, mình có thể nhìn ra cậu ấy không nhỉ?

Nhưng Bằng lại là người nhận ra chị trước. Trong lúc bắt tay nhau, anh ghé tai chị nói nhỏ:
- Tôi nhận ra bà ngay. Trông bà bây giờ đẹp hơn hồi xưa.
Chị cười thật vui: Tôi cứ sợ không nhận ra ông, ông thì khác xưa nhiều nhưng tôi vẫn nhận ra ông.
- Bà không khác xưa bao nhiêu, có điều...

Chị ngắt lời bạn:
- Đừng nhắc lại là tôi đẹp hơn hồi xưa nữa nha!
- Chớ gì nữa. Hồi đó da bà đen hơn, lại nổi mụn, còn ốm nhom nữa.
Chị tò mò:
- Trong mắt mấy ông lớp mình hồi đó chắc tôi xấu hoắc hả? Hèn gì không có ai tán mình. Hồi đó tôi chưa hai mươi tuổi, con gái dậy thì tất nhiên mặt phải nổi mụn rồi. Hồi đó đi trọ học, ăn không đủ no, tôi có ba chín ký rưỡi, ốm là phải rồi!

Bằng cười thoải mái, giọng cười của anh vui vẻ nhưng vẫn hồn hậu như ngày nào:
- Và hồi đó bà ít nói, điều này chắc bây giờ khác rồi.
Ừ. Điều này cũng đúng, bây giờ chị tự tin nhiều hơn. Chị với Bằng nhắc lại lớp học cũ, gần bốn mươi con người đến từ khắp nơi trên đất nước. Lớp chị có vài người ở Huế, vài người ở Quảng Trị, có người ở tận Kon Tum, Pleiku. Chị cùng với ba người ở Nha Trang. Cùng quê Đà Nẵng với Bằng cũng có hai ba người. Có mấy chị ở tận Vĩnh Long, An Giang... Chị nói:
- Nếu mọi người còn ở đúng nơi như ngày xưa, bây giờ bọn mình đi du lịch khắp cả nước vui lắm, Bằng nhỉ?

Giọng Bằng chùng xuống:
- Anh Phan và Thảo mất rồi. Mấy người đó giỏi mà đi sớm, uổng quá.
Chị lặng đi một lúc rồi nhận ra mình không biết nhiều chuyện liên quan đến một phần quá khứ mà lâu rồi chị không nghĩ đến. Bằng nói về những người thầy cũ, những kỷ niệm thời đi học. Giọng chị bỗng hồ hởi:
- Ông nhớ thầy Trần không, hồi đó thầy nói cả bọn con gái lớp mình không bằng một cô Kiều. Một mình Kiều giá ba trăm lạng, còn con gái lớp mình hồi đó chẳng được ai. Ông thấy không, đâu phải mình tôi xấu.
- Hình như thầy Trần mất rồi. Kim này, bây giờ nhớ lại hồi xưa thầy Trần dạy Kiều sex quá!
- Chắc ông mới hiểu ra đây chứ hồi đó bọn mình con nít, biết gì!
- Mình Kim không hiểu thì có, hồi đó bà khép kín quá, đi học đúng giờ, tan học về liền
.
Chị ừ ừ... nhớ lại. Hồi xưa chị như vậy thật. Hình như lớp học ấy chỉ là chỗ ghé qua, chị không mặn mà lắm với những mối thâm tình. Đến lớp học chị chỉ ngồi một chỗ. Từ đó nhìn ra sân qua cửa lớp, mắt chị vướng phải một khóm trúc vàng, những giờ ra chơi mọi người sẽ tụ tập dưới khóm trúc trò chuyện, hát ca. Chị còn nhớ mấy cụm hoa giấy ở cửa lớp, hoa màu hồng nhạt mà chị không ưa. Chị rất đồng ý với ai đó bảo rằng hoa giấy là thứ “hữu sắc vô hương”.
 
Chỉ có một nơi mà thỉnh thoảng chị có ngồi cùng bạn bè, đó là khoảng sân cỏ ở trước giảng đường lớn. Bọn chị thường ngồi lẫn trong những ngọn cỏ cao quá đầu nghe đọc thơ hoặc đàn hát nghêu ngao. Ở đó, lần đầu tiên chị nghe đọc bài thơ “Nghe em vào đại học” của Giang Nam. Năm đó chị mới hai mươi tuổi, chưa có ý niệm nào về thơ ca cách mạng. Bài thơ đó được đọc thì thào, bọn con gái phải căng tai lên để nghe và thấy gai ốc cứ nổi lên. Nhiều năm rồi mà chị vẫn còn nhớ những câu thơ... “Có những buổi em học bài không thuộc. Anh không mắng nhưng em buồn em khóc. Thương em anh cố dỗ dành. Ráng học sau này cho được bằng anh”...

