.

Gập ghềnh kinh doanh sách

.

Thị trường sách Đà Nẵng có “đủ mặt anh tài” với những tên tuổi lớn như Nhà sách Cảo Thơm, Phương Nam, Công ty cổ phần Sách Đà Nẵng và nhiều nhà sách lớn nhỏ khác nhau phục vụ cho một thành phố chưa đến 1 triệu dân.

Không thể nói là sách ít nếu so với hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng giới kinh doanh sách và nhiều bạn đọc yêu sách vẫn thấy Đà Nẵng thiếu sự “đam mê” thực sự để thị trường sách có thể sôi động nhờ vào sức tiêu thụ cũng như các câu lạc bộ dành cho người đọc sách.

Cần mới mua!

Ngoài các tựa sách mới, Nhà sách Cảo Thơm đầu tư có chiều sâu mảng sách lịch sử, triết học và sách cổ quý hiếm.


Nhiều người bỏ thói quen đọc sách và “đổ” lỗi cho công việc bận rộn, các phương tiện truyền thông, Internet... Không đọc sách một ngày, người ta vẫn “không hề gì”. Nhiều ngày như thế trôi qua, bạn vẫn sống bình thường, khiến việc gần cuốn sách trở nên xa vời. Nói một cách khác, là có một kho báu (dù vô hình) rất đáng giá mất đi, mà không ai để ý, đó là tri thức, là sự tụt hậu so với những người bổ sung kiến thức từ sách. Nhưng, cuộc sống vẫn tiếp diễn...

Có một đặc điểm chung của thị trường và người mua mà những người kinh doanh sách tại Đà Nẵng đưa ra là “vẫn có người thích đọc sách, nhưng cần mới mua!”. Trong tỷ lệ sách bán ra thì Nhà sách Cảo Thơm có 50% (sách văn học), Nhà sách Fahasa 35% (sách văn học) và 40% (sách tham khảo), Nhà sách Phương Nam 55% (cả sách tham khảo và sách văn học), với những nhà sách khác thì lượng sách tham khảo bán ra bao giờ cũng lớn hơn các loại sách khác.

Giải thích về sự đắn đo khi mua sách của độc giả, nhiều người cho đó là do tính “thắt lưng buộc bụng” của người miền Trung - những thứ cần thiết mới đưa vào danh mục chi tiêu. Nhưng khi xem đến đối tượng mua sách thì người tiêu dùng Đà Nẵng cũng không khác những nơi khác. Thường xuyên đến nhà sách, mua sách và biết được các đầu sách mới xuất bản, dẫn đầu vẫn là giới học sinh-sinh viên; đứng thứ hai là những người về hưu và cuối cùng là giới cán bộ, công chức.
 
Nhưng có một thực tế là những người hay mua sách, thường xuyên tiếp cận với sách lại có thu nhập thấp nhất; những người đã về hưu luôn cân nhắc khi mua sách (chọn các loại sách chính trị, lịch sử) và nhóm những người có thu nhập cao, ổn định đang là công chức lại ít quan tâm đến sách nhất. Mỗi năm họ chỉ mua 1-2 quyển sách, chủ yếu là sách kinh tế, có liên quan đến công việc đang làm. Trong nhóm này cũng có một số mua những cuốn đang được dư luận quan tâm, bàn tán và số sách mua cũng không nhiều.

Thị trường sách ảm đạm

Mảng sách ngoại văn của Fahasa cũng trở nên “yếu thế” trước thị trường ở Đà Nẵng.


Trừ Nhà sách Cảo Thơm có hội sở tại Đà Nẵng, thực hiện liên kết với các nhà xuất bản có uy tín để làm sách, đóng logo thương hiệu ở bìa sách. Mỗi cuốn sách mới ra mắt do Cảo Thơm thực hiện nhanh chóng có mặt tại thị trường này khi mới “ra lò”. Còn những nhà sách khác như Phương Nam, Fahasa đều là chi nhánh của các công ty, nên với mỗi đầu sách mới ra ít nhất phải 3-5 ngày sau mới có mặt trên giá sách. Như thế là đã rất sớm so với cách đây hơn 2 năm, có thể đáp ứng được nhu cầu người đọc. Nhưng sách vẫn chưa thể xâm nhập vào nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Công Hải, Cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa Đà Nẵng cho biết: “Fahasa có một chiến lược đa dạng, sách gì cũng có để tiếp cận được với tất cả các đối tượng bạn đọc. Nhưng tôi thấy ở đây người ta luôn cân nhắc trong chuyện mua sách. Và thế mạnh của Fahasa là sách ngoại văn thì ở Đà Nẵng còn yếu. Chúng tôi chỉ tập trung vào sách thiếu nhi, giáo trình học, từ điển và một số sách tham khảo. Trong khi ở thành phố Hồ Chí Minh có hẳn nhà sách Xuân Thu chuyên sách ngoại văn. Gần đây chúng tôi tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng người tiêu dùng chỉ quan tâm đến những thứ có chương trình khuyến mãi”.

