.

20 năm Hoa hậu Việt Nam

.

Đêm 31-8 này, tại Hội An, trên sân khấu nổi lung linh vạn sắc màu vừa được dựng lên giữa dòng sông Hoài thơ mộng, cuộc thi tài sắc vẹn toàn của Hoa hậu Việt Nam 2008 sẽ bước vào chung kết. Trong xu thế cuộc sống ngày càng tôn thờ cái đẹp gần hơn với những giá trị thực, cao quý của con người, đã đến lúc cần nhìn lại những nét cơ bản nhất, xuyên suốt tiến trình các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (VN) 20 năm qua.

Cách nghĩ mới về cái đẹp

Thí sinh phía Bắc dự thi vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2008. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Trước 1945, trên bán đảo Đông Dương từng lẻ tẻ có vài cuộc thi truy tìm người đẹp, mang dáng dấp các cuộc thi Hoa hậu. Nhưng các cuộc thi ấy không có sự gắn kết với cộng đồng và nhân dân. Ở VN, mãi đến trước năm 1988, trên bản đồ sắc đẹp thế giới, người đẹp VN chưa từng xuất hiện trong các cuộc thi mang tầm quốc tế. Với sự khởi xướng của Báo Tiền Phong, cuộc thi Hoa hậu VN thống nhất đầu tiên đã được tổ chức vào năm 1988.

Nối dài sau đó, không chỉ định kỳ 2 năm một lần có những cuộc thi Hoa hậu do Báo Tiền Phong tổ chức lấy tên là “Hoa hậu toàn quốc”, nhiều ngành, địa phương, hội đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đua nhau tổ chức các cuộc thi người đẹp, với nhiều tên gọi khác nhau. Không ít giá trị đáng đề cao đã bị đánh tráo, thậm chí bị lợi dụng, đôi khi chủ tâm khai thác quá mức đến vụ lợi. Tình trạng “loạn Hoa hậu” đã làm cho các cơ quan chủ quản có trách nhiệm ở Trung ương phải quan tâm hơn, quyết tâm tổ chức lại thật bài bản.
 
Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu VN, khởi đầu và cũng là nối tiếp từ năm 2002 đã được định hình. Báo Tiền Phong, bằng uy tín và kinh nghiệm, lại được chọn giữ vai trò tổ chức và lĩnh xướng. Kể từ đó, Hoa hậu VN không chỉ dành riêng cho VN mà đã hòa nhập vào thời cuộc, vào cuộc đua tranh sắc đẹp có tính tài năng toàn cầu. Hoa hậu VN còn phản ảnh không khí đổi mới của đất nước ta, luôn biết tôn vinh cái đẹp, đề cao những giá trị của con người, để sánh vai cùng các dân tộc khác trong thời đại văn minh.

Hoa hậu Mai Phương Thúy tại cuộc họp báo về Hoa hậu Việt Nam 2008.
Cũng từ nếp nghĩ mới, gần đây, vào năm 2007, Báo Tiền Phong đã phối hợp với một số đơn vị khác, tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt khá thành công, thêm một lần làm lay động lòng người trong và ngoài nước. Trong bản đồ sắc đẹp thế giới, thứ hạng Đẹp của Người đẹp VN đang nhích cao dần, nằm trong “Top 20”, nếu theo một tạp chí mỹ học của nước ngoài vừa bình chọn vào tháng 7-2008. Nhưng, mừng hơn, có lẽ là ở khía cạnh tâm lý - xã hội, khi thế giới nhìn vào, nghĩ về VN với tư duy: Một dân tộc anh hùng, tôn thờ cái đẹp, đương nhiên là sẽ có ngày càng nhiều những người đẹp, mang phẩm cách một dân tộc anh hùng.

Gắn kết với cộng đồng

Nếu điểm lại, có thể tìm thấy những bước chuyển tích cực trong tiến trình thi Hoa hậu VN. Càng gần đây, càng thấy xa dần những khuynh hướng cố tình tuyệt đối hóa chỉ về hình thể trong các cuộc thi Hoa hậu ban đầu. Cũng đã thưa vắng hẳn tình trạng thí sinh dự thi đến vòng chung kết, nhưng vẫn trả lời các câu hỏi đơn giản một cách ngô nghê. Các thí sinh đã ngày càng cao hơn, không chỉ về vóc dáng, mà cả tri thức.

Duyên dáng hơn, chuyên nghiệp hơn, nhưng không làm mất đi nét thuần phác văn hóa Việt. Đặc biệt, trong các cuộc thi Hoa hậu VN 2006 và 2008, Người đẹp vào chung kết đã thực tâm hòa nhập vào cộng đồng, để làm từ thiện, hướng thiện rõ nét. Nếu trước đây, làm từ thiện, với những thí sinh chỉ như là “phải thế”, để “vượt qua”, hoặc là cố mà giành lấy giải Người đẹp thân thiện; thì giờ đây, các thí sinh đã hòa nhập thật sự và đồng cảm thật lòng với những cảnh ngộ éo le trong đời sống.

Món quà nhỏ được các người đẹp chuyển đến tay những người mẹ anh hùng. Ảnh: Kiến Huy.
Nhiều vương miện Hoa hậu đã được trao qua các cuộc thi, nhưng không ngẫu nhiên, khi phần lớn phóng viên đã dành rất nhiều thời gian tác nghiệp để phỏng vấn, ghi hình Bùi Bích Phương, Ngọc Khánh, nhất là Mai Phương Thúy, người đã vận động quyên góp được gần 10 tỷ đồng để làm từ thiện suốt 2 năm qua.

Không thể phủ nhận vai trò “bà đỡ” tích cực, đã tài trợ chính, khởi xướng Chương trình An sinh xã hội vì người nghèo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN, dự kiến huy động đủ 35 tỷ đồng, dành cho các cộng đồng nghèo khó trên đất nước ta và gắn kết Chương trình này với cuộc thi Hoa hậu VN 2008. Những người đẹp VN đã và đang làm cho Chương trình ấy thắm đượm tình người.

Rõ ràng, qua cuộc thi Hoa hậu VN 2008, lần đầu, các giá trị lớn giàu tính nhân văn đã được hiện thực hóa, có một bước tiến dung hòa, đề cao và tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ VN, gắn kết liên tục với cộng đồng. Hơn nữa, chính trong cộng đồng, nhờ cộng đồng, giá trị của các danh hiệu trong cuộc thi mới có dịp tỏa sáng và nhân lên gấp bội lần.

Trần Danh Lân -Kỳ Nam



;
.
.
.
.
.