.

Thơ Ngàn Thương

Sự phẳng lặng của ngôn từ tưởng như thơ ấy mòn nhẵn những quãng vắng con đường mưa nắng đi qua. Vắng đến nỗi, tưởng như nhịp điệu mùa màng khó bề lưu lại, dù chỉ là một cơn gió xao xác tiếng của mùa rơi. Có ai ngờ, chính từ những quãng vắng ấy, tiếng thơ Ngàn Thương đều đặn vang ngân một thứ cung bậc khắc khoải như đâu đó mơ hồ những bước chân xưa trở về . (NGUYỄN NHÃ TIÊN giới thiệu)

Dấu chân phố

Lật lại thời gian trong nếp phố
mùa trôi đi
rưng rức vết môi đằm
ngày cạn hết những lời chưa nói được
chạm bước mình
một thủa xa xăm

Vai ắp gió, ngày đông chùng mắt rượu
phố như em
dự cảm chòng chành ta
và đôi lúc chính mình không biết nữa
có trái tim không biết tuổi già
Ta yêu phố từ khi chưa biết phố
để bây giờ phố đã ở trong ta
rồi mai mốt dẫu thế nào đi nữa
vẫn còn đầy âm vọng gót chân qua…



Khúc tháng tư

Tháng tư
trên mái đầu điểm bạc
quãng đời trôi
không ngắn không dài
người đi mãi
thời nào in dấu
cây ngô đồng hóa cổ tích đâu hay

Tháng tư
mặt trời đinh ninh hẹn
hoa mười giờ chẳng nở mùi hương
thôi cứ nở cho người yêu hoa vậy

Tháng tư
nụ cười hiền hậu
thắp lên môi những tờ lịch rơi dần
em cứ bóc mỗi ngày trống vắng
cho thời gian xích lại thêm gần

Tháng tư người về cố xứ
miên man kẻ lạ người quen
ta chợt nhận nỗi buồn của phượng
cháy lên cô đơn ngôn ngữ không về.
 


Mùa đông

Bài hát một thời còn chút hư không
mùa sim con gái
tím chiều chân cỏ
miền biếc màu trăng tỏ
để cát mừng lưu trú giấc mơ xanh
Mùa đông
quê anh
lũ trắng đôi bờ
thuyền neo giữa kinh thành đưa khách
gió ơ hờ, chợt lóe
rồi tắt vào lòng giọt mưa
Sợi mưa dài xâu chuỗi miền xưa
tóc ly hương
chuyển mùa mây trắng
mênh mang hình bóng cũ càng.


Ch’rao vẫn hót
Tưởng nhớ nhà thơ Thu Bồn

Chim Ch’rao vẫn hót
cánh rừng xưa
mây trắng vẫn bay về
sông Thu từng chiều vỗ sóng
cồn cào con nước tiễn người đi

Người xa Huế
dẫu đã thành vĩnh biệt
dáng xưa “chìm dưới đáy sông sâu”
bài thơ viết thuở nào ông đến
vẫn rưng rưng
nghiêng xuống nhịp cầu

Mùa xuân
từng tờ lịch rơi
vang ngân sự sống
“quê hương mặt trời vàng”
in bóng
nhớ
“người gồng gánh phương Đông”.

 N.T

;
.
.
.
.
.