.
NGHỆ SĨ TƯ CHÂU:

Trăm năm còn lại chút này

.

Ông Tư Châu tên thật là Nguyễn Châu, sinh năm 1907, người làng Nghi An, nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Lớn lên giữa một vùng đất có nhiều người giỏi nghề nhạc cụ dân tộc, ông dần dần bị cái lả lướt của tiếng kèn, sự giòn giã của tiếng trống, nét luyến láy của đàn cò... cuốn hút. 12 tuổi, ông bắt đầu làm quen với cặp roi trống (tiếng trong nghề chỉ cái dùi trống) với người thầy đầu tiên là ông Tư Nhàn.

Nghệ sĩ Tư Châu ( đội khăn đóng ) trò chuyện với nhạc sĩ Trần Hồng

Nhà ông cách không xa nhà ông Thông Phiên - tên người trong làng gọi nhà chí sĩ Thái Phiên. Khi ông Thông Phiên ngầm xúi dân làng đứng ra tranh chấp đất đai với tay Tây Kho bạc là Gravelle bằng cách nhảy xuống hố trồng cà-phê nằm vạ thì ông còn bé tí tẹo. Đến khi ông Thông Phiên bị Pháp hành quyết ở Huế vào năm 1916, tin dữ loan truyền về làng Nghi An, ai nấy ngậm ngùi tiếc thương người chí sĩ can trường của quê nhà. Mãi về sau, lúc ông bắt đầu đi học nhạc, câu chuyện ông Thông Phiên lập mưu cùng vua Duy Tân chống Tây vẫn còn được các thầy nhắc đến như một sự sẻ chia niềm tự hào với học trò.

Khi vua Khải Định lên thay, có lần ngự du đến đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân, được nghe những bản hòa nhạc do các thầy Tư Nhàn, Tư Nhiên, Tám Hùng làng Nghi An phụ trách, vua ban thưởng cho các thầy, người thì bát phẩm, người thì cửu phẩm văn giai. Sự kiện này đã làm vinh danh cho đội bát âm làng Nghi An, ghi tạc vào lòng cậu học trò ngày đó là ông một niềm tin để dấn thân vào nghiệp duyên đã chọn.

Hiếu học, sáng dạ, chẳng mấy chốc ông đã tiếp thụ được hầu hết các ngón điệu nghệ của trống, kèn, nhị, nguyệt do các thầy truyền đạt. Tiếng tăm ông dần vượt ra ngoài làng Nghi An, được xếp vào danh sách các tay đàn lão luyện thời đó. Sau năm 1945, ông cùng một số vị đứng ra thành lập Hội Cổ nhạc Đà Nẵng, “trụ sở” ban đầu đóng ở đình Phước Ninh. Hội vừa dạy học trò, sửa chữa, chế tác nhạc cụ (do Hội trưởng Võ Văn Được đảm nhiệm), vừa phụ trách lễ nhạc cho các hoạt động quan hôn tang tế khắp nơi.

Ông phụ trách dàn nhạc ở Hí trường Hòa Phát gần nhà ông. Nhiều gánh hát bội về đây lưu diễn như gánh ông Chánh Đệ, ông Nhơn Lưu, ông Kiêm Chư... về sau là các đoàn Ý Hiệp Miền Trung, Túy Nguyệt... Từ diễn viên đến nhạc công đều “mê” tay trống, ngón đàn của ông, nhiều người theo ông học nghề. Vì thế, học trò ông như hạt giống, ươm mầm nẩy lộc khắp nơi, trong đó có Trường hát của cụ Tuần An Quán (Nguyễn Hiển Dĩnh).

Ông biết hát và hát hay, nếu vai nào vì lý do bất khả kháng không hát được là ông sẵn sàng thế vai, không để bể vỡ. Ông khuyên học trò, muốn học hát bội, phải học trống trước, không biết trống thì dù hát có hay cũng “bơi” trên sân khấu. Dàn nhạc hát bội chủ yếu là “bộ tam” gồm trống, kèn và nhị chính. Trống được xem là phó sư, giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt toàn bộ mọi hình tượng nghệ thuật diễn ra trên sân khấu.

Sau năm 1975, nhà ông là “lò” luyện nhạc công phục vụ các tiết mục dân ca cho đội Thông tin lưu động huyện Hòa Vang. Năm 1981, Đội văn nghệ nghiệp dư của HTX Nông nghiệp 1 Hòa Châu được vinh dự diễn vở “Hạt lúa Hòa Châu” phục vụ cho Tổng Bí thư Lê Duẩn nhân dịp đồng chí về thăm Quảng Nam - Đà Nẵng. Thành công vang dội này có sự đóng góp đáng kể của ông và học trò ông. Cả 7 người con (5 trai, 2 gái) của ông đều nối nghiệp cha, truyền nghề cho đội văn nghệ của các HTX nông nghiệp trong tỉnh hồi đó.

Tháng 3-1992, dàn nhạc gia đình do ông dẫn dắt đoạt huy chương bạc tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Cùng lúc, con trai ông, Nguyễn Ninh, chiếm giải nhất diễn tấu đàn nhị tại Hội thi “Tài năng diễn tấu nhạc cụ sân khấu dân tộc toàn quốc” tổ chức tại Đà Nẵng, với số điểm cao nhất trong 4 bộ môn gồm gõ, gảy, hơi và kéo. Một lão nghệ nhân ở Cẩm Lệ đã tặng ông một câu đối nhân sự kiện này: “Tỉnh tuyển bát âm, phụ chiếm ngân chương độc tấu/ Chế khoa cổ nhạc, tử thừa kim bảng khôi nguyên”.

Vừa rồi, đông đảo học trò từ khắp nơi đã về dự lễ mừng thọ ông 100 tuổi, trễ 1 năm so với tuổi của ông. Nhiều người ở xa như Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên… Người cao tuổi nhất là ông Trần Quang Chánh (76 tuổi) hiện làm nhạc ở phường Khuê Trung. Sau khi khoác lên người thầy tấm áo lụa do Chủ tịch nước trao tặng, họ ngồi lại, luân phiên nhau hòa nhạc chúc mừng thầy. Cả nhà tràn đầy tiếng trống, giọng đàn, tràn đầy tình sư đệ. Nhạc sĩ Trần Hồng, người say mê với âm nhạc dân tộc, không nén được cảm xúc, hát tặng ông một đoạn Nam bình.

101 tuổi, hơn 80 năm nặng nghiệp cầm ca, ông đã truyền dạy thành công nhiều thế hệ học trò, con trai và con dâu được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, 8 cháu nội ngoại nối nghiệp nhà. Những hạt giống ông ươm ngày nào giờ đã tươi xanh cành lá khi mà các hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn dân tộc ngày càng được xã hội chú trọng.

Mỗi khi có ai đó hỏi về  bức hoành do Hội Cổ nhạc tặng có 4 chữ “Đồng thanh tương ứng” treo ngay gian giữa, ông cười, nụ cười trăm tuổi: Cùng tiếng thì hưởng ứng với nhau, có hiểu nhau thì mới quý nhau như Bá Nha và Tử Kỳ ngày trước. Được người đời gọi là “nghệ sĩ”, với ông, đã là hạnh phúc lắm rồi, trăm năm dễ ai được như thế...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.