Ngày đó, lũ học trò xóm tôi mỗi khi xuống nội thành Đà Nẵng học “cua” thường chọn con đường tắt ngang qua chùa Bà Quảng. Đường quê hang hộc, xe đạp xẹp lốp, dắt đi tìm chỗ sửa xe là chuyện thường tình. Một lần, chúng tôi tấp vào một cái quán che sơ sài bên đường. Trong lúc chờ người chủ quán vá ruột xe, chúng tôi tò mò nhìn vào bên trong nhà. Một chiếc bàn nhỏ với mấy cái ghế, còn lại là sách và sách. Cuối phòng, một cánh cửa lửng mở ra một lối đi khác với một tấm biển ghi mấy chữ:
“Giới hạn cuối cùng”
Nhìn anh chủ quán mặt đăm đăm, chúng tôi chẳng đứa nào dám bước vào bên trong. Thằng T., vốn nổi tiếng lém lỉnh, vừa mới vói tay cầm lên một quyển sách, chưa kịp đọc tên sách thì đã bị anh ném cho một cái nhìn sắc như dao cạo. Chúng tôi nháy mắt ra hiệu, hắn đành tiu nghỉu trả sách lại chỗ cũ, xịu xuống như trẻ con thấy quà mà ăn chẳng được. Chúng tôi tụm lại nói chuyện “chuyên đề” về sách, rằng mượn của người này “nghiền ngẫm” chưa xong đã bị đòi giật ngược, rằng người kia có nhiều sách hay mà cứ giữ bo bo, và rằng ước chi có nhiều tiền mua sách đọc cho đã.
Sách đã giúp anh Tuấn hoàn thành công trình “Bảng tra cách đánh chữ Hán (âm Việt) theo mã Thương Hiệt” |
Có lẽ nhờ cuộc tán gẫu bông phèng này mà anh Trần Phước Tuấn, tên người chủ quán, đã nhìn chúng tôi với ánh mắt ngày càng khác hơn trong những lần gặp sau đó. Thì ra, anh cũng một thời tiểu học từng nhìn sách mà thèm như chúng tôi. Từ năm lên Đệ Lục (lớp 7 ngày nay), hè về, mỗi sáng anh ra tiệm cho thuê sách đọc ngấu nghiến đến trưa, xong ôm về một mớ đọc tiếp, sáng hôm sau đem trả, cứ thế cho hết mùa phượng đỏ. Nhờ đó, chỉ với chút tiền còm, anh đã đọc được một lượng sách đáng kể. Mới đầu đọc truyện tàu, truyện chưởng, về sau đọc tất tần tật các loại sách; đọc riết, thấy sách như món ăn hằng ngày, thiếu nó là “đói” - giọng anh đầy kinh nghiệm.
Quyển sách đầu tiên anh bỏ tiền mua là cuốn “Dưới mái học đường”, phóng tác của Cao Văn Thái từ nguyên tác “Les grands cœurs” (Hà Mai Anh dịch là “Tâm hồn cao thượng”) của văn hào Edmond de Amicis (Italia). Quyển sách “đầu đời” này đã mở ra trong tâm hồn anh những trang đẹp nhất về đời học trò áo trắng, thôi thúc anh thành lập một tủ sách gia đình. Lên Đệ Ngũ (lớp 8), anh sắm được một tủ sách Tự Lực Văn Đoàn và truyện tàu, thuộc loại “có cỡ” trong đám bạn bè thời đó. Thế mà, một ông nghe tiếng đến thăm, thấy chỉ lèo tèo dăm quyển, buột miệng: “Rứa mà cũng bày đặt gọi là tủ sách!”. Rồi ông dẫn anh tới nhà, giới thiệu cái kho sách đồ sộ của ông, mà toàn là sách giá trị, để anh mục sở thị cái gọi là “tủ sách gia đình”.
