.

Miễn phí... hơi phí!

.

Không tốn tiền mua vé, được vào rạp xem phim có máy lạnh mát mẻ... Vậy mà nhiều em nhỏ thành phố Đà Nẵng lại “làm lơ” với chương trình phục vụ phim hè miễn phí.

Vừa cũ vừa... cà giựt

Suốt hơn 10 năm qua, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng là nơi duy nhất, thường xuyên chiếu phim hè miễn phí cho thiếu nhi tại rạp Lê Độ. Năm nay, đợt phim hè kéo dài đến hết tháng 8 với danh sách hàng chục phim. Thế nhưng, hầu hết đều là phim hoạt hình nước ngoài và cổ tích Việt Nam đã cũ. Hơn nữa, các phim được chọn chiếu chỉ phù hợp với trẻ em 7, 8 tuổi. Những em lớn hơn khó chọn thấy phim yêu thích. Nếu những năm 90 trở về trước, có những suất chiếu “không còn chỗ chứa” (thu hút 300 em), thì nay, mỗi em “nằm” dài 2, 3 ghế vẫn còn rộng chỗ.

Rất nhiều hàng ghế trống...

Các suất chiếu đều bắt đầu lúc 7 giờ 30 sáng thứ bảy và chủ nhật. Tuy nhiên, đến hơn 8 giờ, khi bộ phim “Tay súng thiện xạ” (phim hoạt hình, chiếu vào sáng ngày 6-7) đi được gần nửa chặng đường, một vài em nhỏ vẫn còn thong thả bước vào. 30 con người (kể cả phụ huynh) lọt thỏm trong rạp. Khi các nhân vật hoạt hình đang diễn “ngon trớn” bỗng dưng... hết phim. Màn hình hiện lên chữ DVD Tiến Đạt. Cả rạp nhốn nháo không hiểu đang có chuyện gì, nhưng không em nhỏ nào bỏ ra về vì đoán chắc có sự cố nào đó. Nghe tiếng ồn ào khác thường, hai nhân viên kỹ thuật bước vào “làm vài động tác” và bộ phim được tiếp tục.

15 phút sau, cũng đang khúc cao trào thì thêm một “cú” tắt ngang cái rụp. Trẻ em la ó, phụ huynh... cười trừ. Một vài bà mẹ nhìn đồng hồ thấy đã 8 giờ 30 tưởng cứ đúng giờ là rạp dừng chiếu nên dắt con đứng lên ra về. Ai ngờ, đi được vài bước lại thấy nhân viên kỹ thuật nhanh chân chạy vào. Vài em ngồi gần máy chiếu nhìn các chú là biết ngay phim chưa hết. “Còn nữa! Được rồi!”, trẻ con mừng rỡ reo lên và các bà mẹ quay trở vào coi tiếp.

Dù bộ phim hoạt hình Mỹ kể về chú chuột nhỏ nhắn, thông minh, dũng cảm vượt qua bao trò gian ác của chú mèo bự con đã không còn xa lạ với thiếu nhi Việt Nam, nhưng xem phim, các em vẫn cười nghiêng ngửa. Một cô bé nhìn sang mẹ nói: “Tuần sau lại cho con đi nữa”. Ra về, các em tranh nhau xúm xít quanh bảng giới thiệu phim để biết hôm sau có gì hay.

Trẻ em chỉ được coi phim hay khi người lớn “tranh thủ”.

So về chất lượng, phim nhựa “chênh” phim đĩa khá nhiều. Phim nhựa đòi hỏi máy móc tối tân hơn, chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt hơn. Trong khi đó, đĩa phim chiếu tại rạp Lê Độ lại không phải đĩa gốc, kèm thêm máy móc hạn chế nên độ sống động thua cả ti-vi ở nhà.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng cho biết: “Mỗi lần có phim nhựa, số lượng trẻ đến rạp tăng đột biến. Tuy nhiên, phim nhựa không phải là phim Nhà nước cấp, mà phải thuê của các hãng với giá đắt nên không thể chiếu thường xuyên cho các em được. Một vài bộ phim nhựa đã chiếu, chẳng qua là phim bán vé rộng rãi, nhưng xét thấy nội dung phù hợp với trẻ em nên chúng tôi tranh thủ cho các em xem”.

Cũng theo vị lãnh đạo này, việc tuyên truyền hoạt động chiếu phim miễn phí khó có thể ra ngoài phạm vi những thông báo gửi Ban chỉ đạo hoạt động hè tại các quận, huyện. Bởi kinh phí không cho phép quảng cáo rộng rãi trên các kênh khác.

Mỗi dịp hè, số trẻ em đến và được đến rạp xem phim miễn phí lại giảm. Vì bố mẹ không có thời gian đưa con vào rạp xem phim. Vì các phương tiện nghe nhìn khác phong phú, dễ dàng sở hữu hoặc sử dụng. Và thêm một lý do nữa, đó là sự lạc hậu của phim miễn phí so với nhu cầu thưởng thức của trẻ em ngày nay.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.