Chị hỏi Bằng: “Ông nhớ Thọ không? Thọ hay đọc thơ Giang Nam”.
- Nhớ. Anh ấy bây giờ sống cực lắm. Không còn đi dạy, mà nghe đâu hơi tưng tưng... là hơi hơi tâm thần một tí.
- Còn anh Nguyễn?
- Nguyễn vẫn là anh giáo viên cấp hai nhưng là người chuyên dịch chữ Hán, nhất nhì ở tỉnh.
- Giỏi quá. Hơn ba mươi năm rồi mà Nguyễn không học hành gì thêm sao? Hồi đó tôi nhớ ông ấy chuyên đi xem phim chưởng để học tiếng Quan Thoại. Cứ tưởng bây giờ ông ấy phải được gì nhiều hơn mới phải.
- Ông ấy vẫn gàn gàn như hồi trẻ... Còn Kim, nãy giờ không nghe bà tự kể gì hết!
- Tôi hả?
Chị cười cười. Tôi bỏ nghề lâu rồi, tôi đi dạy chưa được mười năm thì phải nghỉ!

- Sao vậy?
- Nhiều lý do lắm, nhắc lại chẳng vui gì. Nhưng bây giờ thì tôi vui lắm.
Chị lại có dịp nói về chồng con của mình. Thì bởi lâu lắm rồi, từ ngày bỏ nghề dạy học, chị chỉ biết có mỗi chuyện phục vụ chồng con. Mỗi ngày của chị là loanh quanh chuyện đi chợ, nấu cơm, giặt giũ quần áo. Chị có thể tỉ mỉ nói về con mình đã lớn lên như thế nào, chị nhớ rõ cả những câu nói ngây thơ từ khi trẻ con tập nói. Chị không cảm thấy buồn khi lui về phía sau và hài lòng khi cảm nhận được cái hạnh phúc êm ả trong gia đình bé nhỏ của mình. Chị hài lòng vì trong sự thành công của chồng con, chị cũng được góp phần, theo một cách nào đó.

Bằng hỏi chị:
- Bà có bao giờ nuối tiếc điều gì không? Tỷ như khi nghĩ đến công học hành bao nhiêu năm của mình.
Chị uống một ngụm cà-phê đã nhạt:
- Có người đã hỏi mình điều đó và hình như mình đã trả lời là không, còn bây giờ có lẽ nên suy nghĩ lại.
- Ừ, bà suy nghĩ đi, bao giờ xong kể lại cho tôi nghe! Chừng tháng sau, tháng sau bọn mình họp lớp về thăm thầy cô. Còn vài người sống ở thành phố, già lắm rồi, gặp lại bọn mình chắc thầy cô vui lắm.
Chị phấn khởi nhận lời hẹn với Bằng. Chia tay bạn cũ, mấy ngày sau chị vẫn còn cảm thấy vui, chị bắt chồng nghe đủ thứ chuyện mà chị vừa nhớ lại. Anh cũng lạ, lâu nay anh đâu nghe chị nói gì về cái lớp học cũ đó, bây giờ ngày nào cũng có chuyện gì đó chị vừa nhớ lại. Hồi đó chị khờ lắm, chị nhắc lại mấy lần như thế, khờ khạo đến nỗi bị lấy cắp tiền ở nhà trọ mà không dám nói với ai dù phải nhịn đói cả tuần để đi học. Những kỷ niệm xa lắc xa lơ bỗng dưng trở về, có khi làm cho chị mất ngủ cả đêm vì nhớ lại! Chị ôn lại từng tên người, từng câu chuyện vụn vặt và ngạc nhiên là ký ức của mình giàu có đến thế mà sao lâu nay mình không quan tâm đến nó.

Sau lần gặp Bằng, một vài người bạn trong lớp cũ gọi điện cho chị. Ai cũng mừng rỡ hỏi thăm đủ thứ, biết chị đã nghỉ dạy học từ lâu ai cũng tiếc rẻ. Điều đó làm cho chị đột nhiên lại suy nghĩ vì những điều Bằng đã nói. Tự nhủ lâu nay sao mình lại sống vô tâm với mình như thế. Chị lục lại tủ sách cũ, thấy còn rất nhiều sách vở thời học đại học. Những quyển tập dày chữ viết rất tháo, đó là vì hồi đó vừa nghe giảng bài vừa ghi chép. Nhưng một vài quyển giáo án còn giữ được thì rất đẹp. Chị gần như ngạc nhiên là lúc đó mình rất cẩn thận dù soạn bài giảng bằng nét chữ bay bướm. Chị đem khoe với chồng và lòng đầy tự hào về những năm tháng làm cô giáo.

