Người thích xem phim đúng nghĩa thường phàn nàn: “Phim hay thì “đỏ con mắt” tìm, còn phim bạo lực, kinh dị cỡ như Người sắt, Cuộc chiến đẫm máu, Hồn ma... thì tràn lan trong các tiệm bán băng, đĩa và cả rạp phim”.
Bạo lực - cỡ nào cũng có
Hình ảnh trên các bìa đĩa là súng, gươm, máu và cảnh chết chóc, đổ nát. |
Tương tự, nhiều tiệm khác trên đường Phan Đình Phùng, Trưng Nữ Vương... đều có các nhân viên luôn sẵn lòng, hào hứng hướng dẫn khách hàng tìm phim bạo lực và phim kinh dị. Hiện nay, đĩa phim bạo lực chiếm tới 70% lượng đĩa được bày bán trên các kệ của các cửa hàng băng đĩa trong thành phố. Người mua thật sự choáng ngợp trước một rừng phim bạo lực với những tựa phim đầy kích động, đẫm mùi máu như: Quả báo, Thành phố tội ác, Điểm dừng đẫm máu, hoặc hàng loạt tựa rùng rợn như: Ma sói, Ma ghế, Săn đầu lâu... Cảnh tượng trên bìa đĩa thường là máu, súng, dao kiếm, người cụt tay, cụt chân, đâm chém bạo liệt, những gương mặt phủ tóc lòa xòa đầm đìa máu đỏ, và sự tan hoang đổ nát. Những ai không quen mắt nhìn vào đó, có thể không khỏi rợn người, hoặc ít ra cũng giật mình.
Qua khảo sát của chúng tôi tại nhiều tiệm băng đĩa, khách hàng của loại phim này thường từ 13 - 25 tuổi. Không chỉ con trai, mà nhiều cô con gái gương mặt hiền lành vẫn tới hỏi vanh vách những tên phim bạo lực và hào hứng mua hoặc thuê hàng đống đĩa kiểu ấy. Những cậu bé học trung học cơ sở chỉ cần hỏi: “Có phim gì mới không anh?”, nhân viên bán hàng liền đưa ra các đĩa “chiến đấu”: Rambô 4, Vua Kungfu... T.S, một tay khá sành loại phim này khẳng định: “Ở nước ngoài có phim gì, lập tức ở Đà Nẵng có ngay phim ấy, giá lại rẻ, và chất lượng cũng được”.
Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Truyền thông và Ứng dụng Công nghệ thông tin FNBC (quản lý rạp CineZen), ông Hoàng Tiến Việt quan ngại: “Chúng tôi cho rằng việc quản lý Nhà nước về băng đĩa, nhất là đĩa phim bạo lực, kinh dị là “lực bất tòng tâm”, không tài nào kiểm soát nổi”.
Không thể “ăn” món mình thích
Không đến mức bội thực như ở các tiệm đĩa, nhưng số lượng phim hành động, kinh dị được trình chiếu ở các rạp cũng khá nhiều. Mới đây nhất, poster quảng cáo ở nhiều rạp chiếu là các phim “sặc mùi” đánh đấm và ma rợn như Người sắt, Chết lúc nửa đêm... Theo ông Hoàng Tiến Việt, hiện nay phim Mỹ chiếu tại Việt Nam chiếm tới gần 80% lượng phim lưu hành, mà loại phim này lại “đi đầu” về khoản kinh dị, có cường độ bạo lực cao.
Do đó, dù muốn dù không, các rạp vẫn phải chiếu các phim trên. Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng, ông Nguyễn Ba cũng công nhận: “Mình không chủ động nguồn phim, mà phụ thuộc vào các hãng nhập phim, không thể chiếu theo những gì mình muốn và chọn. Nhiều phim hành động coi rồi muốn điên cái đầu, nhưng vẫn chiếu”.
Ông Tiến đưa ra thực tế, lớp thanh-thiếu niên (17 - 25 tuổi) là đối tượng xem phim chính. Nếu chiếu những phim tình cảm xã hội, nhẹ nhàng thì khách đến rạp rất ít. Trái lại, họ chuộng những phim “bom tấn” như Người sắt, Người nhện, Vua Kungfu... với độ bạo lực dữ dội, nặng “đô”, được gia tăng thêm độ gay cấn, hấp dẫn bởi dàn âm thanh hiện đại và màn ảnh rộng trong phòng chiếu.
Cũng chính vì thị hiếu ưa thích phim bạo lực của thanh-thiếu niên, nên để kinh doanh có lãi, các hãng cũng phải chiều khán giả. Cứ thế, mật độ trình chiếu phim bạo lực không hề thuyên giảm, nếu không muốn nói là ngày càng tăng.
Bài và ảnh: PHONG KHÁNH