.

Quanh những quầy sách cũ

.

Được lượm lặt từ các gánh đồng nát, từ các tủ sách gia đình, từ những cuộc thanh lý sách báo cũ ở một số cơ quan, những cuốn sách cũ tưởng như là đồ bỏ đi nhưng vẫn đầy nặng nợ với người đọc. Không ít cuốn sách có số phận  hẩm hiu đã được người mua tìm được với một niềm tri ân lặng lẽ.

Còn rất nhiều người quan tâm đến những quầy sách cũ.

Sách cũ được bán như hàng rong, nay đây mai đó hoặc đưa vào những cửa hiệu khang trang. Nhưng phổ biến nhất vẫn là sách cũ vỉa hè. Thường là vào những ngày cuối tuần, tôi hay la cà đến những quầy sách cũ trên đường Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Ông Ích Khiêm để tìm kiếm sách. Sách cũ có mặt ở đây có lẽ cũng đã hơn mười năm nay. Những người qua đường đã quá quen với hình ảnh những người bán sách lặng lẽ bên lề đường để bày bán kiến thức của nhân loại. Bên hàng sách cũ, kẻ đứng người ngồi nhưng họ có chung một mục đích là  “đãi cát tìm vàng” để tìm cho mình những cuốn sách vừa ý trong cái đám sách báo cũ hàng trăm, hàng nghìn cuốn với vô vàn chủng loại.

Quầy sách báo cũ của nhà sách Cảo Thơm trên đường Ngô Gia Tự được chủ nhân của nó bày biện một cách ngăn nắp và có đẳng cấp theo từng chủng loại trên giá như: Văn học, triết học, lịch sử, nghệ thuật… Tuyệt vời hơn, chủ nhân còn trích dẫn trên những tờ bướm để tặng cho khách hàng của mình những câu nói nổi tiếng: “Với tôi sách quý hơn vàng” - Shakespeare, “Luật pháp chết nhưng sách chẳng bao giờ chết” - Blustone , “Đọc sách là cách học tốt nhất” - Puskin, “Sách báo là bạn, là thầy” V.I.Lenin… điều mà ngay cả các nhà sách lớn tôi để ý hoài mà vẫn không thấy có...

Trên vỉa hè đường Ông Ích Khiêm (đoạn trước chợ Cồn) có một người bán sách cũ, vẫn thường mời tôi mua sách với những lời giới thiệu khá hấp dẫn: Sách giá rẻ, có nhiều cuốn hay. Một loạt những tác phẩm của những nhà văn lớn được nêu ra với đầy đủ những trang tiểu sử. Tôi thật sự bất ngờ trước những hiểu biết về sách của anh ta. Đôi lúc say sưa, tôi cứ nghĩ anh ta là một giáo viên ngữ văn đang thuyết trình về sách chứ không phải là một người bán sách vỉa hè.

Thời buổi này, sách mới in rất đẹp nhưng giá lại khá cao thì sách cũ lại hợp với túi tiền của nhiều người, nhất là học sinh, sinh viên. Thị trường sách cũ ở Đà Nẵng không lớn bằng một số nơi nhưng giá thì lại “mềm” hơn nhiều nơi khác. Nghiễm nhiên sách cũ trở thành người bạn tâm giao của nhiều người. Từ những nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên… đến người lái xe ôm đều đến với thế giới sách cũ. Ở đó mỗi người tự tìm cho mình những cuốn sách phù hợp. Có người tìm đến với sách là tìm kiếm nguồn tri thức, nhưng cũng có người đơn thuần chỉ xem việc đọc sách là sự giải trí thuần túy.

Không chỉ có người ít tiền mới đến với sách cũ, bởi vì chúng còn là “của hiếm”. Trong dòng người đi mua sách cũ tôi đã trò chuyện với nhiều người, mỗi người đều có những ý kiến riêng về sách cũ. Một anh chàng kỹ sư cơ điện nói: Có những cuốn sách kỹ thuật chỉ ở các quầy sách cũ mới có. Một cô sinh viên Trường Đại học Sư phạm thì cho biết: “Trước hết là để phục vụ học tập, hơn nữa em cũng muốn có những cuốn sách mà mình ưa thích”.

Tìm hiểu về việc kinh doanh sách cũ, một anh bán sách cũ ở ngay trước vỉa hè của Trường Đại học Sư phạm cho biết: Sinh viên thường xuyên mua sách cũ, đặc biệt là tác phẩm văn học, học sinh thì mua sách tham khảo hoặc truyện tranh. Xem ra, sách cũ vẫn còn giá trị lắm đối với nhiều người. Bởi sách cũ nhưng tri thức thì không bao giờ cũ. Trong thế giới tạp pí lù của sách cũ này có sự hiện diện của nhiều cuốn sách rất quý như: “Âm thanh và cuồng nộ” của William Faulkner (nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel 1950), “Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ tả”, “Ngài đại tá chờ thư”, “Tướng quân giữa mê hồn trận”... của Gabrien Garcia Marquez (nhà văn đoạt Nobel văn học năm 1982), “Những người khốn khổ” của văn hào Victor Hugo, bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang Anh ngữ, Kinh thánh, từ điển Pháp - Việt của cụ Đào Duy Anh xuất bản năm 1936...

Trong câu chuyện đời, chuyện nghề, những người bán sách cũ thường bộc bạch: Làm nghề này là phải biết sách và quý sách, một đời người tâm huyết viết được bao nhiêu cuốn sách đâu. Nhìn những cuốn sách còn giá trị ra nằm ở những hàng phế liệu ai mà không xót. Nhiều câu chuyện nơi vỉa hè này làm tôi chạnh lòng. Có người con trai vừa lo xong đám tang cho ông bố đã vội vã tìm đến những chị buôn đồng nát để “thanh lý” những cuốn sách mà suốt đời ông bố trân trọng, giữ gìn. Hay có những cuốn sách với lời đề tặng nhau rất trân trọng nhưng chẳng mấy lúc đã ra vỉa hè.

Những người bám vào sách cũ không chỉ là tìm cuộc mưu sinh, mà ở họ chữ “tâm” còn nặng lắm. Có thể xem họ như những “ông đồ” thời nay - những người còn nặng nợ với những gì xưa cũ, động lòng trắc ẩn trước sự “rẻ rúng” của người đời với sách cũ, không nỡ nhìn chúng rơi vào quên lãng. Với họ, sách cũ như cái nghiệp đã mang vào thân, họ luôn đau đáu về thế cuộc, sự tri ân với những người đã làm nên những cuốn sách đang “trôi” giữa dòng đời.

Bán sách cũ là một nghề. Chúng ta ghi nhận đóng góp của những người bán sách cũ trong việc gìn giữ sách nói riêng và những tri thức nhân loại nói chung. Đã đến lúc chúng ta nên đưa việc bán sách cũ vào khuôn khổ. Cần phải có một nơi “lịch sự” hơn dành cho những người làm nghề này. Đó chính là văn hóa, là sự tôn trọng đối với tác giả, với sách, với kiến thức nhân loại.       
         
PHAN BÙI QUỐC ANH

;
.
.
.
.
.