Chị bồi hồi nhớ lại ngôi trường nhỏ nằm ven quốc lộ. Ngôi trường chỉ vỏn vẹn hai dãy phòng học nhưng có khoảng sân rất rộng. Trong sân trường có mấy cây bàng cao, mùa đông đến là rụng đỏ cả sân. Ở trước căn phòng tập thể của giáo viên còn có một cây phượng nhỏ, năm đó chỉ vừa nở hoa mùa đầu tiên. Những đứa học trò nhà quê hiền hậu, học hành chậm chạp nhưng lại đầy quyết tâm. Ôi! Sao lại có nhiều thứ để nhớ đến thế. Chị sống chung với kỷ niệm và nhớ vì sao mình lại bỏ nghề. Ngày ấy chị cũng rất khổ tâm khi phải lựa chọn, những năm tháng khó khăn và cuộc sống gia đình đã không cho chị tiếp tục sống với nghề mà mình đã chọn và yêu quý. Chị đã tự hứa là qua bước ngoặt đó sẽ trở lại trường học, nhưng rồi mỗi bước mỗi xa và chị đã không muốn nhớ lại khoảng đời ấy để khỏi phải hối tiếc.

Lần gặp Bằng như một cơn sốc khiến cho chị phải ngoảnh nhìn lại cuộc đời của mình đã sống qua. Buồn vui đều có đủ nhưng ngần ấy thứ không đủ làm cho chị chao đảo bằng cuộc sống đang hiển hiện đây. Mỗi ngày đi chợ, cảm thấy túi tiền mình nhẹ tênh. Mớ rau tuần trước mới hai ngàn bây giờ thành sáu ngàn. Thịt bò hơn mười ngàn một lạng, thịt heo bảy ngàn và phải ba, bốn chục ngàn mới mua được một ký cá nục. Chị phải loay hoay làm một bài toán để cân đối thu chi trong nhà. Đến bữa cơm chị lại tỉ tê với chồng chuyện giá cả. “Anh à, một tô phở buổi sáng mười lăm ngàn! Chắc ăn xôi thôi!”. Anh nói: “Thôi kệ, mình già rồi ăn sao cũng được”.

Đến bữa ăn, nhìn cơm nguội thừa, chị lại ca cẩm với con: “Gạo mười ngàn đồng một ký. Có người không mua nổi để ăn, đừng phí quá con à!”. Đứa con lại ậm ừ, chẳng quan tâm. Chị một mình thêm bớt, tính toán đủ thứ, mệt nhoài. Khi bực bội không thèm tính toán, chị mua đại thứ gì đó cho xong. Đến bữa nhìn chồng con thờ ơ với đĩa rau luộc, con cá kho, chị lại thấy mình như có lỗi.

Lạy trời, chị cũng nghĩ ra là không có gì ghê gớm, mọi thứ chỉ như một cơn chấn động nhẹ vài giây của Trái đất. Cũng nhờ vậy chị lại thấy mình cũng vất vả lắm, cũng rất cần thiết cho chồng con. Cái gia đình của chị có yên ả thì xã hội có thêm vài con người hạnh phúc để sống yên tâm mà cống hiến cho đời.

Thỉnh thoảng chị lại nhớ cái hẹn của Bằng, hình như nó đã trôi qua. Chị không nôn nao lắm, khi nào gặp Bằng lần nữa, chị sẽ nói với Bằng rằng chị chẳng có gì phải hối tiếc khi đã sống tốt và sống hạnh phúc. Chị không có nhiều thế hệ học trò như Bằng nhưng chị cũng có nhiều thứ để sống thật vui vẻ và tự hào.

Chị sẽ nói với Bằng rằng: “Cuộc đời như dòng sông, có lúc phải vượt qua lắm thác ghềnh nhưng cũng có lúc trôi êm ả vô cùng, dòng sông bây giờ cũng trong veo để mang vào lòng bóng hình của trời mây, của cây cỏ xinh tươi ở những nơi nó đi qua”.

Mỗi buổi trưa, khi rỗi rảnh ngồi ở hiên nhà hong tóc bằng từng làn gió nhẹ. Nhìn những bông nắng nhảy nhót trên sân và cánh bướm tung tăng trên mấy cành hoa nở hồng rực rỡ, chị lại thấy cuộc đời đáng yêu làm sao. Năm tháng đã đi qua và sẽ đi qua như thế.

L.C.V 

;
.
.
.
.
.