“Bão giá” - một thuật ngữ mới được nhắc đến rất nhiều trên báo chí và trong đời sống thời gian gần đây. Đặc biệt nó còn là vấn đề “nóng” đang được các nhà văn nữ quan tâm. Bởi ngoài những trang viết bay bổng, các chị còn phải đối mặt thực tế với những nhu cầu hằng ngày của bữa ăn, cơm áo thường nhật gia đình.
Trong cơn “bão giá”, các chị đã “chèo chống”, “lèo lái” con thuyền giá cả về bến bờ bình yên của tổ ấm mình như thế nào? Sau đây là những cuộc trò chuyện thú vị của họ dành riêng cho báo Đà Nẵng Cuối tuần.
1- Các chị nghĩ như thế nào về “bão giá”? Và những cơn bão này đã tràn vào gia đình chị ra sao?
Nhà thơ ĐINH THỊ NHƯ THÚY. |
- Nhà thơ PHẠM THỊ NGỌC LIÊN (TP. Hồ Chí Minh): Tôi may mắn sống chung một đại gia đình, người nào cũng có công việc. Tuy vật giá có leo thang nhưng do biết chia sẻ với nhau nên gia đình tôi vẫn có những bữa cơm đầy đủ. Tôi nghĩ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, người phụ nữ đảm đang sẽ biết cách thu vén để quỹ gia đình không bị ảnh hưởng gì nhiều.
- Nhà văn VÂN HẠ (Nha Trang): Trước đây tôi nghĩ, những mặt hàng của người nông dân như gạo, rau… dù có tăng đến đâu cũng không thể bằng những mặt hàng đắt tiền khác như điện thoại di động, xe máy… được. Nhưng tình hình bây giờ thì tôi đã thực sự lo ngại. Từng sống qua thời kỳ tăng giá của những năm 80, giá cả tăng rất nhanh và bây giờ tôi cảm thấy bất an như đang chứng kiến trở lại những ngày ấy…
Nhà thơ PHẠM THỊ NGỌC LIÊN . |
- Nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ (Cà Mau): Cơn bão vào nhà tôi chậm chạp, từ từ, và ngấm sâu. Cũng có thể nó dữ dội đúng chất của một cơn bão nhưng vì làm nghề viết hay nghĩ chuyện đâu đâu nên tôi không… để ý (!).
2- Vâng, đúng “bão giá” đang là khó khăn mà mỗi gia đình cần phải đối mặt. Vậy với chị, giải pháp nào là tối ưu?
- NGUYỄN NGỌC TƯ: Chấp nhận. Còn hơn là than thở. Thật ra đó là cách tôi làm với bất cứ chuyện gì, không riêng chuyện bão giá. Nếu than vãn không giải quyết được tôi sẽ lặng lẽ sống cùng nó. Những người lao động nghèo là những người nhạy cảm nhất, đang chịu đau nhất, nhưng họ cũng không ngừng sống.
- PHẠM THỊ NGỌC LIÊN: Thực sự, rất ít nhà văn sống được bằng nghề viết văn, chúng tôi phải có thêm một nghề song song để kiếm thu nhập. Chẳng hạn tôi sống bằng thu nhập từ nghề viết báo nhưng tôi vẫn sáng tác văn, thơ đều đặn đấy thôi.
- NGUYỆT PHẠM: Tiết kiệm tối đa là giải pháp tối ưu. Gia đình tôi chỉ có hai vợ chồng và một em bé. Mà nhu cầu của em bé thì không thể bóp nhỏ được. Thế nên tôi và ông xã phải tiết kiệm tối đa. Thay vì sáng ăn phở ở tiệm thì chuẩn bị thức ăn ở nhà. Sống trong “bão giá” tâm trạng tôi luôn lo lắng nhưng cần phải biến nỗi lo thành hành động.
- ĐINH THỊ NHƯ THÚY: Cố gắng cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết, nhưng rốt cuộc mình nhận thấy khoản chi nào cũng cần cả (!)… Có nghĩa đã “rút gọn” đến không thể nào “rút gọn” hơn được nữa các khoản chi tối thiểu cho bộ máy gia đình.
Nhà văn VÂN HẠ. |
3- Vật lộn với “bão giá”, công việc sáng tác của các chị hiện nay thế nào? Chị có nghĩ trong giai đoạn khó khăn này, văn học VN sẽ vẫn có những tác phẩm chất lượng?
- NGUYỄN NGỌC TƯ: Tôi không chắc. Nhưng khi xảy ra nạn đói, hay hồi bao cấp… vô vọng là vậy, tiền bối của tôi vẫn viết ra những tác phẩm hay. Khi tôi ngồi trước trang viết, tôi thậm chí còn không nhớ tên mình, thì chẳng bao giờ ám ảnh chuyện rau củ hôm nay lên giá. Người viết một cơn bão khác vắt kiệt cho đến khi buông bút. Và hiện thực trở lại…
Nhà thơ NGUYỆT PHẠM. |
- PHẠM THỊ NGỌC LIÊN: Tôi nghĩ chất lượng bài viết tùy thuộc vào cái tâm và kiến thức của người cầm bút chứ không tùy thuộc vào “bão giá” hay thu nhập. Cũng như thế, muốn bám trụ với nghề hay không là do cái tâm và sự yêu nghề của người ấy.
- ĐINH THỊ NHƯ THÚY: Tôi làm thơ chỉ để tự giải thoát mình. Tôi viết với một đam mê và thường post lên mạng để chia sẻ tâm tình. Cái nghịch lý của “bão giá” là hình như nó chỉ ảnh hưởng đến người nghèo chứ không ảnh hưởng đến người giàu.
- VÂN HẠ: Theo tôi là có và không. Có vì, vật lộn với “bão giá” thời gian tôi dành cho việc đọc và viết bị ít lại, do đó số lượng sáng tác không nhiều. Không là theo tôi một tác phẩm chất lượng còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ từ thực tế cơn “bão giá” này…
4- Chị có nghĩ rằng từ cơn “bão giá” sẽ gây nên những “cơn bão” khác cho đời sống văn chương Việt Nam?
Nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ. |
- NGUYỆT PHẠM: Một “cơn bão” thực thụ của văn chương thường bắt đầu bằng những đòi hỏi khẩn thiết, là đơn đặt hàng của cuộc sống. Vấn đề ở chỗ, nhà văn có là những cây ăng-ten nhạy cảm để thu nhận sau đó biến hóa, cấu trúc nó hay không? Đề tài đã là một sự khởi đầu rồi…
- PHẠM THỊ NGỌC LIÊN: Tôi sắp in một tập truyện ngắn nữa. Hy vọng bạn đọc sẽ ủng hộ.
- NGUYỄN NGỌC TƯ: Tôi thì nghĩ bão… lòng làm nên văn chương nhiều hơn, khả quan hơn, làm nên những trang viết rung động hơn!...
Xin cám ơn các chị vì cuộc trò chuyện thú vị này.
NỮ SANH (Thực hiện)