.

Thôn văn hóa Hòa Vân

.

Đến thôn Hòa Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) hôm nay, nhìn những dãy nhà khang trang, sạch sẽ, vườn cây, rừng cây đang độ cho trái và sự niềm nở của những người bệnh, mọi người có cảm giác thật bình yên.

Bác Nguyễn Thanh Tường, năm nay đã 82 tuổi và cũng là một trong những cư dân đầu tiên của làng phong tâm sự về những biến cố của đời ông.

Bộ đội Biên phòng thành phố giúp nhân dân thôn Hòa Vân lao động, sản xuất.

Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Thời trẻ ông là một thanh niên khỏe mạnh, thông minh và cho đến năm 1975 ông được phát hiện có dấu hiệu bị bệnh phong… Bỏ lại sau lưng sự nuối tiếc của tuổi thanh xuân, con đường công danh sự nghiệp còn dang dở, gạt nước mắt tạm biệt gia đình, ông tới làng phong Hòa Vân cho đến bây giờ. Bác Nguyễn Văn Xứng, quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi năm 1970 bị bệnh được về đây điều trị và lấy vợ. Được sự chăm sóc chữa trị kịp thời, vợ chồng bác sớm khỏi bệnh. Hiện nay bác Xứng là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn.

Trời đã trưa, cái nắng của những ngày hè thật gay gắt nhưng bác Xứng vẫn vui vẻ dẫn tôi đi thăm làng. Không cần giấy tờ, sổ sách, bác kể vanh vách: Ngoài khu điều dưỡng, nơi khám chữa bệnh, nhà văn hóa khang trang được Đảng, Nhà nước và các đoàn từ thiện quan tâm giúp đỡ, mỗi bệnh nhân ở đây được trợ cấp hằng tháng 150.000 đồng. Toàn thôn hiện có 92 hộ với 272 nhân khẩu, các hộ dân đều có nước sạch để sinh hoạt, 75% hộ có ti-vi, radio cassette. Thôn cũng có phòng đọc sách báo và có đầy đủ các đoàn thể quần chúng như Hội CCB, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, đội dân phòng hoạt động quy củ.

Những năm gần đây được quận và phường hỗ trợ các giống cây trồng, con vật nuôi mới nên năng suất lúa đã tăng lên từ 38-40 tạ/ha, thôn phát triển được đàn bò gần 100 con, đàn heo 150 con, đàn gà cũng gần 700 con, đời sống ổn định hơn rất nhiều, mọi người đã xóa bỏ được mặc cảm. Bác Phạm Bồng năm nay đã 79 tuổi tâm sự: Chúng tôi ở đây coi nhau như anh em một nhà; các anh chị tổ y tế cũng vậy, họ phục vụ chúng tôi rất chu đáo.

Được biết, Hòa Vân được xây dựng là thôn văn hóa như hôm nay có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 244 mà trực tiếp là anh em ở trạm kiểm soát của đồn. Đại úy Vũ Văn Mạc, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cho biết, năm 1997 khi thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Hòa Vân không còn là cơ sở của Bệnh viện Da liễu nữa mà trở thành một thôn của phường Hòa Hiệp. Ngay lúc đó, Đồn Biên phòng 244 và Phòng VHTT quận Liên Chiểu đã ký kết chương trình phối hợp, tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền phường xây dựng thôn Hòa Vân thành một điểm sáng văn hóa.

Với chương trình này, Hòa Vân được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các thiết chế văn hóa như: nhà sinh hoạt thôn, thiết bị âm thanh phục vụ hội họp, hệ thống loa thu phát sóng, khu vui chơi văn hóa văn nghệ-thể dục thể thao…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 244 đã thực hiện phương châm “3 cùng, 4 bám” vừa tích  cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vừa tuyên truyền kiến thức về bệnh phong, giúp bà con lao động sản xuất. CBCS cùng sinh hoạt, chia sẻ niềm vui, mừng vụ mùa thắng lợi với người dân. Tất cả những điều ấy làm cho người dân dần dần thay đổi nhận thức, nêu cao ý thức trách nhiệm cùng với lực lượng Biên phòng giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết cộng đồng cùng xây dựng Hòa Vân trở thành thôn văn hóa.

Bài và ảnh: QUỲNH NGA

;
.
.
.
.
.