.

Nhếch nhác quảng cáo vỉa hè

.

Ai có nhu cầu tìm việc làm, tìm gia sư hay muốn mua một dàn máy vi tính giá rẻ, một lô đất đang cần bán, một ngôi nhà cho thuê…, chỉ cần xem và đọc trên các trụ điện, ca-bin, vách nhà là sẽ có ngay địa chỉ hay một vài số điện thoại để liên hệ. Đó là cái lợi của quảng cáo vỉa hè, nhưng “lợi bất cập hại” khi phố xá ngày càng trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan…

Đầy rẫy tờ rơi quảng cáo

Trụ điện, ca-bin chi chít những tờ quảng cáo.
Đi dọc các con đường Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trần Cao Vân…, tìm mỏi mắt cũng không thấy một trụ điện sạch sẽ. Hầu như trụ nào cũng được dán chi chít những tờ rơi quảng cáo, rao vặt.

Chúng tôi dừng lại “ngắm” một trụ điện trên đường Nguyễn Lương Bằng. Bên cạnh tờ giấy photocopy có đề: “Trung tâm gia sư… nhận dạy kèm tại nhà” là một tờ giấy khác tương tự: Trung tâm gia sư… với đội ngũ giáo viên, sinh viên Đại học Sư phạm có kinh nghiệm… Kế đó là tờ giấy A4 ghi các lớp dạy kèm từ môn dạy, buổi dạy và mức học phí. Chưa hết, phía trên cao là dòng chữ to, in đen: Nhà bán gấp, liên hệ 0912… Có tờ quảng cáo đã ố vàng, có tờ bị xé nửa, cũng có tờ còn mới toanh.

Không chỉ trụ điện dọc các tuyến đường, tại những bức tường bao quanh các gia đình cũng xảy ra cảnh tượng tương tự. Anh T. ở kiệt 255, đường Điện Biên Phủ chỉ bức tường bên hông nhà mình nói: “Từ khi xây nhà đến giờ, tôi chưa thấy bức tường phía sau nhà mình được sạch. Ban đầu thấy một vài tờ, các con tôi ra lột bỏ nhưng cứ qua một đêm là đâu lại vào đó? Hầu như các bức tường nhà ở các khu dân cư đều chi chít tờ rơi quảng cáo, tờ này dán chồng lên tờ kia, trông quá nhếch nhác.

Tại các hẻm, kiệt dẫn vào khu dân cư, san sát các tờ rơi quảng cáo đủ màu sắc. Tại các ca-bin điện, bờ rào quanh các công trường cũng hằng hà sa số tờ rơi quảng cáo từ gia sư, việc làm đến bán điện thoại, máy tính, hình người mẫu, ca sĩ và cả khoan cắt bê-tông, sửa ti-vi tận nhà.

Cần chấn chỉnh hoạt động quảng cáo kiểu này

Việc quảng cáo công cộng như trên hoàn toàn miễn phí nên hầu như ai có nhu cầu rao vặt là tự… “giành đất”. Làm công việc này chủ yếu là sinh viên, bởi đội ngũ này vừa dễ tìm, nhanh nhẹn, lại trả công thấp. P. (sinh viên năm thứ 4 ĐHBK) có thâm niên trong “nghề” cho hay: “Em làm việc này từ khi học năm thứ nhất nên ngóc ngách nào ở Đà Nẵng em cũng thuộc. Biết là dán quảng cáo như vậy sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, nhưng mình không làm thì họ cũng thuê người khác vì công việc này không khó, lại có tiền “nóng”, chỉ cần biết thức đêm…”.

Một chủ gia sư có văn phòng đặt tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu khi được hỏi, cho hay: “Dán quảng cáo như vậy dù không đẹp mắt nhưng rất tiện. Những nơi được dán là những nơi đông người nên ai cũng đọc được. Quảng cáo trên báo rất tốn tiền nhưng hiệu quả lại thấp, nhất là sinh viên, mấy ai mua báo để đọc…”.

Người “bị hại” thì than trời. Người chủ ý làm thì dùng mọi lý lẽ để biện minh cho hành động của mình. Vì vậy, cần phải chấn chỉnh và có chế tài xử phạt nặng những cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo theo kiểu như trên, nhằm lập lại trật tự mỹ quan đô thị.  
        
PHAN HÀ

;
.
.
.
.
.