.

Cai Lanh và “Bộ đội ông Soái”

.

Địa danh Cai Lanh chỉ mới xuất hiện ở vùng đất phía Nam núi Ngũ Hành Sơn vào những năm 30 thế kỷ trước. Đó là khoảng thời gian nơi đây hình thành một chợ quê được gọi theo tên người đã có công tạo dựng nó -  ông Cai Lanh. Đây là nơi đóng quân của “Bộ đội ông Soái” mà một thời lính Pháp mới nghe tiếng đã khiếp sợ.

Nhà ông Cai Lanh nay thuộc tổ 22 phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: V.P.Q)

Ông Cai Lanh tên thật là Huỳnh Bá Bút (1904-1964). Gọi là Cai, bởi một thời ông là cai làm đường ở Đồn Giằng (huyện Giằng) cho Pháp. Còn Lanh là tên người con gái đầu của ông, bà Hai Lanh. Được vua Bảo Đại ban tặng Cửu phẩm văn giai nên người ta còn gọi ông là Cửu Lanh. Xong sở Đồn Giằng, ông về quê xây một ngôi nhà theo kiểu Tây, nhưng bên trong lại bày biện theo lối Á Đông.

Ngày đó, người dân quanh vùng muốn đi chợ phải lội bộ hơn hai cây số ra chợ Quảng Cái (Non Nước) hoặc vô chợ Cồn (Điện Ngọc). Thấy thế, ông Cai Lanh đứng ra hô hào làng trên xóm dưới lập một chợ quê gần nhà ông. Ông bỏ tiền dựng lều quán cho dân làng có chỗ tụ họp buôn bán, trao đổi hàng hóa. Từ một nơi không ai biết đến, cái chợ quê mới lập này thịnh dần lên với nhiều sản vật nổi tiếng quanh vùng. Địa danh “Cai Lanh”, “chợ Cai Lanh” bắt đầu xuất hiện trong dân gian từ ngày ấy.

Chợ Cai Lanh đi vào nền nếp chưa được bao lâu thì giặc Pháp đẩy mạnh chiến tranh. Giữ nhiệm vụ bố phòng Mặt trận Non Nước hồi đó là Trung đội 1 thuộc Đại đội lưu động Xung phong do ông Nguyễn Văn Soái làm Trung đội trưởng. Năm 1947, lúc vỡ Mặt trận Non Nước, đơn vị chuyển quân vào Điện Bàn, sau đó mới quay lại, bốn người trong trung đội bộ đóng tại nhà ông Cai Lanh. Ông Cai Lanh cao to, người phúc hậu, nhiệt tình với bộ đội, ai ốm đau, ông nấu cháo cá cho ăn, chỉ khi nào thật khỏe mới cho đi.

Ông Soái quê huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, vào Nam theo phong trào Nam tiến. Bản tính dũng mãnh, gan dạ của người chỉ huy cộng với cái can trường khí khái của những người lính miền Trung đất Quảng đã làm cho giặc Pháp mất ăn mất ngủ một thời gian dài. Còn đồng bào mình thì mỗi khi nhắc đến “Bộ đội ông Soái” lòng lại dấy lên những mến thương cảm phục.

“Bộ đội ông Soái” nổi tiếng vì thông minh gan dạ, đánh giặc giỏi, có nhiều chiến công. Khoảng hè 1948, giặc Pháp mở một trận càn ác liệt suốt một ngày từ Đà Nẵng vào Hội An. Bộ đội nấp dưới dây khoai lang từ sáng sớm mãi đến giữa trưa, người nào người nấy đói lả. Thương đồng đội vất vả, cực nhọc, ông Soái không cầm được nước mắt. Ông hội ý với anh em, quyết mở một đường máu thoát thân. Nói rồi, ông xông ra cầm cự với hỏa lực giặc, tạo điều kiện cho anh em thoát về nơi an toàn.

Năm 1949, Trung đội 1 chuyển vào chợ Được, Thăng Bình, để lại nhớ thương trong lòng bà con làng Cai Lanh. Đau buồn nhất là bà Hai Lanh, người sâu nặng nghĩa tình với ông Soái. Bà nán ở lại hoạt động, hẹn sẽ vào sau, nhưng bị giặc Pháp bắn chết ngay tại làng. Còn các thành viên của “Bộ đội ông Soái” thì sau nhiều lần chuyển địa điểm đóng quân, cộng với việc tách thành lập đơn vị mới, họ ngày càng bị phân tán mỏng dần.

Gần 60 năm qua, “Bộ đội ông Soái” trên đất Cai Lanh xưa giờ không biết ai còn ai mất. Về thăm chiến trường xưa chỉ có mỗi ông Phạm Hiền Lương (quê Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam), cán bộ tiểu đội 1 ngày trước. Chợ Cai Lanh không còn, nhưng chuyện xưa ông kể sẽ mãi được dân gian nhắc đến như tên gọi Cai Lanh đã đi vào lòng người một thuở.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.