Sau lần bị “sốc” đó, anh hiểu ra chơi sách cũng lắm công phu và đọc sách cũng có lắm hạng người. Tủ sách ngày một phình to ra, sách “thường thường bậc trung” anh bày ra phòng khách dành cho những kẻ làng nhàng bạ gì đọc nấy; sách “tri kỷ” anh cất trong một gian riêng, lối vào ghi bốn chữ “giới hạn cuối cùng” để nhã nhặn ngăn những kẻ tò mò, tọc mạch. Nhiều lần sau đó, dù không bị xẹp lốp xe, tôi vẫn thường lân la ghé lại nhà anh, cốt để vượt qua cái “giới hạn cuối cùng” đó.
Một đời người, một quyển sách
Mấy chục năm qua, cái quán sửa xe đạp của anh đã biến mất cùng với con đường làng đi qua chùa Bà Quảng. Hôm rồi gặp lại T., hắn đưa tôi đến nhà mới của anh trên đường Lý Nhân Tông, khu vực tái định cư tổ 52 Bình Hòa, phường Khuê Trung. Nhà anh đẹp hơn xưa, anh tiếp chúng tôi trong một gian phòng đầy sách. Thấy tôi có ý tìm cái “giới hạn cuối cùng” ngày trước, anh cười: Còn một kho nữa nằm trên lầu, cũng gần 10 ngàn cuốn, trong đó sách thuộc loại “quý hiếm” cũng phải đến ngàn.
“Với một số người, sách giúp cho cuộc sống đầy đặn. Với một số người khác, sách chỉ để chất đầy các giá sách mà thôi” - câu nói của Gumilevski vẫn còn mang tính thời sự. Phong trào chơi sách hiện đang quay lại, nhưng phần lớn người chơi cốt chỉ khoe sách. Một số người tậu đâu đó được mấy quyển sách nặng ký in gáy vàng, đem về trưng cho đẹp phòng khách theo kiểu “trưởng giả học làm sang”. Thỉnh thoảng cũng có đọc, nhưng chỉ lướt qua các đề mục, góp nhặt một vài nội dung rồi đem ra “khè” với thiên hạ nếu có dịp, chứ đi sâu vào vấn đề là “tịt” ngay.
Anh Tuấn đọc xong một quyển sách, là tỉ mẩn trích phần cốt lõi nhất, tâm đắc nhất, đánh máy vi tính và in tặng những người biết đọc sách. Với anh, sách nào cũng giá trị, nhưng anh quý nhất là sách của học giả Nguyễn Hiến Lê, con người mẫu mực từ nhân cách đến tác phẩm. Sách hay nhiều vô kể, nhưng tiếc là giới trẻ ngày nay chỉ đọc theo thị hiếu chứ không đi sâu vào những sách có giá trị tư tưởng. Anh bảo, muốn sống trong sáng, sạch sẽ, tử tế, cao thượng là phải đọc sách. Có tác giả đã chắt chiu cả đời người mới viết nên một quyển sách. Có người tạo được nhân cách ở đời chỉ nhờ vào một quyển sách.
Tốt nghiệp cử nhân văn chương Việt Hán trước năm 1975, anh nhờ sách mà kiến thức Hán văn chẳng những không mai một mà ngày càng được mở rộng thêm. Một số nhà nghiên cứu khi đụng đến văn bản Hán Nôm vẫn thỉnh thoảng đến nhờ anh tra cứu, dịch thuật hộ. 4 năm trước, anh hoàn thành “Bảng tra cách đánh chữ Hán (âm Việt) theo mã Thương Hiệt”, nhưng rất tiếc công trình giúp cho việc đánh chữ Hán trên máy vi tính dễ dàng hơn này vẫn chưa xuất bản.
Hôm đó, anh Hồ Xuân Quang, một bạn sách của anh, ghé thăm, tay ôm một quyển sách gói cẩn thận trong túi ni-lông. Các anh trang trọng mở ra, đó là quyển “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức ấn hành nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh. Hồi đó, nghe giới thiệu trên báo, anh Quang biết là sách giá trị nên “mai phục” mua cho bằng được, nó quý ở chỗ phần sau có in nguyên văn bằng chữ Hán với những dấu khuyên đỏ chấm câu. Các anh bảo, đọc sách như một thú chơi, mỗi người một “gu” nên tìm được “tri kỷ” để chia sẻ một điều gì đấy tâm đắc ở sách là đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.
VIÊN PHÚC QUÂN