Lý giải về chuyện độc giả cân nhắc khi mua sách, theo ông Lưu Văn Tuyến, Giám đốc Chi nhánh Công ty Phương Nam, là do tình hình kinh tế đang trong thời điểm khó khăn. Mỗi năm doanh thu của Chi nhánh Phương Nam đạt khoảng 13 tỷ đồng (trong đó 55% là doanh thu của sách), nhưng 6 tháng đầu năm 2008, tỷ trọng chỉ đạt 32%, do cơ chế đặt hàng thiếu. Như thế không có nghĩa là độc giả quay lưng với sách, mà họ kén chọn hơn. Ông Hoàng Ngọc Lộc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sách-TBTH Đà Nẵng còn gọi tên sự chững lại của thị trường sách: Người đọc sách ngày càng ít một phần là do kinh tế, phần còn lại là do văn hóa đọc có chiều hướng đứng, không phát triển.

Hiện nay, giá sách tăng khá cao so với cách đây khoảng 5 năm. Do giá giấy tăng cao (tuần vừa qua giá giấy tăng từ 17 lên đến 24 triệu đồng/tấn), giá mua bản quyền sách tăng, số lượng in và phát hành ít (mỗi tựa khoảng 1.000 cuốn)... Như vậy, người đọc càng “so đo” túi tiền khi lựa chọn mua sách. Trong khi các nhà sách luôn đưa ra một mức giá hấp dẫn cho người đọc, như từ tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm bán sách giảm giá: Giảm 10% sách giáo khoa và 20% cho các loại sách tham khảo ở tất cả các nhà sách. Riêng Nhà sách Cảo Thơm vẫn giữ chiến lược kinh doanh: Giảm 10 - 20% các loại sách văn học, sách tham khảo, để tất cả bạn đọc đều có cơ hội đến với sách. 

Những người làm sách, kinh doanh sách ở Đà Nẵng chia sẻ: Ở Hà Nội, phố sách Đinh Lễ vào những ngày cuối tuần thực sự sôi động trước nhu cầu của bạn đọc. Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng tương tự, đặc biệt là những dịp có hội chợ sách, người ta đi mua sách với số lượng lớn, chưa kể người đọc ở các tỉnh lân cận đổ về. Đà Nẵng, thị trường sách có vẻ đìu hiu như chợ chiều. Trong khi đó các thư viện quá ít (ngoài thư viện Khoa học tổng hợp, chỉ có 3 quận, huyện có thư viện), thư viện trường học quá nhỏ, kinh phí hạn hẹp nên vấn đề đầu tư ở đây cũng không thể thúc đẩy thị trường.

Vừa kinh doanh vừa phát triển văn hóa

Các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa phẩm hiện nay phải tự thân vận động, vừa kinh doanh vừa phát triển văn hóa, không hề nhận được sự hỗ trợ nào từ các cấp. Ông Nguyễn Quý Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Việt Thường - Nhà sách Cảo Thơm cho rằng, những cuốn sách giúp làm nền tảng, nghiên cứu có chiều sâu ít được quảng bá, ít được các giáo viên quan tâm giới thiệu đến học sinh, sinh viên, như các mảng sách xã hội học.
 
 

“Gặp được một quyển sách hay, nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì bạn cũng cần đến nó”.

(cố Thủ tướng Anh Winston Leonard Spencer Churchill )

 
Triết học là chìa khóa mở ra mọi vấn đề nhưng sách triết rất ít người đọc... Sách sử học cũng ít được quan tâm, thậm chí là lịch sử địa phương cũng ít được biết đến. Ngoài câu lạc bộ Những người yêu sách được Cảo Thơm thành lập tháng 4 năm nay, Đà Nẵng chưa hề có một câu lạc bộ thứ 2, làm công tác quảng bá, quy tụ những người yêu sách. Thị trường sách cho thiếu nhi thì chỉ bán được truyện tranh, trong khi lứa tuổi này cần ươm mầm văn hóa đọc, xây dựng một thói quen đọc sách, giúp các em tiếp cận với những quyển sách kinh điển.

Trong khi thư viện trường học có số lượng sách rất hạn chế, thì mỗi gia đình đã không duy trì tủ sách gia đình. Tầm quan trọng của nó không được quan tâm, thì trình độ văn hóa, thói quen đọc sách vì thế cũng làm hạn chế niềm đam mê sách ở mỗi con người. Thay vào đó, người ta đọc sách theo cảm tính. Dù ai cũng cho rằng đọc sách nhiều sẽ giúp trí tưởng tượng phong phú hay “đọc một quyển sách hay còn như sống hẳn một kiếp khác vì được làm bạn với thánh hiền”, nhưng nhận được chân giá trị đó, cần có thời gian để văn hóa đọc thực sự phát triển và xem đọc sách là việc cần thiết trong đời sống mỗi con người.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.