Trần Quý Cáp (1870 - 1908) cùng với Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang là sáu học trò lỗi lạc của cụ Đốc học Mã sơn Trần Đình Phong tại trường Thanh Chiêm xưa. Ông tham gia phong trào Duy tân chống Pháp, sau đó bị bắt giam và chịu án “yêu trảm” (chém ngang lưng).
Đền thờ Trần Quý Cáp ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh tư liệu). |
Lúc hài cốt sắp chuyển đến địa hạt Bồng Sơn, viên tri phủ sở tại nhận được điện của Công sứ và Tòa tỉnh Bình Định, ra lệnh đề phòng nghiêm ngặt hầu ứng phó với một cuộc biểu tình của nhân dân có thể xảy ra để biểu lộ niềm thương cảm kính phục đối với một vị Tiến sĩ quốc gia, đồng thời tỏ lòng căm phẫn với bạo quyền gian ác. Như thế có nghĩa rằng thực dân Pháp và tay sai bản xứ vẫn còn sợ uy danh của Trần Quý Cáp, mặc dù lúc đó nhà chí sĩ chỉ còn là hài cốt bé nhỏ nằm bất động trong quan quách.
Quan Tri phủ Bồng Sơn đương nhiệm không ai khác hơn chính là chỗ cố hữu của Trần chí sĩ: Phó bảng Nguyễn Đình Hiến. Ông Nguyễn Đình Hiến sinh năm 1871, quán làng Trung Lộc Đông, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 26 tuổi đỗ Tú tài, 29 tuổi đỗ Cử nhân, 30 tuổi đỗ Phó bảng, là một trong “Tứ Ất” của khoa Tân Sửu 1901 (4 người Quảng Nam cùng đỗ Phó bảng, gồm Nguyễn Đình Hiến, Võ Vỵ, Nguyễn Mậu Hoán và Phan Châu Trinh).
Tuy không xả thân cứu nước như các đồng bối Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, nhưng Nguyễn Đình Hiến tâm chí vẫn kính phục và luôn giúp đỡ các nhà cách mạng Việt Nam khi hoàn cảnh cho phép. Đời làm quan của ông thiên hướng nhiều về đường giáo dục và văn chương nên hàm quan cao nhất của ông là Hiệp tá Đại học sĩ.
Ngồi ghế Tri phủ Bình Định mãi cho đến thời điểm di hài Tiến sĩ Trần Quý Cáp được chuyển qua hạt Bồng Sơn, khi cầm bức điện mật của Công sứ Bình Định trong tay, Tri phủ Nguyễn Đình Hiến hốt nhiên xúc động mạnh. Nước mắt ông tuôn trào, nét mặt buồn ủ ê và ít nói. Ông cho lính phủ che một cái rạp tạm, đặt hương án bên đường. Tự thân khăn áo chỉnh tề, ông túc trực và rước quan tài vào rạp, cúng bạn một tuần rượu rồi ôm quan tài khóc thảm thương. Khách qua đường ai thấy cũng mủi lòng sụt sùi.
Về sự kiện này, cụ Huỳnh Thúc Kháng có ghi lại một câu trong bài mộ chí Trần Quý Cáp: “... Di hài quy cập Bồng Sơn thích kỳ cố hữu Nguyễn công Đình Hiến phương lỵ quận, túc y quan khốc điện ư đạo tả. Hành nhân giai ám khấp ký tắc quy ư kỳ hương”.
Tên đồn trưởng lính khố xanh (Garde indigène) tại Bồng Sơn, người Pháp, đến nói với Tri phủ họ Nguyễn: “Quan lớn truy điệu một kẻ có tội làm loạn là có lỗi với chính phủ Bảo hộ và Nam Triều”.
Tri phủ Nguyễn ung dung trả lời: “Ông khỏi lo. Tôi đã nghĩ kỹ. Kia là cái hòm ấn, đây là đơn từ nhiệm. Nếu vì khóc thương một bạn đồng môn, đồng châu, đồng khoa, đồng liêu xấu số, chết oan uổng mà bị mất chức mất quyền, tôi đây cam lòng không hối tiếc gì”. Thế rồi, quan Tri phủ Nguyễn Đình Hiến đã nộp ấn từ quan thật sự.
NGUYỄN SINH DUY