.

“Ngọn gió xứ Quảng” và giếng Vua

Ở thôn 4, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có một ngôi chùa tên là Quảng Phong. Theo dân gian, chung quanh ngôi chùa này có một số giai thoại khá lý thú về Chúa Nguyễn Ánh...

Tương truyền rằng, ở làng Thanh Trà, xứ Bàu Tròn (xưa thuộc xã Tam Quang, nay thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có một phụ nữ được tuyển vào phủ Chúa và trở thành vú nuôi, lo chăm sóc, bồng bế Nguyễn Ánh từ bé... Được một thời gian, do chiến tranh xảy ra liên miên giữa Tây Sơn với Chúa Nguyễn, giữa Chúa Nguyễn với Chúa Trịnh nên bà phải rời phủ Chúa trở về quê nhà, giấu mang theo về chiếc áo của Nguyễn Ánh.

Nguyễn Ánh lớn lên, theo đuổi con đường vương nghiệp, phải bôn ba nhiều nơi, trong đó có lần ông đem quân về đồn trú ở vùng biển Kỳ Hà. Bà vú nuôi năm xưa hay tin tìm đến thăm ông và trao chiếc áo ông mặc thời thơ ấu. Khi nhận ra hiện vật ngày nào, Chúa rất cảm động trước tình cảm thiêng liêng mà bà vú nuôi xứ Quảng đã dành cho mình. Tuy thời gian đã làm bà đổi khác nhưng tấm lòng đôn hậu, dịu dàng của bà đối với Nguyễn Ánh thì trước sau vẫn không thay đổi. Cảm kích trước nghĩa tình của người vú già, Chúa đã cho xây một ngôi nhà tại quê bà và cấp bổng lộc để bà an dưỡng cho đến hết đời.

Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, nhà vua cho rước người vú nuôi có nghĩa, có tình ra kinh đô Phú Xuân để phụng dưỡng. Trước tấm thịnh tình của vua, bà xin được sống tại quê nhà và chỉ có một nguyện vọng là muốn sửa sang ngôi nhà vua ban tặng trước kia thành một ngôi chùa để bà tu hành, cứu nhân độ thế trong quãng đời còn lại. Vua thuận lòng, cho quan, quân địa phương sửa sang, xây dựng ngôi nhà thành ngôi chùa và sắc ban cho tên chùa là Quảng Phong, nghĩa là “Ngọn gió xứ Quảng”.

Ngày nay, chùa Quảng Phong chỉ còn lại dấu tích cổng tam quan rêu phong, cổ kính; còn kiến trúc của ngôi chùa đã thay đổi qua nhiều lần trùng tu, có dáng vẻ như bao ngôi chùa Phật khác. Cách chùa về phía trái khoảng một cây số là tháp mộ bà vú nuôi của vua Gia Long - chủ nhân đầu tiên của ngôi chùa.
Ngoài chùa Quảng Phong, trong vùng này vẫn còn một giếng nước trong lành, gọi là giếng Vua, gắn liền với giai thoại Chúa Nguyễn Ánh đem quân về đồn trú tại đây. Tương truyền, lúc đó dân cư hãy còn thưa thớt, cả một vùng cát trắng chạy dài theo sông Trường Giang không có lấy một giọt nước ngọt, đào giếng xuống chỉ gặp toàn nước phèn, chua mặn.
 
Trong cơn ngặt nghèo, Chúa đã cho bày hương án tế trời xin cho đào được nước ngọt để nuôi quân. Lạ thay, khi tế xong, quân lính chỉ đào một lần duy nhất là được ngay một giếng nước ngọt trong lành, nước đầy ăm ắp... Đến khi có lệnh rút quân đi nơi khác thì một số gia đình binh lính xin được ở lại vùng này, sau đó dân cư từ khắp nơi kéo đến đây sinh sống, lập nên làng xã. Tất cả cùng uống chung dòng nước trong lành không bao giờ cạn từ giếng Vua. Ngày nay, khách có về xã Tam Quang nhớ ghé thăm chùa Quảng Phong, nghe người trong làng kể về “Ngọn gió xứ Quảng” và nhấp chén trà thơm ngọt lấy từ nước giếng Vua gần đó...

AN TRƯỜNG

;
.
.
.
.
.